Nhiều cáo buộc về chuyện các bậc thầy yoga lạm dụng tình dục đã xuất hiện, trong đó có Bikram Choudhury - người tự coi mình là một “vị thần” và “muốn làm chi cũng được”.
Nóng với… Yoga-Nóng-Bỏng
Năm 2019, kênh Netflix đã phát hành một phim tài liệu mang tên “Bikram: Đạo sư và Kẻ săn mồi, về cuộc đời, công việc và hành vi của Choudhury”. Theo nhà phê bình phim Adrian Horton, phim tài liệu ấy là “tổng hợp trực quan, với những cảnh quay trong suốt hàng chục năm, với lời khai của người thứ nhất cùng những cảnh ở tòa án, vẽ ra một bức chân dung tàn khốc của một bậc thầy yoga từng được bảo vệ khỏi những hậu quả tệ hại chỉ vì sự sùng bái cá nhân, sự giàu có và quyền lực chuyên nghiệp của ông ta trong cõi Yoga Nóng Bỏng”.
Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa ai vén được tấm màn che khuất cuộc sống đầu đời của bậc thầy Bikram Choudhury, một giáo viên yoga người Mỹ gốc Ấn Độ, tự nhận mình là nhà sáng lập của trường phái Bikram Yoga, hay Yoga Nóng Bỏng.
Ông ta sinh năm 1944 ở Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal, Ấn Độ. Vào thời kỳ đỉnh cao vào đầu những năm 2010, hình ảnh Choudhury với mái tóc cột tùm kiểu đuôi ngựa đã được treo trên tường của khoảng 650 phòng tập yoga Bikram trên toàn thế giới. Ông ta tuyên bố đã được tổng thống Mỹ Richard Nixon mời sang Hoa Kỳ và đã dạy yoga cho các phi hành gia NASA, cho cả ban nhạc huyền thoại The Beatles, đã thu hút cả những người nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở Hollywood như... Michael Jackson, Jeff Bridges, Shirley MacLaine, Barbra Streisand và Raquel Welch từ những năm 1970.
Yoga Nóng Bỏng có 26 tư thế yoga và hai bài tập thở, thực hiện trong môi trường nóng tới 40° C. Nhiệt độ ấy để... bắt chước điều kiện khí hậu ở quê quán Kolkata của bậc thầy, song lại được giải thích rằng đó là “sự kết hợp giữa cái nóng có tính... xây dựng, trí tuệ vũ trụ và sự lập dị của... kịch câm”.
Bikram Choudhury đã phát triển Yoga Nóng Bỏng thành một thương hiệu toàn cầu. Năm 2012, ông ta tuyên bố đã đăng ký thương hiệu, sau đó nộp đơn kiện để ngăn những học viên cũ của Bikram Yoga “điều chỉnh” 26 động tác của ông ta. Ngay sau đó, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đã ra thông cáo rằng các tư thế yoga không thể có bản quyền theo cách Bikram Choudhury đã tuyên bố.
Đối với nhiều thực tập sinh môn Yoga Nóng Bỏng, ông ta là một nhà lãnh đạo tinh thần chứ không chỉ là nhà sáng lập ra một cách tập thể dục yoga. Bậc thầy từng khoe trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình HBO rằng: “Yoga Nóng Bỏng còn tệ hơn... ma túy cocain. Bạn có thể thoát khỏi cocain nhưng một khi bạn đã quen với Bikram Yoga, bạn khó có thể dừng lại”.
Dòng thu nhập lớn nhất của Choudhury là các khóa đào tạo huấn luyện viên, tổ chức hai năm một lần, mỗi lần có 400 người sẵn sàng đóng trên 12.500 USD cho mỗi suất học. Họ phải trải qua chín tuần tập yoga chuyên sâu, với hi vọng sẽ được công nhận là giáo viên hướng dẫn môn Bikram Yoga. Ước tính tài sản cá nhân của bậc thầy Choudhury trị giá khoảng 75 triệu USD, gồm cả một đội 43 chiếc xe hơi sang trọng vào đầu những năm 2010.
Tôi là một “vị thần”!
Những học viên dự các lớp Bikram Yoga chủ yếu ở độ tuổi từ 22 - 35, nhiều người có cơ thể thật sự đẹp, tất cả đều phải mặc quần soóc bó sát (nam), hay mặc bikini (nữ), để sẵn sàng “tan chảy” với mồ hôi luôn thấm đẫm những tấm thảm tập. Sinh kế tương lai của họ phụ thuộc vào việc họ phải theo kịp lớp học, và vì vậy nhiều người sợ mất trên chục ngàn đôla học phí mà họ đã nộp.
Dù sao, cũng đã tới lúc nhiều người bắt đầu thay đổi suy nghĩ, khi họ nhận ra bậc thầy đã gây ra không ít tổn thương cho các học viên. Nhiều người kể rằng họ phải chịu đựng “sự lạm dụng khủng khiếp”, trong khi theo đuổi “sự thức tỉnh Yoga” ở những lớp Yoga Nóng Bỏng.
Báo Anh The Guardian ngày 18-2-2017,cho biết: Năm 2013, một loạt cáo buộc Choudhury hiếp dâm và quấy rối tình dục đã được đưa ra. Sarah Baughn, một cựu giáo viên môn Bikram Yoga, tuyên bố rằng Choudhury đã tấn công tình dục cô tại một trại huấn luyện. Một học viên người Canada, Jill Lawler, 18 tuổi, đã kiện Choudhury vì tấn công và bạo hành tình dục. Một sinh viên khác, Maggie Genthner, đã cáo buộc rằng bậc thầy đã hai lần cưỡng hiếp cô, trói hai chân cô vào tư thế yoga, và cười nhạo cô.
Trong những người kiện Choudhury ra tòa có cô Minakshi “Micki” Jafa-Bodden, cựu học viên và cũng từng là cố vấn pháp lý cho công ty yoga Bikram. Trong hai năm làm việc với Choudhury, cô Jafa-Bodden tuyên bố mình vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng về những gì bậc thầy bị tố cáo.
Cô Jafa-Bodden kể với báo The Guardian: Khi cô chìa ra cho bậc thầy coi tin nhắn trên Facebook của một cô gái tố cáo rằng Choudhury đã cố gắng đưa “của quý” của y vô miệng cô ấy thì bậc thầy trả lời rằng: “Tôi đã chăm sóc... ‘con chó cái’ đó ở Hawaii”.
Sau khi Jafa-Bodden nói với Choudhury rằng ông ta không được phép đưa học viên vô phòng ngủ, ông ta đã đứng lên bục giảng trước một lớp học để chế nhạo cô: “Luật sư của tôi nói với tôi rằng tôi không thể có một cô gái trong phòng. Vì vậy, bây giờ tôi sẽ có hai".
"Ông ta nói rằng mình là một “vị thần”, có thể làm bất cứ điều gì ông ấy muốn, và tôi là kẻ ngu ngốc và đã bị “Tây hóa” quá mức” - cô Jafa-Bodden, tới từ bang Assam (Ấn Độ) kể.
Hiện có ít nhất sáu vụ kiện Choudhury ở các tòa án của bang California, Hoa Kỳ, từ phân biệt chủng tộc cho tới quấy rối tình dục và cưỡng hiếp. Tuy vậy, cho tới nay, người phụ nữ duy nhất đã đánh bại Choudhury trước tòa là cô Jafa-Bodden. Vào tháng 1-2017, bồi thẩm đoàn của tòa án quận Los Angeles đã buộc Choudhury và công ty Bikram phải bồi thường cho cô Jafa-Bodden tổng số tiền 6,8 triệu USD, vì một loạt cáo buộc bao gồm sa thải bất hợp pháp và quấy rối tình dục.
Tuy vậy, bậc thầy Choudhury đã... trốn về quê hương Ấn Độ, sau khi ly hôn vợ ở Hoa Kỳ (để cô ta khỏi bị ràng buộc tái chính về những vụ kiện tụng liên quan tới chồng cũ). Dĩ nhiên bậc thầy đã trốn khỏi Hoa Kỳ mà chẳng hề trả xu nào, theo phán quyết của tòa Los Angeles.
Sau đó, luật sư Ấn Độ của Choudhury tuyên bố rằng thân chủ của ông sẽ không quay lại Hoa Kỳ để tự bào chữa tại các phiên tòa khác đang chờ xử lý, và “hi vọng có thể làm chứng qua... ứng dụng Skype”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10-2016, khi kênh truyền hình Real Sports (thuộc HBO) “truy” được đạo sư Choudhury ở một trại huấn luyện yoga gần Mumbai, Ấn Độ, ông ta đã xúc phạm những người tố cáo mình khi tuyên bố: “Tại sao tôi phải quấy rối phụ nữ? Mỗi ngày 5.000 phụ nữ sẽ xếp hàng để được quan hệ tình dục với tôi! Mọi người chi 1 triệu USD cho một giọt tinh trùng của tôi! Bạn có ngốc không, khi tin vào những lời tố cáo của bọn ‘rác rưởi’ và ‘tâm thần’ ấy?”.
Hiện nay, bên ngoài Hoa Kỳ, Choudhury vẫn tiếp tục quảng cáo các trại huấn luyện giáo viên của mình, ở Ấn Độ và cả ở Acapulco, Mexico, vẫn với giá khoảng 12.500 USD cho một suất. Tuy vậy, nhiều chủ sở hữu phòng tập Bikram Yoga đã... gỡ bỏ những bức hình của bậc thầy Choudhury như một nỗ lực cho thấy họ muốn xa lánh vị đạo sư cũ của mình. Trong đó, có khoảng 30 phòng tập yoga từng mang tên Bikram ở Anh và nhiều thương hiệu đang đổi thương hiệu, từ Bikram Yoga North, West, City và Primrose Hill... ở London nay đã mang tên mới là “Fierce Grace”.
Trước kia, trong xã hội thời trung cổ mà hầu hết dân số theo đạo Hindu ở Ấn Độ, yoga vốn được thực hành một cách bí mật, theo cách đơn độc, khổ hạnh, và học hành theo truyền thống một học trò lâu dài (gọi là shishya) với thầy hoặc đạo sư (guru) của họ.
Mối quan hệ một đạo sư - một học trò truyền thống trong việc huấn luyện yoga ở Ấn Độ đã bị đảo lộn do việc toàn cầu hóa bộ môn yoga hiện đại ở thế kỷ 20, pha trộn vài phong cách thể dục dụng cụ của phương Tây với các tư thế Hatha Yoga ở Ấn Độ.
Trước những cáo buộc về lạm dụng tình dục trong các phòng tập yoga, Liên minh Yoga đã công bố chính sách về các hành vi sai trái tình dục, mô tả các loại hành vi được coi là không phù hợp đối với giáo viên yoga ở Hoa Kỳ cùng những quy trình báo cáo, xem xét và điều tra khiếu nại.
The British Wheel of Yoga. cơ quan quản lý yoga ở Anh, cũng đã đưa ra “Chính sách bình đẳng và đa dạng”, trong đó mục mô tả các loại hành vi không phù hợp với giáo viên yoga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận