19/11/2017 17:41 GMT+7

Khi thầy cô "sợ lắm những chiếc phong bì"!

NGỌC HÙNG (Huế)
NGỌC HÙNG (Huế)

TTO - Theo bạn đọc Ngọc Hùng, ngày nay khi mọi thứ dễ dàng quy đổi ra "thóc" và tình thầy trò lắm lúc cũng sặc mùi tiền. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh đồng tất cả. Có những thầy cô "sợ lắm với chiếc phong bì".

Khi thầy cô sợ lắm những chiếc phong bì! - Ảnh 1.

Dưới đây là bài viết của tác giả Ngọc Hùng gửi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"Ai chẳng thích tiền!" - tôi bắt gặp câu nói này trong khá nhiều người bạn của mình mỗi dịp 20-11 và lòng ngậm ngùi vô cùng. Đồng tiền với giá trị sử dụng cùng những tiện ích đi kèm đang dần chiếm ưu thế so với bất kỳ món quà tặng nào trong ngày lễ tri ân các thầy cô.

Nhưng phụ huynh có bao giờ nghĩ đến chuyện lắm giáo viên cũng… sợ những chiếc phong bì không?

"Đừng vội quy chụp một cách kệch cỡm, đánh đồng tất cả nhà giáo đều "mê" tiền. Bởi rất nhiều thầy cô thẳng thắn khuyên học trò đừng tặng quà, có người sẵn sàng nhận hoa trả lại quà và thậm chí là "trốn biệt" mỗi dịp 20-11 tránh phụ huynh, học sinh đến nhà tặng quà".

Ngọc Hùng

Lòng tri ân thầy cô vốn là một nét đẹp cao quý của con người đang dần biến tướng và thương mại hóa mất rồi. Ngày xưa học trò cặm cụi làm thiệp, vẽ tranh, sáng tác thơ văn làm quà tặng cô thầy.

Những món quà ấm tách, dầu gội, xấp vải hoa… góp tay từ tiền tiết kiệm của học sinh sao mà trân quý đến thế! Quà từ tấm lòng mộc mạc và chân chất của những cô cậu học trò kính thầy mến bạn làm lòng người thầy ấm áp vô cùng.

Ngày nay mọi thứ dễ dàng quy đổi ra "thóc" và tình thầy trò lắm lúc cũng sặc mùi tiền. Nhiều người thản nhiên phán 20-11 là "mùa thu hoạch" của thầy cô. Điều ấy không sai khi mà người người nườm nượp quà cáp, phong bao, phong bì gói ghém cần thận mang đến tặng cô.

Buồn cười là nhiều phụ huynh xây cho mình một "tháp ngà" trong suy nghĩ rằng không tặng quà con mình sẽ bị phân biệt đối xử. Thế là cứ đến ngày tri ân hay mỗi dịp lễ tết đều "vác" quà đến nhà thầy và yên tâm với việc mình đã hoàn thành "nghĩa vụ" với thầy cô.

Xin phụ huynh nhớ rằng dạy dỗ trò là trách nhiệm của người thầy. Tình yêu nghề và cái tâm trong sáng của người thầy sẽ là một ngọn đuốc soi đường để mỗi người đứng trên bục giảng cầm viên phấn trắng chẳng chút bận lòng rằng trò này có đi quà, trò kia chẳng tặng quà!

Nhiều phụ huynh lớn tiếng phê phán chuyện đi phong bì cho thầy cô giữa tập thể, phê phán chuyện đút lót, hối lộ hòng đổi điểm số, thành tích. Vậy mà chính họ lại lén lút chuẩn bị hộp quà thật lớn, phong bì thật nặng đến nhà và luôn miệng "gửi gắm" con cái cho thầy cô.

Rồi khi vừa dắt xe ra khỏi cổng, lời chúc tụng chưa kịp chưa kịp bay theo gió đã vội tặc lưỡi, bĩu môi và thêu dệt những câu chuyện không hay về giáo viên.

Chính căn bệnh sợ hãi trong tưởng tượng và những lời đồn thổi kia đã đẩy xã hội vào cuộc đua quà cáp. Nói một cách thẳng thắn thì khá nhiều thầy cô bị chính phụ huynh "tập hư" bằng những chiếc phong bì.

Bởi vậy, việc giữ cái tâm trong sáng của nghề giáo cũng như sự tin yêu, kính trọng của học sinh, phụ huynh là cực kỳ khó.

Chỉ cần một chút sơ sẩy, một phút yếu lòng, thành trì của một nhà giáo mẫu mực sẽ bị sụp đổ trước những món quà xa hoa và hàng chục chiếc phong bì giá trị mỗi dịp 20-11!

Tôi nghĩ ý nghĩa của một món quà không chỉ ở giá trị mà còn ở mục đích tặng và cách tặng quà. Không phải lúc nào người ta cũng thích quà nặng về giá trị vật chất và tất nhiên những món hàng mua vội trong cửa tiệm chẳng bao giờ so sánh được với quà do trò tự tay sáng tạo, chuẩn bị.

Dẫu đó chỉ là một cánh thiệp hơi vụng về, một bó hoa còn chưa khéo hay một lọ thủy tinh gấp sao xếp hạc nhưng giá trị của nó thì quả không đong đếm được.

Nếu một món quà trao đi chẳng mang chút tình cảm nào của người gửi, đơn thuần là nghĩa vụ tặng quà hay chứa đựng toan tính thì xin đừng tặng! Phụ huynh chẳng vui vẻ tặng quà thì sao tìm được niềm vui của giáo viên? Đó là lúc lòng người thầy nặng trĩu bởi "của biếu là của lo, của cho là của nợ".

Tặng quà cho giáo viên, xin phụ huynh đừng thay con làm tất tần tật. Từ khâu lên ý tưởng, mua quà, gói quà đến trao quà cho thầy cô đều một tay phụ huynh lo chu toàn. Ý nghĩa của Ngày nhà giáo mất hết.

Người cần tỏ lòng biết ơn là học trò thì vô tư lự, chẳng chút bận tâm, đó là lối mòn cho sự vô tâm và vô cảm. Lòng biết ơn cần được chính bố mẹ vun đắp qua từng món quà xuất phát từ tấm lòng của con trẻ.

Và điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi đến tất cả những ai đã, đang và sẽ khoác chiếc áo trắng tinh khôi của học trò là: Món quà quý giá nhất mà bất kỳ người thầy nào cũng muốn nhận chính là sự tiến bộ của mỗi học sinh!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có đồng ý với cách nhìn nhận của tác giả Ngọc Hùng: Món quà quý giá nhất mà bất kỳ người thầy nào cũng muốn nhận đó là sự tiến bộ của học sinh? Mời bạn chia sẻ trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

NGỌC HÙNG (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên