Trước đó như Tuổi Trẻ Online phản ánh, dọc đường Hoàng Sa, bán đảo Sơn Trà xuất hiện nhiều đàn khỉ tấn công du khách khi tràn xuống đường tìm kiếm thức ăn.
Khỉ tấn công du khách
Những con khỉ ở đây tỏ ra rất dạn dĩ, sẵn sàng bám lấy chân, tay du khách để xin ăn. Thậm chí một số con nhảy hẳn lên người tấn công du khách.
Dù được tuyên truyền, cắm biển cảnh báo cấm cho khỉ ăn, nhưng nhiều du khách vẫn vô tư ném cho khỉ các loại thực phẩm của con người như bánh kẹo, sữa…
Ông Phan Minh Hải - phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng - cho biết việc cho khỉ ăn sẽ làm thay đổi tập tính, bản năng kiếm ăn của khỉ.
Đồng thời khi đói, khỉ dễ tấn công, cướp đồ ăn của du khách.
Cái khó là việc cho khỉ ăn chưa có chế tài xử lý, hiện nay chỉ có thể xử phạt các hành vi ngược đãi, săn bắt khỉ.
"Thời gian qua, ban quản lý đã đưa ra những biện pháp mạnh như lập biên bản nhắc nhở gửi về địa phương đối với một số trường hợp du khách cho khỉ ăn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở du khách.
Ngoài ra, ban quản lý cũng đã gửi công văn đề nghị các đơn vị lữ hành, các hãng xe tuyên truyền, khuyến cáo du khách tuyệt đối không dùng thức ăn của mình cho các loài động vật tự nhiên", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết việc khỉ phụ thuộc vào đồ ăn con người dẫn đến nhiều trường hợp tấn công, cướp đồ của du khách. Trong thời gian tới ban quản lý sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra để cắt nguồn thức ăn mà con người cho khỉ.
Từ đó giúp khỉ thích nghi, quay lại cuộc sống hoang dã. Đồng thời gắn camera giám sát và bổ sung quy chế và chế tài xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định.
Bị khỉ cào, cắn có thể dẫn đến tử vong
Theo bác sĩ Trương Thị Hoa - phó trưởng khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, khỉ cắn chiếm 2-21% vết thương do động vật cắn và là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau chó cắn.
Người bị khỉ cào, cắn có vết thương mang nhiều nguy cơ gây bệnh, trong đó có bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Các nghiên cứu y khoa cho thấy khỉ cũng mang vi rút dại, mầm bệnh tồn tại nhiều trong nước bọt của khỉ, có thể lây sang người qua vết cào, cắn.
Người bị khỉ cào, cắn có thể bị lây nhiễm vi rút herpes B là một vi rút đặc hữu ở một số loài khỉ châu Á. Vi rút này có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về thần kinh như bệnh lý viêm não.
Ngoài ra nguy cơ nhiễm trùng vết thương do khỉ cắn, cào rất lớn, gây ra các triệu chứng sưng nóng, đỏ, đau, thậm chí mưng mủ tại vết thương và nguy hiểm nhất là nhiễm trùng uốn ván.
"Khi bị khỉ cào, cắn cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng 15 phút, sau đó sát trùng vết thương bằng cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn. Băng bó nếu vết thương chảy nhiều máu và đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Bạn cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm phòng dại và uốn ván càng sớm càng tốt", bác sĩ Hoa nói.
Chị Cao Thị Kim Tuyết - tình nguyện viên Sơn Trà - cho biết thường xuyên chứng kiến cảnh khỉ cào, cắn du khách.
"Có những vụ ba mẹ cho khỉ ăn rồi khỉ lao lên giật đồ ăn và cắn chính con của họ, phải đưa đi bệnh viện.
Việc cho khỉ ăn khiến chúng tràn xuống đường và thường xuyên bị xe cộ qua lại cán chết và rất nhiều hệ lụy kéo theo", chị Tuyết nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận