Siddhartha trong Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse kiếm tìm con đường đi đến sự nhận biết nhất thể (một là tất cả, tất cả là một). Dưỡng trong Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần kiếm tìm một kẻ khả nghi phản trắc. Toru trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami truy đuổi theo dấu hiệu mờ nhạt của một mối tình. Sophie của Jostein Gaarder (Thế giới của Sophie) sống ở một thế giới song song trong sự loay hoay về tồn tại của chính bản thân mình.
Phóng to |
Bìa bản tiếng Việt các cuốn Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse Ảnh: Q.K. |
Dường như mọi cuốn sách đều là những cuộc kiếm tìm, theo dấu và săn đuổi bất tận. Có những sự tìm kiếm hào nhoáng, cũng có những sự tìm kiếm ti tiện và hèn hạ, chỉ duy nhịp đập chậm rãi của lòng ham, của một chút hormone chảy trong huyết quản kích thích mọi hành động là không thay đổi.
Tôi đọc Siddhartha (*) của Hermann Hesse để biết cho tới khi ngừng kiếm tìm thì ta mới hết khổ đau. Nhưng để đạt đến điều đó, không thể không trải qua những hành trình đi qua mọi thứ: sự phù phiếm, hoan lạc, giàu sang, nghèo khổ, sức kháng cự của tình yêu, hành trình nhận thức cái chết, sự mất mát và thương yêu... Không còn cách nào khác. Một con đường đi tắt là bất khả!
Nghĩa là chúng ta không thể nhận ra "trí huệ" bằng cách học qua người khác. Ðúng kiểu khoa học thực nghiệm, Hesse đó, đúng kiểu trăm nghe không bằng mắt thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Ðúng kiểu tôi nghĩ về cuộc sống. Không có khóa học nào là hữu ích cho những kẻ săn dấu cuộc sống, chỉ có đi tìm bằng chính sức lực của mình, duy nhất điều đó là có ý nghĩa thôi.
Khi Siddhartha đắm chìm trong mọi cảm xúc của cuộc sống, một phần trong anh khô héo đi. Nhưng cái mầm của sự thấu hiểu dần dần lớn lên. Nhờ trải nghiệm mọi thứ, nhờ biết đau khổ và yêu thương, biết khinh ghét và tôn sùng, nhẫn nhịn và bộc phát, mà trái tim anh rộng mở. Như một dòng sông, đứng yên một chỗ nhưng chảy mãi không ngừng...
Siddhartha nói với chúng ta biết yêu thương hiện tại. Yêu thương một hòn đá như vốn có của nó. Yêu thương sự hai mặt của cuộc sống, coi cuộc đời như một hiển hiện bền vững, như một sự hoàn hảo của vạn vật. Nghĩa là đến sự sai lầm cũng có điều đáng yêu, đến nỗi buồn cũng có nét xinh xắn, và sự chết không có gì phải buồn. Siddhartha dạy chúng ta dũng cảm đón nhận. Và dòng sông vẫn chảy mãi, không than vãn, không khóc thương, chỉ có một tiếng "Om" huyền diệu.
Nhưng Siddhartha cũng nói với chúng ta hoài nghi. Hoài nghi để cảm nhận và thấu hiểu. Vì thế cho nên đọc là một chuyện, tin theo hay không, làm theo hay bỏ xó mọi điều dạy dỗ là ở chúng ta. Có trải qua mới có thấu hiểu. Và chẳng ai có thể sống cuộc đời của người khác, nhận sự thấu hiểu của người khác như một ban phát đầy ân huệ.
Khó ở chỗ, chẳng phải ai cũng có thể im lặng mà tồn tại, và sống sót.
(*) Bản dịch của Lê Chu Cầu, Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành; bản dịch của Phùng Khánh - Phùng Thăng do NXB Văn Hóa Sài Gòn ấn hành có tên quen thuộc là Câu chuyện dòng sông).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận