Khi sự độc đáo là điều bình thường 

TƯỜNG ANH 29/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Cái cuối cùng cha mẹ có thể chọn lựa: muốn con mình lớn lên không tương đồng với người khác, hay hòa lẫn với đám đông để “đường đi thông suốt”?

Biếm họa: vseanekdotu.ru
Biếm họa: vseanekdotu.ru

 

Tuổi thơ - đó là thời kỳ nặng nề, đau đớn nhất trong đời người. Bởi công việc chính của một đứa bé là nhận thức thế giới. Mà với chúng ta, những người lớn, thế giới đã không đơn giản và đầy mâu thuẫn. Vậy thì đối với một đứa bé, nhận thức thế giới, xây dựng những quan hệ riêng của mình với nó... là một nhiệm vụ có dễ dàng không?

Đó là câu hỏi của nhà thực nghiệm tâm lý Nga Andrey Maksimov trong quyển sách Trẻ em như tấm gương soi. Làm thế nào kết bạn cùng con, thay đổi chính mình? Andrey Maksimov khởi xướng một phương pháp mà ông gọi là “triết lý tâm lý”.

Bản chất của phương pháp này đơn giản: để giúp một người gặp một tình huống khó khăn, cần phải hiểu tâm lý và triết lý của anh ta.

Và khác với các hệ thống tâm lý học khác, triết lý tâm lý không nhắm vào chuyên gia, mà hướng đến tất cả mọi người, giúp xây dựng quan hệ hài hòa với những người xung quanh và với chính mình, đặc biệt là với con em mình.

Làm thế nào để giúp? Đó là xây dựng một hệ thống cho phép đặt những câu hỏi nhất định và nhận được những câu trả lời nhất định. Tiếp đó là việc phân tích cuộc sống của con người từ quan điểm triết lý, tâm lý mà qua việc phân tích sẽ tìm ra những ý nghĩa mới của cuộc sống, giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Thường thì chúng ta tư vấn cho người khác dựa trên kinh nghiệm, trong khi tính phổ quát của kinh nghiệm không thể hỗ trợ như nhau cho tất cả mọi người, vì thượng đế đã tạo ra mỗi con người là một cá thể đặc thù. Triết lý tâm lý sẽ giúp ta tạo ra thực tiễn của mình, thay vì phó thác chúng ta cho sự đẩy đưa của hoàn cảnh!

Trẻ em - sự nhắc nhở về nguyên bản

Theo quan điểm triết lý tâm lý này, Andrey Maksimov cho rằng trẻ em là sự nhắc nhở về nguyên bản, là mô hình lý tưởng của con người, bởi trẻ em thì tự do và tuyệt đối chân thành.

Đó là lý do không nên nhìn trẻ em như những đối thể cần phải dạy dỗ (dạy chúng sự bất hạnh của người lớn à?), bởi trong khi trẻ em nhìn cha mẹ như những tấm gương mà chúng làm theo, người lớn cùng lúc cũng có thể học hỏi ở trẻ em để “tự tái sinh”.

Như nhà tâm lý và nhà văn Đức Hunter Beaumont nhận định: “Chúng ta thường nói về việc bà mẹ sinh ra đứa con, còn khái niệm đứa con có thể sinh ra người mẹ, không nghi ngờ gì, đòi hỏi phải tập cho quen”.

Đời người, theo nhà thực nghiệm tâm lý Maksimov: “Đó là một con đường, bắt đầu từ sự tự do thần thánh mà tất cả chúng ta được sinh ra, đi đến sự lệ thuộc xã hội”. Con người hiển nhiên phải hòa mình trong một xã hội, nhưng “điều đó không có nghĩa anh ta phải đánh mất tất cả sự thần thánh (hay tự nhiên) có sẵn trong chính anh ta từ lúc mới sinh ra” - Maksimov viết.

Tác giả quyển sách kể về một trong những “ca” tưởng là kỳ lạ mà các phụ huynh tìm đến ông. Một phụ nữ kể bà có hai con: con trai 7 tuổi, con gái 11 tuổi.

Một hôm, bà đặt lên bàn trước mặt chúng một trái rưỡi quýt và nói: Một trái rưỡi quýt. Đứa con trai cười. Nó có cảm giác cụm từ “một trái rưỡi quýt” rất khôi hài. Còn đứa con gái chỉ vào mớ trái cây và nói:

- 540.

- 540 gì? - bà mẹ không hiểu.

Đứa con gái cứ khăng khăng lặp đi lặp lại:

- 540, 540...

Cuối cùng nó giải thích:

- Một trái quýt - 360 độ. Nửa trái là - 180. Tổng cộng là 540.

Bà mẹ cho biết con bà chật vật trong trường học. Trong giờ văn, khi được yêu cầu đưa ra tư tưởng chính của tác phẩm, cô bé không hiểu một câu hỏi nào, cô không biết là một tác phẩm có thể có một tư tưởng chủ đạo nào đó.

Bức tranh thế giới đối với cô chỉ là những con số. Những thứ còn lại chẳng có gì thú vị và khó hiểu. Con bé có bình thường không? - bà mẹ hỏi.

Câu chuyện khác Maksimov kể là của nhà văn và nhà sư phạm Ba Lan Janusz Korczak. “Khi tôi làm bài tập toán - chàng trai này nói - những con số là những người lính. Và tôi là tướng lĩnh.

Câu trả lời là pháo đài mà tôi phải chiếm. Nếu gặp khó khăn, một lần nữa tôi sẽ phải thu thập đám bại binh, lên kế hoạch chiến đấu mới và đưa vào tiến công”. Cậu bé có bình thường không?

Dẫn những câu chuyện này, nhà thực nghiệm triết lý tâm lý cho rằng tất cả những đứa trẻ này đều bình thường.

Nếu “cô bé 540” nhìn cuộc sống qua những con số thì cậu bé được kể sẽ không lớn lên thành nhà toán học. Vì sao? Vì sự độc đáo của trẻ em - đó là bình thường! Cố giữ gìn trong đứa con sự độc đáo của trẻ, bằng cách đó chúng ta, muốn hay không, cũng sẽ giữ được tính biệt hóa của chính mình.

Nhà sư phạm, giáo dục Thụy Sĩ Johann Pestalozzi cho rằng nhiệm vụ chính của cha mẹ là ở chỗ phát triển trong con mình những gì thượng đế (tự nhiên) đã ban tặng.

Sự độc đáo của trẻ em, cũng giống bất cứ sự đặc thù nào, có thể gây tức giận. Nhưng có thể học cách đối xử dung nạp với nó thay vì triệt tiêu. Vì cái cuối cùng cha mẹ có thể chọn lựa: họ muốn con mình lớn lên không tương đồng với người khác, hay hòa lẫn với đám đông để “đường đi thông suốt”?

Những nhà trường giết chết sự sáng tạo

Ở Đại học Tổng hợp Melbourne có một hiệp hội liên kết hơn 250 chuyên gia của 60 đại học các nước khác nhau. Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà khoa học đã đưa ra bốn kỹ năng cần thiết để một người có thể thể hiện mình ở thế kỷ 21.

1/ Sáng tạo - biết tiếp cận một cách sáng tạo bất cứ vấn đề gì, đưa ra được những giải pháp bất ngờ, không rập khuôn.

2/ Tư duy phê phán - có năng lực không tin vào bất cứ giả thuyết nào, biết đặt những câu hỏi đúng giúp giải quyết bất cứ nhiệm vụ nào.

3/ Khả năng giao tiếp - biết giao tiếp, truyền đạt tới người khác những ý tưởng của mình, cùng với đó còn biết lắng nghe người khác.

4/ Kỹ năng hợp tác - biết làm việc trong đội nhóm, khi có yêu cầu - có thể lãnh đạo, còn khi cần thiết - biết phục tùng.

Và không phải ở nhà trường, mà chính gia đình là ngôi trường đầu tiên đào tạo những kỹ năng này. Thí dụ khi đứa trẻ nghĩ ra những trò chơi trong nhà nào đó, chẳng hạn cố đá quả banh tennis vào giữa hai chân ghế mà quả banh có nguy cơ sẽ làm vỡ gì đó vào bất cứ lúc nào, chúng có thể khiến cha mẹ giận dữ. Họ muốn khép con mình vào quy củ.

Bằng cách đó, tính sáng tạo bị hủy diệt. Còn trường học, với việc coi trọng thành tích và chuyên chú đào tạo những học sinh ưu tú, “chính là nơi ra lệnh: muốn là người mẫu mực - đừng đi theo con đường riêng của mình!

Vậy thì nói được gì về tính sáng tạo hay tư duy phê phán ở đây? Về những kỹ năng hợp tác nào?”. Cho nên hối thúc vô tận, buộc một đứa bé phải học hành xuất sắc, theo Maksimov, là một điều phi lý, “bởi không gì bảo đảm một học sinh xuất sắc sẽ sở hữu được những kỹ năng mà chúng ta đã đề cập”.

Tiêu chí chính của đời sống con người ở học đường lẽ ra không phải là việc một người phải giỏi đều ở các môn, mà là việc học sinh có tìm ra thiên khiếu riêng của mình và có tiến bước thành công trên con đường đã chọn hay không.

Không phải tự nhiên mà ở Phần Lan người ta không cho điểm cho đến lớp 6! Bài kiểm tra tiêu chuẩn đầu tiên, tức là như nhau cho tất cả, cho phép so sánh kiến thức của các học sinh khác nhau, được làm khi những đứa trẻ đã... 16 tuổi!

Không cần tất bật đua tranh, vậy mà theo một nghiên cứu mới đây do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế tiến hành, khác biệt giữa các học sinh mạnh và yếu ở Phần Lan là thấp nhất thế giới. Và còn nữa.

Theo chỉ số hạnh phúc (được đánh giá theo thang điểm 10), Phần Lan chiếm một trong những vị trí đầu bảng: 9,6 điểm. Vậy thì có nên không chúng ta bắt con em mình lao vào cuộc đua, bắt đầu từ vườn trẻ và lên tới đỉnh điểm trong trường phổ thông?

Câu hỏi trong quyển sách của Andrey Maksimov có lẽ nên là câu hỏi của tất cả chúng ta.■

“Xã hội chúng ta đang xây dựng như thế này: Một câu lạc bộ người lớn với những con người khôn ngoan, nhiều tiền của (họ chỉ có khuyết điểm duy nhất: đã dẫn dắt thế giới đến tình trạng hiện nay.

Chính là người lớn đã gây ra những việc, khiến từ năm 2016 loài người thản nhiên nói khả năng có một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba). Và có “những kẻ ngu ngốc” - trẻ em. “Ngu ngốc” nên lúc nào cũng cần phải dạy dỗ: ngồi ăn thế nào, tôn kính người lớn ra sao. Triết lý xã hội đó thật là nguy hại”, theo Andrey Maksimov.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận