Không ít bạn buộc phải lấy việc làm thêm để nuôi giấc mơ học hành nhưng cũng nhiều bạn chọn đi làm thêm như cách tự tích lũy cho mình trải nghiệm thực tế, chuẩn bị cho ngày gia nhập thị trường lao động.
Ưu tiên chọn việc cùng ngành
22h tại một quán cà phê ở quận Tân Bình (TP.HCM) khách vẫn nườm nượp. Thiều Phạm Bích Hợp - sinh viên năm nhất ngành thương mại điện tử một trường đại học ở quận Tân Phú (TP.HCM) - khá tất bật với việc đón khách, nhận gọi món.
Từ Sa Đéc (Đồng Tháp) lên TP trọ học, Hợp đi làm thêm để san sẻ gánh nặng tiền bạc cùng cha mẹ. Lương trả theo giờ, 20.000 đồng/giờ nếu làm làm ca 6 giờ và 22.000 đồng/giờ nếu làm ca 8 giờ/ngày. Nhân viên quán đa phần đều là sinh viên nên chủ quán cũng linh động phân bổ lịch làm việc phù hợp lịch học của mỗi bạn. Mỗi tuần Hợp đi học bốn ngày, ba ngày còn lại sẽ chọn làm "full ca".
Nhưng làm phục vụ quán cà phê chỉ là cách lấy ngắn nuôi dài vì mới chân ướt chân ráo lên TP.HCM. Trong dự định, khi học được một thời gian và có chút kinh nghiệm, Hợp sẽ chọn công việc làm thêm đúng ngành đang học. "Để thêm chút thời gian quen quen, mình kiếm công việc liên quan ngành học như nhân viên kinh doanh online, marketing để làm" - Hợp nói.
Duy Khánh - sinh viên một trường đại học ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) - thẳng thắn phải "học gì làm đó". Nên ngay khi rời Tây Ninh lên TP.HCM học chưa bao lâu, anh chàng đã quyết "rải đơn" tìm việc bất kỳ nơi nào thấy có đăng tin tuyển dụng liên quan đến ngành công nghệ thông tin đang học.
Bạn cho biết đã phải tự "bỏ túi" cho mình lượng kiến thức căn bản của nghề kha khá rồi mới dám làm vậy. Khánh chia sẻ cần làm thêm nhưng là làm để học và chuẩn bị hành trang, kinh nghiệm, coi như tập dượt cho mình làm nghề khi ra trường chứ không chỉ nhằm kiếm sống qua ngày.
Lương cao thì ngon
Ba buổi tối các ngày cuối tuần được xem là ngày tăng ca với nữ sinh viên Bảo Nhi (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM). Đã qua hơn nửa chặng đường làm sinh viên ngành ngôn ngữ Anh nhưng Nhi chưa từng làm thêm việc nào liên quan ngành học. Hồi năm đầu, Nhi được tuyển làm quản lý một tiệm bida gần trường vì "có ngoại hình". Tiếp sau đó cô bạn chuyển việc liên tục, từ nhân viên tiếp thị thuốc lá đến nhân viên kinh doanh phòng gym, rồi nhân viên bảo hiểm.
Qua đầu năm ba đại học này, Nhi lấn sân qua làm vũ công. Nhưng lại ngập ngừng trước câu hỏi "Công việc tương lai muốn làm là gì?". Cô bạn thẳng thắn nói trước mắt chỉ muốn hoàn tất việc học ở trường bởi tiếng Anh là đam mê. Còn công việc tương lai, ưu tiên lớn nhất dĩ nhiên là kiếm việc lương cao dù làm trái ngành cũng được.
Nhi nói không thể cho biết mức thu nhập từ công việc hiện tại nhưng qua cách ăn mặc, những món đồ đắt tiền trên người nên chắc thu nhập cũng khá. "Làm việc về đêm là chính, trong môi trường nhạc nhẽo ầm ĩ cũng mệt lắm nhưng cũng xem như việc chọn người, già chút nữa đâu làm được nghề này", Nhi cười.
Khắc Cường - sinh viên ngành kỹ thuật tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - chọn nghề tài xế công nghệ để tranh thủ làm thêm. Nhưng lúc này nhiều người đều làm tài xế xe ôm công nghệ, cộng với kinh tế khó khăn nên khách cũng giảm đi khá nhiều. Nhưng nếu chịu khó, mỗi ngày Cường vẫn kiếm được chừng 300.000 đồng cho 5 giờ chạy xe.
Dẫu vậy, anh chàng nói thiệt làm để lo cuộc sống qua ngày trước mắt chứ công việc ấy không mang lại kiến thức, kỹ năng gì nhiều cho nghề nghiệp của mình sau này. Vấn đề là cơ hội tìm được việc làm thêm đúng nghề của Cường không nhiều. Thường công ty sẽ đòi hỏi khá nhiều trong khi bạn mới chỉ là sinh viên năm thứ hai, kinh nghiệm nghề chưa nhiều, tính cách lại khá rụt rè.
"Chịu khó thì thu nhập một ngày chạy xe cũng ăn đủ ba hôm nên tạm thời cứ ưu tiên vậy đã, sau này tính tiếp" - Cường cười.
Giới thiệu gần 7.000 đầu việc cho sinh viên
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Lê Nguyễn Nam cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tổ chức ba ngày hội kết nối việc làm cho sinh viên tại một số trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM. Đã có hơn 210 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng cùng trên 15.000 lượt sinh viên tham dự các ngày hội này. Dự kiến trong tháng 11 này, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức một số ngày hội khác.
Tính trong 9 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã giới thiệu gần 7.000 đầu việc đến sinh viên. Các việc làm bán thời gian chủ yếu như nhân viên phục vụ (22.000 - 35.000 đồng/giờ); cộng tác viên đánh máy, viết bài website (22.500 - 80.000 đồng/giờ); gia sư (120.000 - 300.000 đồng/giờ).
Các công việc chuyên môn gồm nhân viên kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn bán hàng... với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. "Trung tâm sẽ thỏa thuận mức lương tối thiểu, đảm bảo quyền lợi của sinh viên khi cộng tác với các đơn vị", anh Nam cho biết.
Tham khảo thông tin thị trường, anh Nam nói thời gian tới sinh viên vẫn quan tâm nhóm việc làm bán thời gian xoay quanh các công việc của nhóm ngành dịch vụ như phục vụ, thu ngân, pha chế, phụ bếp, PG, PB... Trung tâm đang chủ động kết nối các đơn vị để chuẩn bị sẵn nguồn việc, đặc biệt là việc làm thêm dịp Tết Nguyên đán 2024 cho sinh viên không về quê dịp này và có nhu cầu đi làm thêm ngày Tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận