Phóng to |
Cảnh trong vở Vũ nữ - Ảnh: Khôi Phan |
Đặc biệt lần đầu tiên trên sân khấu 5B cũ kỹ lại xuất hiện những màn nhảy múa thời thượng đẹp mắt. Và “bất thường” nhất là vở kịch phải trải qua hai lần duyệt mới được cấp phép biểu diễn vì... có đề tài nhạy cảm!
Phúc khảo hai lần
Chuyện kịch có thể tóm gọn như sau: một vũ nữ già dẫn dắt một số vũ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp hành nghề nhảy múa khêu gợi trong một quán bar. Một ngày nọ đứa con gái mà bà từng bỏ rơi năm xưa bất ngờ đến quán bar tìm bà. Con bà mang theo một cái thai vô thừa nhận như tuổi trẻ dại dột của bà năm xưa.
Những lỗi lầm của quá khứ, những xung đột của hiện tại, những giằng xé trong tâm tư hay những hi sinh thầm lặng đều lần lượt được bày ra suốt chiều dài vở kịch.
Thông điệp nhân văn rõ ràng của vở là: tình mẫu tử dù ở bất cứ dạng thức nào vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng quý nhất của con người.
"Tôi rất thích một câu chuyện nhưng lại mang màu sắc của hai nền văn hóa" NSƯT Trần Minh Ngọc |
Nội dung là thế nhưng trong bản dựng đầu tiên khi bối cảnh được cho là ở VN, vở kịch đã không được “qua cửa” vì “không phù hợp với văn hóa Việt”. Vậy nên êkip đã sửa lại kịch bản và đẩy các nhân vật đến tận khu phố Belleville dành cho dân nhập cư gốc Á nằm ở ngoại ô Paris hoa lệ.
Các nhân vật vì thế cũng mang những cái tên nước ngoài: “má mì” Anna Belle (diễn viên Cát Tường), ông bầu Adam (Công Ninh), anh chàng khờ Jack (Hoàng Quân), các vũ nữ Rosa (Diễm Phương) Angela (Khả Như), Chu Mi (Hạnh Thảo), Emily (Hoàng Oanh), Alex (Mỹ Hạnh).
Tuy nhiên tác giả vẫn cố gắng quay về VN bằng cách để nhân vật chính là con lai Pháp - Việt, và đưa câu chuyện trở về bối cảnh Sài Gòn khi mọi thứ đã trở nên tươi sáng, có hậu.
Vậy là khi được “chỉ đường” để không phạm quy, êkip Buffalo đã được thoải mái sáng tạo dựa trên những sở trường về nhảy múa và ca hát của mình từ lúc dựng nhạc kịch Chicago hay High school musical.
Ðúng như tên gọi, Vũ nữ tràn ngập những màn nhảy múa gợi cảm và trang phục bắt mắt trên nền nhạc thời thượng được thể hiện bởi dàn diễn viên trẻ đẹp.
Khán giả không thể ngừng xem và liên tục vỗ tay tán thưởng. Bên cạnh cách kể chuyện bằng vũ đạo, kịch được thể nghiệm dàn dựng theo trường phái gián cách khi không hề có chuyển cảnh, đổi cảnh trí mà toàn bộ những biến chuyển liên tục của hiện tại và quá khứ đều diễn ra trong một không gian trừu tượng cố định.
Vũ nữ vì thế trở nên lạ lẫm, tươi tắn, hiện đại và thú vị, mặc dù vẫn còn những đoạn diễn viên sa vào hài cương tạo nên những khoảnh khắc “kịch giỡn” không đáng có.
Nỗ lực của người trẻ
Vũ nữ là vở kịch thứ hai trong dự án The Performer (Người biểu diễn) mà nhóm Buffalo khởi xướng và theo đuổi, nhằm khai thác những câu chuyện hậu trường sau bức màn nhung của thế giới showbiz mà khán giả khó nhìn thấy.
Dự án gồm bốn vở kịch về bốn nghề biểu diễn khác nhau: Tuyết đỏ về đề tài diễn viên, Vũ nữ về vũ công, Mèo xám về người mẫu và một vở kịch về đề tài ca sĩ vẫn chưa được đặt tên.
"Mặc dù nhân vật trong Vũ nữ là người Pháp nhưng vẫn thấy ở đó tâm hồn Việt Nam, vẫn thấy những giá trị về tình cảm gia đình được ca ngợi" Ông Lê Duy Hạnh (chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) |
Nếu như trước đây Buffalo không được đánh giá cao qua hai vở nhạc kịch Chicago và High school musical vì sự sao chép non nớt kịch bản nước ngoài, thì với Tuyết đỏ (ra mắt trước Tết 2014, hiện vẫn đang công diễn) và Vũ nữ (tháng 6-2014) đều có thể xem là “hàng VN chất lượng cao” do chính nhóm viết kịch bản và dàn dựng.
Dù vẫn mang yếu tố nước ngoài nhưng câu chuyện đã trở nên gần gũi và dễ chấp nhận hơn.
Niềm đam mê âm nhạc, văn học của đạo diễn trẻ Khắc Duy và mong muốn “làm kịch không giống ai” đã giúp anh dần khẳng định được khả năng của mình trong một địa hạt mới mẻ.
Còn với anh chàng diễn viên Hoàng Quân - nhà đầu tư chính của nhóm - thì “lỗ” là một từ không... xa lạ vì tiền bán vé vẫn chưa thể bù lại được chi phí sản xuất. Tuy nhiên Hoàng Quân vẫn quyết tâm sẽ tiếp tục cùng Buffalo hoàn thành dự án vì cho rằng nghệ thuật là thứ không thể định giá, sự thất bại là bài học quý, còn thành công là cơ hội quý.
Vì thế Hoàng Quân không ngại kiêm luôn vai trò quảng bá và bán vé cho vở. Ngoài ra, những diễn viên tham gia các vở kịch của nhóm cũng “đầu tư” bằng cách đến tập đúng giờ ròng rã suốt ba tháng và chỉ lấy thù lao một cách “ước lệ”.
Ðiều Buffalo tỏ ra phấn khởi và vững tin nhất là sự ủng hộ của sân khấu 5B. Ðạo diễn Khắc Duy cho biết: “Dù sân khấu nhỏ bé và sàn bằng gỗ bọc vải rất khó xoay chuyển trong những động tác vũ đạo, nhưng 5B là nhà hát duy nhất mở cửa với chúng tôi trong lúc này”.
Sân khấu 5B ọp ẹp và cũ kỹ nhưng từ lâu đã trở thành ngôi trường gần gũi ươm mầm cho tài năng mới, hay đồng thời là bãi đáp an toàn cho những nghệ sĩ trẻ vẫn còn đang loay hoay trên con đường nghệ thuật của mình.
Trong sự nỗ lực của cả 5B và những nhóm diễn viên trẻ như Buffalo, sân khấu cần nhiều hơn sự chia sẻ, cảm thông và cởi mở từ nhiều phía, để những trăn trở và khát khao làm nghề của người nghệ sĩ được sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận