18/02/2021 10:43 GMT+7

Khi sân khấu tết tắt đèn

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Theo thông lệ, mùa tết hằng năm là mùa đông vui, mùa ăn nên làm ra của sân khấu TP.HCM. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử biểu diễn, sân khấu Sài Gòn năm nay phải tắt đèn vào ngày tết vì dịch COVID-19 bùng phát.

Khi sân khấu tết tắt đèn - Ảnh 1.

Lần đầu tiên, các sân khấu phải đóng cửa ngay mùa kịch tết sôi động nhất. Trong ảnh là sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần và sân khấu IDECAF - Ảnh: GIA TIẾN

"Không diễn tết là nỗi buồn kinh khủng nhưng VN ta là một trong số ít quốc gia còn may mắn duy trì hoạt động nghệ thuật. Tôi nghĩ chúng ta phải xem đó là điểm tựa tích cực, để trong tình hình khó khăn mình biết liệu cơm gắp mắm.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn

Ngay khi nhận được thông báo TP.HCM tạm ngưng các hoạt động biểu diễn, từ tối 8-2 các ông bà bầu và nhân viên, nghệ sĩ đã phải gấp rút chia nhau liên lạc khán giả để báo tình hình và trao đổi với họ về cách giải quyết số vé đã mua. 

Hầu hết các sân khấu đều có lượng vé bán trước kha khá, riêng sân khấu Idecaf đã bán hết vé cho các suất diễn mùa tết. Giải pháp cho vấn đề này là dời lịch xem cho khán giả khi sân khấu được phép hoạt động lại hoặc hoàn tiền vé.

Hụt hẫng...

Sau những ngày khá cập rập giải quyết tình trạng vé mua trước ngay cận tết, các ông bà bầu bắt đầu đối diện với nỗi buồn khi nhìn sân khấu đóng cửa trong ngày xuân. 

Nghệ sĩ Ái Như, trụ cột của sân khấu Hoàng Thái Thanh bên cạnh nghệ sĩ Thành Hội, cười buồn chia sẻ: "Tính tới nay đã 34 năm tôi đi diễn mùa tết. Thật sự chưa bao giờ nghĩ sẽ có một năm mình phải ngưng, không được diễn kịch tết. Cận tết, khi dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng, chúng tôi đã có linh cảm nhưng khi nhận tin vẫn méo mặt, tê tái vì bản thân vẫn chuẩn bị vở diễn chu đáo để trình làng với công chúng. 

Bao nhiêu chi phí đầu tư vở diễn mới, rồi không biết chừng nào được biểu diễn lại. Mà diễn lại thì cũng đã lỡ nhịp mùa tết, một mùa kịch đông vui, mỗi sân khấu diễn 2-3 suất/ngày. Với cương vị của người đầu tàu, chúng tôi cảm thấy càng lúc khó khăn càng đè nặng...".

Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng khi nghe tin ngưng biểu diễn, bà bầu Mỹ Uyên của nhà hát 5B hụt hẫng tới mức chị không thể nghe điện thoại trả lời mọi người vì không biết nói sao. 

"Dịch bệnh đã làm tắt hi vọng, sự háo hức của chúng tôi. Cảm giác như lực bất tòng tâm làm mình khó chịu lắm. Rồi khi được diễn lại, mọi người có tâm lý e dè vì sợ dịch, khán giả lại càng thưa vắng. Y như mình làm ra sản phẩm mới, chụp hình quảng cáo xong rồi bị đình trệ, không bán được, cứ vậy từ từ trở thành đồ cũ..." - Mỹ Uyên buồn bã nói.

Với đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý sân khấu Thế giới trẻ, thói quen trực chiến mùa kịch tết mười mấy năm qua giờ bị tước đi khiến anh hụt hẫng, cảm giác "trống trải kinh khủng".

Tìm điểm tựa niềm tin

Bà bầu Hồng Vân cùng gia đình mấy ngày tết "ở ẩn" tại trang trại của gia đình ở Long Hải. Gần 40 năm không bỏ sót mùa diễn tết nào nên khi bất chợt bị ngưng diễn, chị cho biết trong người cứ sao sao không thể diễn tả được.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết 23 năm làm sân khấu, lần đầu tiên ông mới đối diện với mùa kịch tết kỳ lạ như vậy. Cảm giác của ông vui buồn lẫn lộn. Thường nghệ sĩ thích diễn mùa tết không chỉ vì thu nhập mà còn vì sự thiêng liêng, như lấy lộc Tổ đầu năm nên anh em rất háo hức chờ mùa kịch tết. 

"Thôi thì năm nay không được diễn coi như anh em có một cái tết ấm cúng dành trọn cho gia đình. Không diễn tết là nỗi buồn kinh khủng nhưng VN ta là một trong số ít quốc gia còn may mắn duy trì hoạt động nghệ thuật. Tôi nghĩ chúng ta phải xem đó là điểm tựa tích cực, để trong tình hình khó khăn mình biết liệu cơm gắp mắm, biết sáng tạo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh" - ông Tuấn bày tỏ.

Trong những ngày tết, ông dành nhiều thời gian hoạch định cho hoạt động sắp tới của sân khấu, sắp xếp lại chương trình Ngày xửa ngày xưa với lịch học dao động của học sinh, xem xét lại dự án sân khấu cải lương mà ông đang ấp ủ, cân nhắc đầu tư cho các dự án ở tầm vóc nào...

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt - ông bầu của sân khấu nhỏ cải lương Sen Việt - năm nay háo hức ra mắt hoạt động tết lần đầu tiên từ mùng 1 đến mùng 7 với 4-5 vở mới. Lệnh tạm ngưng biểu diễn khiến ông rất trăn trở và áp lực vì số tiền đầu tư bỏ ra không nhỏ. Tuy nhiên, để giữ tinh thần nghệ sĩ, ông liên tục động viên anh em. Hiện tại, sân khấu đã lên lịch để các nghệ sĩ tập dượt các vở đã dựng để chuẩn bị sẵn sàng trở lại khi được phép biểu diễn.

"Từ đây tới tháng 11 chúng ta sẽ có tới 5 cuộc thi toàn quốc: Liên hoan sân khấu thử nghiệm, Liên hoan sân khấu ĐBSCL, Liên hoan kịch nói, Liên hoan cải lương, Liên hoan sân khấu thiếu nhi. Chúng tôi sẽ tranh thủ thời gian tập luyện, trau dồi nghề nghiệp để đến với các cuộc thi với mục đích cọ xát, học hỏi nghề nghiệp" - đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói.

Trong những ngày tết, dù không diễn, các ông bà bầu Lê Nguyên Đạt, Ái Như, Hồng Vân, Mỹ Uyên... vẫn thành kính đến sân khấu cúng kiếng, chăm sóc bàn thờ Tổ, coi sóc sân khấu để không gian này ấm cúng, chờ ngày trở lại gặp gỡ khán giả.

Tạm ngừng tổ chức lễ hội, karaoke, vũ trường ở nơi có dịch COVID-19 bùng phát Tạm ngừng tổ chức lễ hội, karaoke, vũ trường ở nơi có dịch COVID-19 bùng phát

TTO - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hoá tập trung đông người ở các địa phương có dịch bệnh bùng phát.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên