15/11/2014 10:36 GMT+7

​Khi sách có lời “khuyên đọc”

VÕ CA DAO
VÕ CA DAO

TT - Sách ngày nay hằng hà sa số, kéo theo chất lượng cũng vàng thau lẫn lộn. Tìm cuốn sách hay, hợp với trẻ thơ coi vậy nhức cả đầu.

Một hôm ghé nhà sách, bất ngờ nhìn thấy trên bìa sách của hai tập truyện Làn hơi ấm Cái mũi đen là dòng chữ Viện Nghiên cứu văn hóa giáo dục trẻ em Hàn Quốc khuyên đọc.

Sách có bìa đẹp, cùng với dòng chữ như lời bảo chứng giá trị tác phẩm, khiến khách yên tâm đến mức mang sách đến thẳng quầy tính tiền mà không lướt qua nội dung.

Nhưng bước chân đến sát quầy tính tiền, bỗng giật mình... dừng lại lật sách xem qua. Nhờ sách mỏng nên đọc luôn từ trang đầu đến trang cuối, thở phào thấy lời khuyên chính xác.

Thở phào và giật mình là vì tự nhiên nhớ một vài sự cố xuất bản gần đây, e rằng nhắm mắt tin cậy lời khuyên hoặc tin tưởng một nơi làm sách nào đó, coi chừng mắc lỡm.

Uy tín như NXB Trẻ, đùng một cái lọt lưới cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh sai nhiều lỗi không chấp nhận được. Chưa kể nhiều NXB khác cũng ấn hành cuốn sách rác này.

Chuyện cách đây 13 năm, đến giờ Cục Xuất bản mới ra quyết định thu hồi, tiêu hủy, không biết suốt bấy lâu có trò nào lỡ tra nhầm, hiểu bậy không? Rồi nữa cách đây ít lâu, dư luận cũng ồn ào về cuốn Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú do NXB Văn Hóa - Thông Tin ấn hành.

Mang cái tựa mời gọi óc khám phá của trẻ em yêu động vật như thế, nhưng sách lại có những nội dung “không phù hợp với tâm lý lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng” như kết luận của Cục Xuất bản. Cuốn này cũng có mặt trên thị trường cả thời gian dài chứ đâu phải ít.

Mua sách cho mình lỡ gặp phải sách dở, sách rác thì quăng cuốn sách, tiếc chút tiền là xong. Chứ mua sách sai, sách bậy cho con, không khéo là đầu độc thế hệ trẻ.

Và với thế hệ trẻ đã không được phép đầu độc, lại còn phải tìm được những cuốn sách mà nói như slogan của một NXB là phải “nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức”.

Trẻ được đọc những cuốn sách thú vị, bổ ích từ nhỏ, lớn sẽ có thói quen đọc sách và rồi vịn sách đứng lên làm người (ăn theo tứ của nhà thơ Phùng Quán Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy).

Bởi thế, mua sách cho trẻ phải thật cẩn thận để không ân hận. Trước tiên cứ ưu tiên kinh nghiệm từ việc đọc hồi nhỏ của mình (tiếc là có nhiều cuốn giờ tìm không ra, như cuốn Kiến và chim bồ câu, bộ sách lịch sử Những vì sao đất nước...).

Sau lựa chọn những cuốn mà mình đọc qua thấy hay, thấy hấp dẫn, thấy phù hợp với trẻ con.

Trở lại dòng chữ “khuyên đọc” trên hai quyển sách Làn hơi ấm Cái mũi đen, rõ ràng khi “viện này”, “bộ kia” thực hiện phần nào vai trò “bộ lọc” cho các ấn phẩm văn hóa, các bậc phụ huynh bận rộn sẽ ít nhiều yên tâm khi chọn sách cho con.

Không chỉ có Viện Nghiên cứu văn hóa giáo dục trẻ em Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng giúp độc giả dễ cân nhắc khi mua sách với những quyển sách có dòng chữ “Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc”, như với cuốn Cô gà mái xổng chuồng (ấn bản tiếng Việt do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành).

Ðược biết, Bộ Giáo dục Anh cũng đưa ra một danh sách tác phẩm cha mẹ nên cho con em mình đọc.

Còn ở Việt Nam? Mong thay nước mình cũng có một tổ chức uy tín nào đó đưa ra những lời khuyên tương tự để phụ huynh có thêm kênh lựa chọn khi mua sách cho con, để những cuốn sách thiếu nhi đáng đọc không bị “chìm” trong biển sách.

Ảnh: V.C.D. 

Cái mũi đen Làn hơi ấm (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành) là hai tập truyện tranh minh họa của Rury Lee (viết lời) và Emanuele Bertossi (tranh minh họa) kể về mẹ con gấu Bắc cực Koda cùng gã thợ săn Vova.

Nếu với Cái mũi đen trẻ cảm nhận được tình yêu thương của mẹ con nhà gấu, thì Làn hơi ấm trẻ học được bài học quý giá: Sự yêu thương cảm hóa được cả cái ác. Bởi lẽ như bìa bốn của cả hai cuốn sách: Mọi tình yêu trên thế gian đều bắt nguồn từ mẹ.

VÕ CA DAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên