Trước đây các nhà khoa học luôn cho rằng khí nhà kính, đặc biệt là CO2, hầu như chỉ tác động ở những vùng thấp nhất của bầu khí quyển. Nhưng giờ đây các nhà vật lý cảnh báo chúng ta cần suy nghĩ lại về đánh giá này.
Theo nghiên cứu mới nhất của nhà khoa học khí quyển Benjamin D. Santer tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ) và cộng sự, độ sâu của tầng bình lưu đã giảm 400m trong 40 năm qua.
Ngoài ra, tầng trung lưu và tầng nhiệt thấp hơn đã co lại 1.341m trong giai đoạn 2002-2019. Điều này đã được ông Petr Pišoft, nhà vật lý khí quyển tại Đại học Charles ở Praha, xác nhận thông qua phân tích dữ liệu của NASA.
Sự co lại của bầu khí quyển có nghĩa là nó ít đậm đặc hơn, làm giảm lực cản đối với các vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Nó cũng khiến rác không gian tồn tại lâu hơn và làm tăng nguy cơ va chạm. Trong khi đó, hiện trên quỹ đạo cao và thấp của Trái đất đang có tới hơn 5.000 vệ tinh, chưa kể Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Đáng chú ý, các phân tử ozone trong bầu khí quyển, vốn bảo vệ Trái đất khỏi bị đốt cháy, cũng sẽ mỏng đi do tầng khí quyển phía trên bị co lại.
“Sự gia tăng lượng CO2 hiện nay được biểu hiện trong toàn bộ bầu khí quyển có thể cảm nhận được. Chúng đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể mà các nhà khoa học hiện mới bắt đầu nắm bắt được", ông Martin Mlyncsak, nhà vật lý khí quyển tại Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton, Virginia, cảnh báo.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PNAS, Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Hiện nay người ta đã biết trong bầu khí quyển bao quanh Trái đất, tốc độ tăng nồng độ CO2 ở tầng trên cũng lớn như ở tầng dưới cùng.
Ở tầng dưới cùng của khí quyển, CO2 sẽ làm nhiệt độ mặt đất nóng lên. Ngược lại, CO2 ở tầng trên kết hợp với không khí loãng sẽ thoát ra ngoài không gian, khiến bầu khí quyển ở tầng này sẽ co lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận