Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn - Nguồn: THQH
"Nghe bộ trưởng phát biểu thấy sai sai" là lời phản biện khá nhẹ nhàng của nữ đại biểu Quốc hội Ksor H’bơ Khăp. Bà không đồng tình với số liệu mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra về việc diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu hecta trong 30 năm qua.
Đây có lẽ là lời phản biện dựa trên trải nghiệm cá nhân và theo suy luận logic là chính. Dựa trên trải nghiệm cá nhân, nữ đại biểu Ksor H’bơ Khăp sống ở Tây Nguyên, hơn ai hết bà tận mắt chứng kiến việc rừng đại ngàn đã biến mất nhanh chóng như thế nào trong những năm qua.
Theo suy luận logic, diện tích rừng tự nhiên khó có thể tăng lên, khi các dự án nhà máy thủy điện nhỏ đã và đang được triển khai ngày một nhiều hơn. Mỗi dự án như vậy đều có thể phá hủy hàng trăm hecta rừng tự nhiên.
Đó là chưa nói tới việc rừng tự nhiên còn phải nhường chỗ cho các dự án trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, mắc ca... và cho sự khai phá để đáp ứng các nhu cầu dân sinh khác.
Đại biểu Ksor H’bơ Khăp phản biện lại bộ trưởng khá nhẹ nhàng có thể đó là do cách diễn đạt mềm mại của một nữ đại biểu, nhưng cũng có thể đó là do bà không có được nguồn chứng cứ và số liệu độc lập để diễn đạt một cách tự tin hơn.
Giám sát mà không có được nguồn chứng cứ và số liệu độc lập là một vấn đề rất lớn của Quốc hội nước ta. Một bộ trưởng Bộ Tài chính đã từng phát biểu khá "chân thành" trước Quốc hội khi ông bị chất vấn như sau: "Thưa Quốc hội, đằng nào thì cũng chỉ là múa các con số".
Quả thực, nếu một sự "chân thành" như vậy có thể được Quốc hội nhiều khóa trước cho qua thì chắc chắn khó lòng được Quốc hội khóa XIV này chấp nhận. Quốc hội nước ta đã trở nên quyền lực hơn và khó tính hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề thì vẫn còn đó.
Quốc hội vẫn có rất ít điều kiện để kiểm chứng lại những con số mà các vị bộ trưởng đưa ra. Chúng ta không thể khẳng định tất cả các vị bộ trưởng đều "múa các con số" trước Quốc hội. Tuy nhiên, nếu có bộ trưởng nào đó đã "múa các con số" thì có vẻ như Quốc hội cũng không dễ gì mà phát hiện được.
Ít nhất là trước khi đại biểu Ksor H’bơ Khăp phản biện lại số liệu của bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì chưa từng có một đại biểu nào làm như vậy cả.
Sự phản biện của đại biểu Ksor H’bơ Khăp vì vậy là rất có ý nghĩa và có thể được coi là một bước tiến rất đáng ghi nhận của Quốc hội nước ta trong hoạt động giám sát. Đây cũng là một lời cảnh báo cho các vị bộ trưởng rằng "múa các con số" trước Quốc hội có thể đang trở nên ngày một rủi ro hơn.
Cuối cùng, hoạt động chất vấn, tranh luận tại nghị trường sẽ khó có thể giúp chúng ta nhìn nhận đúng vấn đề, chỉ ra đúng nguyên nhân và đề ra đúng giải pháp nếu như các số liệu được đưa ra chỉ là những con số do "múa" mà có.
Xác lập chế độ kỷ luật nghiêm ngặt trong việc cung cấp thông tin cho Quốc hội là rất quan trọng. Đồng thời, Quốc hội cũng cần đầu tư thỏa đáng để xây dựng hệ thống thông tin và dịch vụ nghiên cứu của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận