Người trẻ đến đây chọn mua những cuốn sách hay mà ít biết được rằng thế hệ trước họ đến đây để lai rai món thịt chó thui rơm.
Nơi thịt chó ngoại thành tụ về
Sáng chủ nhật phố 19 tháng 12 đông hơn mọi ngày. Con phố nằm ngay quận Hoàn Kiếm, nối ngang hai phố lớn. Một bên là phố Hai Bà Trưng, một bên là Trần Hưng Đạo.
Phố lát đá, chỉ dành cho người đi bộ. Một bên là tòa cao ốc lớn, đối diện là hơn chục cửa hàng sách, cà phê. Người dạo phố chủ yếu là nam thanh nữ tú thả hồn theo những trang sách bên ly cà phê, trà sữa.
Trước đây, con phố này là chợ 19 tháng 12, ngày toàn quốc kháng chiến. Hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, chợ tự phát ở ngay bên ngôi mộ tập thể của những nạn nhân chết trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Năm 1986, di cốt của đồng bào được chuyển đi, chính quyền thành phố thành lập chợ, đặt tên là chợ 19 tháng 12. Người dân Hà Nội quen gọi là "chợ Âm Phủ". Chợ bán nhiều mặt hàng, nhưng trong ký ức của người Hà Nội thì một món hàng nổi tiếng chính là... thịt chó.
Chó được người ở làng Trôi, Phùng (Đan Phượng) mang vào bán ở chợ. Điều đặc biệt món "thịt cầy" ở đây được thui rơm kiểu dân dã truyền thống chứ không phải loại thịt chó được nhuộm bằng chất màu cánh gián mà dân nhậu vẫn gọi là "chó đánh véc - ni".
Phạm Mạnh Quyết, ở phố Lý Nam Đế, dẫn cậu con trai đến phố sách. Quyết là dân xây dựng, thường xuyên đi công trường xa, cứ được về nhà là tranh thủ đưa con đi học thêm và đến đây mua sách.
Lần này, Quyết lôi bằng được "ông con" đến phố sách để cậu chàng khỏi cắm mặt vào màn hình máy tính bảng. "Ông con" lựa mấy cuốn truyện tranh ngồi đọc, còn ông bố hí hửng chụp ảnh gửi vợ, rồi gọi một ly cà phê ngồi ngắm cậu cả của mình.
"Đấy! Ngày xưa ông bà cầm roi kéo bằng được mình vào nhà vì sợ đi nắng, giờ mình phải nịnh nọt để con cái ra khỏi phòng điều hòa. Ngày còn sống, bố mình cũng dẫn mình đến cái phố này. Đi cùng ông thế nào cũng được chén thịt chó", Quyết tâm sự và nhâm nhi ly cà phê nóng hôi hổi. Cả một bầu trời ký ức dội thời được hưởng tí thịt chó thơm lừng hiện về trong đầu anh kỹ sư này.
Bố Quyết là sĩ quan pháo binh, đơn vị ở Sơn Tây. Mẹ Quyết cũng là quân nhân nhưng xin nghỉ sớm đi buôn gạo để lo kinh tế gia đình. Hai anh em Quyết sống với mẹ trong một căn tập thể ở phố nhà binh Lý Nam Đế, cách chợ Âm Phủ hơn một cây số.
Ngày ấy, phố quán xá thịt chó nổi tiếng Hà Nội là Nhật Tân, ngoài ra chợ bán thịt chó nhiều chính là chợ Âm Phủ. Cánh nhà binh như bố của Quyết cứ ngày nghỉ về nhà lại chơi cờ tướng với hàng xóm, ai thua phải đãi thịt chó. Thịt chó ngon, rẻ chỉ có ở chợ này.
Chợ có khoảng năm, sáu hàng bán thịt chó nhưng bán rất nhiều. Những ngày cuối tháng, hai người chặt không kịp cho khách. Chủ hàng chủ yếu là người ở làng Phùng (Hoài Đức). Cả vùng ấy được xem như làng nghề... thịt chó.
Sáng sớm họ làm thịt, đi xe buýt mang vào nội thành rồi tỏa đi các chợ. Vài người bán ở phố Lò Đúc, vài người ở chợ Đồng Xuân, nhưng nhiều nhất là ở chợ Âm Phủ. Và thịt chó bán chạy nên lúc nào cũng tươi. Chó thui rơm, da vàng sậm, khô giòn chứ không bóng loáng màu cánh gián như ở nhiều nơi khác trong Hà Nội.
Họp chợ trên đất thiêng
"Cái chợ này (chợ 19 tháng 12) là cái chợ "xanh" ít nói thách nhất Hà Nội. Chợ dựng trên khu vực nghĩa địa cũ, đầu chợ có cây đề rất to, ngày nào người ta cũng thắp hương. Nghe các cụ kể lại ở chợ này nhiều chuyện ly kỳ lắm! Nhưng mình thích nhất là chuyện sợ gặp ma thì xơi... thịt chó!" - Quyết tủm tỉm cười.
Bà Phạm Thị Hòe, mẹ Quyết, nghe chuyện chau mày mắng gã kỹ sư lém lỉnh: "Cha tiên nhân nhà anh! Toàn giới thiệu cho bạn chuyện chó má đâu đâu!". Bà Hòe đi buôn gạo từ Nam Định lên bỏ mối cho nhiều cửa hàng gạo ở Hà Nội và có cả chợ Âm Phủ.
Bà kể vanh vách từng góc chợ, từng gian hàng. Hồi đó (đầu thập niên 1980), bên chợ còn cả một ụ đất dài. Đó là mộ tập thể của những người bị chết vì bom đạn. Lúc đó đã có nhiều người họp chợ rồi. Họ bán hàng ngay cạnh mộ nên người dân quen gọi là chợ Âm Phủ. Sau này chính quyền di dời hài cốt đi, chợ mới có tên là chợ 19 tháng 12.
"Người ở xa thì cứ thêu dệt chuyện ma mãnh, cô hồn chứ chúng tôi chỉ tâm niệm chợ này ở nơi linh thiêng. Người mất vì bom đạn, cả người dân và chiến sĩ, nên ai cũng tôn trọng. Cây đề ở đầu chợ là nơi tỏ lòng thành kính, ngày nào cũng có hương hoa ấm cúng".
Nhắc đến chuyện thịt chó đuổi tà ma ở chợ, bà Hòe cau mày coi là chuyện thất thiệt. Chợ bán nhiều thịt chó, cả tươi cả chín, lại có nhiều khách du lịch đến nên càng thêm nổi tiếng. Còn người dân buôn bán như bà Hòe vẫn coi chợ 19 tháng 12 là một cái chợ vừa linh thiêng vừa nhắc cho thế hệ sau này những ngày tháng không được phép quên của lịch sử.
Năm 2008, thành phố Hà Nội thay đổi quy hoạch, thu hồi chợ để một đơn vị xây dựng tổ hợp thương mại văn phòng. Người dân, chuyên gia và cả báo chí ý kiến này nọ rần rần. Nhưng chợ vẫn bị giải tỏa, tổ hợp cao tầng vẫn mọc lên trên nền đất chợ. Chợ 19 tháng 12 trở thành phố 19 tháng 12.
Sau này, nhiều người nhận thấy điều "ăn điểm" của chính quyền thành phố là quy hoạch phố 19 tháng 12 thành phố sách. Con phố thứ hai ở Hà Nội không có số nhà sau phố Hỏa Lò. Hơn chục ki ốt thiết kế cầu kỳ mọc lên dành chỗ cho không gian sách và cà phê.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tổ hợp thương mại mọc lên trên không gian của một chứng tích lịch sử có một không hai này là điều không nên. Nhưng bù lại, phố sách 19 tháng 12 lại là phố của sách vở đúng nghĩa.
Phố vừa bán sách, vừa cho mượn sách lại có không gian để đọc, để chìm vào không gian của tri thức. Còn những con phố khác mà người ta vẫn gọi là phố sách như Đinh Lễ, Nguyễn Xí... chỉ là những nơi bán nhiều sách chứ thiếu không gian cho người đọc.
Những người bán thịt chó ở chợ Âm Phủ ngày ấy chuyển đi nơi khác. Một vài hàng mở quán ở phố Phùng Hưng, một nhà còn bán ở chợ Phùng. Người Hà Nội gần đây dần ít ăn thịt chó, làng nghề mổ chó ở mạn Hà Tây xưa cũng không còn...
------------------
Một đoạn phố Hữu Hưng (quận Nam Từ Liêm) được xem là phố thịt chó duy nhất còn sót lại ở Hà Nội. Dãy phố còn hơn chục nhà vừa mở quán, vừa cung cấp thịt cho các quán khác ở Hà Nội. Khách mua ít dần, phố Hữu Hưng có phải là phố thịt chó đang lụi tàn ở Hà Nội?
Kỳ tới:Phía sau phố thịt chó còn lại ở Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận