18/01/2019 08:42 GMT+7

Khi phụ huynh 'tự quyết' việc học của con

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Hiện nhiều phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con theo học ở những trung tâm lớn, hay đến nhà thầy cô có tiếng để bồi dưỡng thêm. Nhưng…

Khi phụ huynh tự quyết việc học của con - Ảnh 1.

Phụ huynh và con cùng trao đổi với chuyên gia về định hướng học tập, nghề nghiệp tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bao nhiêu trong số những phụ huynh này từng ngồi lại bàn bạc với con về việc học? Và cha mẹ có nên "tự quyết" mọi thứ không?

Suýt mất tiền vì không tìm hiểu kỹ

Cuối tháng 12-2018, chị Đ.T.T.H. (Bình Thạnh, TP.HCM) đến một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn Q.Bình Thạnh đăng ký chương trình học luyện thi IELTS cho con hiện đang học lớp 8.

Do nghĩ chồng đã tìm hiểu thông tin nơi học cho con, chị H. chỉ việc đóng học phí cho trung tâm tổng cộng 56.287.000 đồng, nhưng sau đó do mâu thuẫn với một số điều khoản của trung tâm nên chị muốn thanh lý hợp đồng. Trung tâm yêu cầu chị H. phải mất 30% số tiền đã đóng theo hợp đồng, tức 16.886.100 đồng, và hẹn ngày 3-1-2019 đến giải quyết. 

Sau khi cầu cứu nhiều nơi nhằm lấy lại 100% số tiền, chị H. may mắn được người thân chỉ dẫn ngày ghi trên hợp đồng là 5-1-2019, nghĩa là hợp đồng chưa có hiệu lực nên chị H. hoàn toàn có thể đòi lại toàn bộ số tiền.

"Cũng chỉ tại tôi quá ỷ y chồng đã tìm hiểu kỹ, bên trung tâm marketing rất tốt làm tôi không hiểu sao đã đóng tiền ngay. Nếu cẩn thận hơn, tôi đã không gặp rắc rối trong hơn hai tuần qua" - chị H. kể sau khi lấy lại được toàn bộ số tiền.

Sau chuyện này, chị H. chia sẻ trước đây mọi chuyện vợ chồng chị đều quyết định thay con. Vợ chồng chị muốn chọn cho con trung tâm gần nhà để tiện đưa đón. Tuy nhiên, con chị cho biết trước giờ chỉ thích học duy nhất thầy dạy tiếng Anh ở Q.Tân Phú (TP.HCM) và cảm thấy dễ học với thầy.

Trường hợp của gia đình chị H. không phải cá biệt. Nhiều phụ huynh giữ tư tưởng muốn quyết định mọi thứ thay con, kể cả việc học gì, ở đâu. Bạn T.T.P. (THPT Thủ Đức, TP.HCM) nhớ lại trong khoảng thời gian 5 năm tiểu học và 2 năm đầu học THCS, P. đều không biết mặt cô giáo dạy thêm cho đến ngày học đầu tiên. Có giáo viên P. không thể tiếp thu, rồi một thời gian mẹ lại đưa đến lớp học khác. 

Giờ đây, khi ôn thi THPT quốc gia, mẹ vẫn đăng ký tuyển gia sư, chứ không phải P. là người tìm thầy cho mình. "Mình học cũng yếu nên không dám đòi hỏi nhiều. Mấy lần mình nói để mình chọn nơi học, nhưng mẹ đều nói biết gì mà chọn" - P. kể.

Phát huy tính độc lập của con

TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đồng thời là phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - chia sẻ trong thời buổi xã hội tri thức phát triển mạnh, phụ huynh thường có tâm lý quan tâm đến con cái trong lĩnh vực học tập, đặc biệt là không muốn con mình học kém hơn bạn bè trong lớp. Từ đó bằng cách này hay cách khác, phụ huynh tự mình chọn nơi học.

Đây là một việc không nên làm, bởi hỏi ý kiến của con trước một quyết định có liên quan đến trẻ là thể hiện sự tôn trọng trẻ và tạo sự tương tác tâm lý thân thiết, hài hòa giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, con trẻ sẽ phát huy được tính độc lập sáng tạo càng cao, cũng như bộc lộ năng lực tiềm ẩn bên trong của con khi con thấy người lớn quan tâm đến ý kiến của mình. 

"Mặt khác, chính con trẻ hiểu rõ bản thân mình hơn ai hết, hiểu cả các tố chất bản thân mình có thích ứng với môi trường nơi học của con hay không. Đây cũng chính là "liệu pháp gia đình" thường sử dụng trong tâm lý học" - TS Chẩn nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hậu - tác giả quyển sách Đồng hành du học cùng con và Du học cho con nhà nghèo - cho biết trong những quyết định về giáo dục, nhất là vấn đề quan trọng như du học, tiếng nói của con rất quan trọng, bởi con là người trực tiếp học tập và làm việc sau này. 

Theo bà, đa số trường hợp cha mẹ và con cái thường không có tiếng nói chung vì thông tin giữa các bên không thống nhất, chẳng hạn con nghe luồng tích cực từ bạn bè nhưng cha mẹ lại thấy tiêu cực do tham khảo từ người thân. 

Ngoài ra, con cái do trẻ tuổi thường đưa ra quyết định cảm tính, nhưng cha mẹ với kinh nghiệm của mình đôi khi lại thực tế quá mức nên không thể hòa hợp.

Cha mẹ và con cái cần ngồi lại với nhau tìm hiểu và phân tích thông tin giữa các bên, soi xét lại hoàn cảnh thực tế trong nhà mình để đưa ra quyết định. Hai bên cũng cần hiểu rõ vị trí, vai trò và nghĩa vụ của nhau. Chẳng hạn với người con là việc chọn nơi học tập phù hợp với bản thân, còn cha mẹ là người cố vấn chứ không phải quyết hết phần của con.

Ngoài ra, nên tránh những ảo tưởng hay kỳ vọng quá mức. Cha mẹ nên biết sức học con mình đang ở đâu, con cái cũng cần xác định bản thân, không nên ỷ lại vào những lời khuyên của cha mẹ sẽ chu toàn mọi thứ. 

"Tất cả đều phải đồng lòng. Vì cha mẹ có áp đặt con đến mấy và dù hoàn thành tất cả các bước cho việc học của con, nhưng nếu con không đồng lòng cũng không được" - bà Hậu nói.

Khi quyết định về việc học hay những việc liên quan đến con, cha mẹ cần chọn thời điểm thích hợp nhất kèm với bầu không khí tâm lý ấm áp, phấn khởi trong gia đình để bàn bạc với con thì hiệu quả mới cao.

Khi bàn bạc với con, cha mẹ với tư cách là một nhà tham vấn, chỉ nêu ra nội dung cần bàn bạc và gợi ý các phương án giải quyết, sau đó xem ý kiến của trẻ quyết định theo phương án nào, đó là cơ sở tham khảo có giá trị để cha mẹ quyết định vụ việc.

Mỗi lứa tuổi sẽ ứng với một đặc điểm tâm lý chuyên biệt, nên việc bàn bạc với con cái cũng là sự dung hòa về tư duy và giao thoa về tâm lý giữa các lứa tuổi khác nhau sẽ chọn được phương án tối ưu.

TS Huỳnh Văn Chẩn

Thiếu triết lý, học hành trở thành gánh nặng

TTO - Đó là những nhận xét được đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên họp toàn thể thảo luận dự án Luật giáo dục (sửa đổi) ngày 15-11.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0