29/05/2022 08:18 GMT+7

Khi phụ huynh 'cuồng' khen

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Với một số phụ huynh, việc "con có giấy khen" khi đi học là một điều bắt buộc, khiến họ can thiệp bằng nhiều cách, thậm chí là gọi điện mắng vốn, khiếu nại cô giáo, giúp con làm bài...

Khi phụ huynh cuồng khen - Ảnh 1.

Bằng khen, giấy khen ngập tràn trong các lễ tổng kết năm học - Ảnh: M.D.

Ngày 27-5, một giáo viên dạy tiểu học lâu năm tại TP.HCM kể với Tuổi Trẻ mới đây cô vừa bị một vài phụ huynh mắng vốn vì "chấm không công bằng" khi thấy điểm của các học sinh đó thấp hơn điểm của các bạn trong lớp. 

Nguyên nhân vì các vị phụ huynh đó cho rằng "con ở nhà đã được cha mẹ rèn làm bài tốt, nhưng làm ở lớp vẫn bị sai và bị cô giáo ghi vào bài kiểm tra"...

Gây áp lực với giáo viên

"Ở tiểu học, cả học kỳ không chấm điểm nhưng gần đến kỳ thi, tôi vẫn cho học sinh làm một ít bài "bất ngờ" trên lớp để các em vừa nắm được cách làm bài kiểm tra, vừa để phụ huynh nắm được thực lực học tập của từng em và có thể nhắc nhở các em ở nhà ôn bài một chút. Điểm số đó không phải là điểm chính thức nhưng những phụ huynh đó vẫn "làm ầm lên" như vậy. Thậm chí, họ còn bảo con họ giỏi lắm, cô chấm điểm vậy là "không được". 

Mà điểm đó (7 điểm, 8 điểm) theo đánh giá của tôi là không hề thấp khi các em làm bài bất ngờ. Học kỳ 1, khi tôi chấm bài online, nhiều cha mẹ vì muốn có thành tích tốt cho con họ ngồi làm bài giúp con luôn. Tôi thật sự rất buồn với kiểu cha mẹ chạy theo điểm số và thành tích của con như vậy" - cô giáo này bức xúc kể.

Tương tự, một cô giáo tiểu học khác tại TP.HCM cũng bức xúc không kém kể cô vừa phải làm việc với phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên nhạc họa vì... những phụ huynh "cuồng" thành tích và cho con mình là người toàn diện. 

Môn nhạc họa không phải là môn có điểm số nên học sinh nào học tốt sẽ đánh giá là tốt, còn những em học bình thường sẽ được giáo viên đánh giá là "hoàn thành", những em yếu sẽ đánh giá là không đạt.

Lớp của giáo viên này làm chủ nhiệm có hai học sinh được đánh giá môn nhạc ở mức "hoàn thành" và ngay lập tức cô bị "mách" lên ban giám hiệu. "Mấy phụ huynh đó thưa gửi lên ban giám hiệu, yêu cầu cô giáo nhạc phải chấm lại bài vì con của họ ở nhà "thuộc bài hết, nhảy được", họ muốn giáo viên phải đánh giá con họ là "tốt", "đạt" chứ không phải "hoàn thành" nhằm có giấy khen học sinh giỏi. 

Có những phụ huynh như vậy đó, họ muốn con họ giỏi toàn diện, chứ khen một mặt là không chịu đâu. Vì thế, chỉ cần con có một môn học có đánh giá không như ý họ là ngay lập tức họ kiện cáo, khiếu nại, làm cho giáo viên chúng tôi rất mệt mỏi" - cô giáo này buồn bã kể.

"Hạng nhất muốn gì cũng được"!

Sáng 27-5, sau buổi tổng kết năm học 2021 - 2022 ở một số trường THCS trên địa bàn TP.HCM, mạng xã hội Facebook của nhiều ông bố, bà mẹ đăng ảnh con và giấy khen với niềm tự hào khó tả.

"Những tưởng bạn ấy chuyển từ trường quốc tế về trường công thì bạn ấy không theo kịp nhưng năm nay bạn ấy vẫn tổng kết được 9.1 điểm, đứng top 5 của lớp. Bạn ấy thật xuất sắc" - Facebook của một bà mẹ viết status kèm hình ảnh con và giấy khen được tag với rất nhiều bạn bè.

Hòa cùng niềm vui khoe thành tích học tập của con như vậy, anh Nguyễn Trọng Lâm, một ông bố ba con tại TP Thủ Đức, TP.HCM cũng ngay lập tức đăng ảnh, giấy khen của con và gắn tên nhiều người, gửi cho các nhóm để khoe kết quả con gái "hạng nhất" lớp sau thời gian dài cả nhà vật lộn để có tấm bằng khen đó.

Anh Nguyễn Trọng Lâm kể năm ngoái con gái lớp 6 của anh học hành thuộc top 5 trong lớp nhưng thời gian gần đây, cả gia đình anh mong muốn con gái đứng hạng nhất lớp. "Tôi treo thưởng nếu con đứng hạng nhất lớp thì muốn gì cũng được. Tôi cũng bắt cháu và nhờ giáo viên dạy thêm cho cháu để cháu đứng hạng nhất. Hôm nay, cháu đạt được hạng nhất rồi, gia đình tôi rất vui và tự hào" - anh Lâm nói.

Vì sao tờ giấy khen học sinh giỏi hạng nhất lớp của con với phần thưởng vài cuốn vở như vậy lại khiến anh Lâm vui đến vậy? Anh Lâm kể dòng họ của anh mỗi năm họp một lần, ngoài các tiết mục văn nghệ thì có một phần để biểu dương việc học hành của các cháu trong dòng họ. Và lúc này sẽ có việc "đếm" ông này có bao nhiêu cháu đạt học sinh giỏi.

"Phần thưởng cũng là một ít cuốn sách vở nhưng để có thể đứng trên sân khấu và được trao quà thì giấy khen phải được chuyển đến cho các ông trong họ nên giờ tôi càng quan trọng việc các con phải có giấy khen để nở mày nở mặt gia đình" - anh Lâm nói.

Cần thay đổi tiêu chí đánh giá khen thưởng

Khen thưởng là một hình thức vinh danh để ghi nhận đóng góp của mọi người, để động viên, khuyến khích. Giấy khen đúng thực chất, công bằng thì cũng có các tác dụng của nó. Tuy vậy, việc phụ huynh chạy theo giấy khen bất chấp năng lực, sức khỏe, kỹ năng, khả năng của học sinh thì phụ huynh cần xem lại.

Từng là một giáo viên dạy ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tôi cũng từng chứng kiến một số trường hợp phụ huynh khi con không đạt học sinh giỏi thì buồn. Họ cũng mong muốn con được học sinh giỏi, có giấy khen và cũng có thể có vài lời nói, hành động gây áp lực cho con.

Theo tôi, học sinh tiên tiến cũng được, quan trọng là học sinh đó đối xử với ba mẹ, bạn bè, thầy cô như thế nào, khát vọng, ý chí phấn đấu của học sinh ra sao... Chứ không phải chúng ta bắt ép học sinh học toàn diện để có một tấm giấy khen, không thể học ngày học đêm, không quan tâm gì hết chỉ để có một tấm giấy khen học sinh giỏi.

Nói đi cũng phải nói lại, tiêu chí đánh giá học sinh và khen thưởng học sinh cũng cần phải thay đổi và nhìn nhận xã hội về năng lực học sinh cũng cần thay đổi để khen thưởng có tác dụng tích cực nhất trong ý nghĩa của nó.

Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Không nặng nề về giấy khen

Tôi cho rằng cha mẹ không nên "làm tất cả" vì tấm giấy khen của con và đừng lấy đó làm áp lực học tập cho con. Tôi không quá nặng nề về giấy khen. Tôi biết có những trường hợp những học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 cháu không được là học sinh giỏi nhưng đến lớp 4, lớp 5 tự bản thân cháu ý thức cháu lại trở thành học sinh giỏi.

Vì thế, tôi cho rằng sự động viên, tin tưởng của cha mẹ và những điều cha mẹ làm để lại sự ý thức, tự giác cho con quan trọng hơn những tấm giấy khen theo kiểu cha mẹ tạo áp lực.

Phụ huynh Phạm Thùy Dương (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Mời tham gia diễn đàn "Khen thưởng thế nào cho đúng?"

Mùa kết thúc năm học cũng là mùa của khen thưởng. Hầu hết trường nào, lớp nào cũng gần như 100% được khen, dẫn đến "lạm phát" khen thưởng và khen thưởng bỗng nhiên trở thành... bình thường. Khen thưởng học sinh sao cho đúng cách là trăn trở của nhiều nhà giáo dục, nhiều nhà trường và thầy cô.

Mời quý thầy cô, phụ huynh, học sinh và bạn đọc chia sẻ ý kiến, góc nhìn cũng như những gợi ý, giải pháp để việc khen thưởng đúng mục đích, tạo động lực cho học sinh. Bài cộng tác xin gửi về email [email protected]. Những bài được sử dụng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.

Khen thưởng học trò ở phương Tây hướng đến tính nhân văn Khen thưởng học trò ở phương Tây hướng đến tính nhân văn

TTO - Không phải không có lúc tôi mong con có thành tích, được nhà trường khen thưởng để có cái mà khoe trên mạng xã hội. Nhưng ở xứ này, những đứa trẻ như con nhà tôi thường không được khen thưởng hoành tráng trước toàn trường.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên