Diễn viên Quốc Tuấn, Mạnh Cường… là một trong những tên tuổi được định danh qua những tập phim truyền hình được chiếu vào thời điểm đó.
Phóng to |
Diễn viên Quốc Tuấn, một gương mặt được nhiều khán giả hâm mộ với những bộ phim trong chương trình Văn nghệ chủ nhật - Ảnh: vtc.vn |
Nhưng bây giờ thì không. Thậm chí ngay cả chương trình văn nghệ chiều thứ bảy, chiều chủ nhật mọi người còn không hề biết sự tồn tại của các bộ phim được trình chiếu trong khung giờ quen thuộc đó. Mỗi tối, bật tivi kênh nào cũng ngập tràn các thông tin quảng cáo cho các bộ phim sắp chiếu hoặc đang chiếu nhưng người xem lại thờ ơ.
Bởi phim truyền hình Việt đang chịu rất nhiều sự phàn nàn từ nhiều phía. Nhà sản xuất đổ lỗi cho kinh phí. Đạo diễn đổ lỗi cho kịch bản. Diễn viên đổ lỗi cho thời gian và tiền thù lao… Còn khán giả lại đổ lỗi cho nhà đài.
Không lẽ nhà đài bỏ tiền ra mua những bộ phim về, trình chiếu miễn phí cho khán giả xem mà lại bị chỉ trích nặng nề đến thế? Nhưng bình tĩnh xem lại những bộ phim đã và đang chiếu một cách thật công tâm, chúng ta đều nhận thấy những thiếu sót đó. Trong vai trò khán giả, chúng ta có thể thể tất cho những thiếu sót, những yếu kém của buổi đầu non trẻ của phim truyền hình Việt Nam, chúng ta có thể chia sẻ với những nỗi khó khăn mà êkip làm phim đang mắc phải. Thế nhưng có những cái không đáng mắc phải thì sao?
Ví dụ như lời thoại của nhân vật, cớ gì cứ dài dòng luộm thuộm. Ví dụ như từng chi tiết nhỏ của phục trang, tại sao mỗi diễn viên không tự chu tất cho mình, để khi lên sóng từng bộ đồ lam lũ của nhân vật cứ bóng lên ngời ngời và còn nguyên nếp gấp, người xem có thể hình dung bộ đồ ấy vừa được cô diễn viên lôi ra từ vali để mặc vào diễn. Và tính chân thực của cảnh diễn đã mất đi ít nhiều.
Các cuộc họp trên mỗi bộ phim bao giờ cũng xoay quanh chiếc bàn. Tất nhiên cũng sẽ có những nhân vật chính. Còn các nhân vật phụ ngồi phụ họa, mặt lại ngơ ngác không biết giấu ánh mắt đi đâu mỗi khi máy quay hướng đến. Kèm thêm vài cái gật gật không rõ ý tán thành hay phản đối. Khổ nổi máy quay cứ phải lia cho đủ ban bệ của buổi họp, thành thử cảnh phim cứ lục cục như ăn phải sạn trong cơm.
Mặt khác, có thể trình độ văn hóa mỗi người khác nhau, nhưng hầu như người xem phim truyền hình không phải chỉ ở mức dưới trung bình về khả năng nhận biết, nên những cảnh kéo lê rê từ lời thoại đến hành động như chủ ý muốn “nói” cho hết ý khiến phim ngày càng trở nên nhàm chán với người xem.
Khán giả từng rất ấn tượng với những phim truyền hình trong gian đoạn mới mẻ của nó. Bởi ở đó các êkip làm phim rất kỹ lưỡng từng chi tiết từ lời thoại đến phục trang, bối cảnh. Nhưng đến bây giờ người làm phim đã bỏ qua điều đó, góp phần làm yếu bộ phim thêm, bên cạnh những điều khiến bộ phim đã yếu.
Không ai chê người thân mình xấu, cũng không ai thích xem người đẹp ngoài thiên hạ rồi về chê bai người nhà mình. Nhưng để khán giả Việt đừng quay lưng với phim truyền hình vốn đang được chiếu miễn phí trên các phương tiện truyền thông, thiết nghĩ đã đến lúc những nhà làm phim cần phải có thái độ nghiêm túc, dẫu bắt đầu từ một hành vi nhỏ, là hãy cẩn trọng với từng milimet sản phẩm của mình.
Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” do TTO tổ chức với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, qua đó đưa ra những gợi ý, giải pháp để nâng tầm chất lượng của phim Việt. Mời bạn đọc gửi bài viết với những gợi ý sau: - Bạn thấy kịch bản phim Việt hiện nay như thế nào? Độ hợp lý/gần gũi/hấp dẫn? Như thế nào là những kịch bản điện ảnh lay động, hấp dẫn, gần gũi. - Thoại trong phim Việt có tự nhiên hay lên gân, hay nghe giả tạo? - Đạo diễn Việt Nam còn thiếu điều gì để có nhiều bộ phim xứng tầm, không lạc lõng giữa thị trường, không coi thường khán giả. - Chất lượng diễn viên hiện nay như thế nào: Diễn xuất của diễn viên/mức độ hóa thân vào nhân vật? - Âm nhạc cho phim - Vai trò của nhà phê bình, nhà sản xuất, nhà quản lý cũng như hội đồng duyệt phim… Bạn cũng có thể đề cập cái hay nên học hỏi của những bộ phim truyền hình/điện ảnh hay của Việt Nam/ thế giới… Bài viết xin vui lòng gửi về [email protected]; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt. Bài viết gõ bằng Unicode, không quá 1.000 chữ. Dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận