06/01/2018 15:01 GMT+7

Khi 'phim giải trí' bị trường điện ảnh coi là xấu xa

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Xu hướng người trẻ chọn những đề tài u ám, thể hiện cái nhìn bi quan về xã hội ở một khía cạnh nào đó cho thấy họ đang bị thiếu định hướng từ những bước đi đầu tiên.

Ngoài ra, người làm nghề điện ảnh đều cho rằng ngoài việc tôn trọng sự đa dạng, chấp nhận nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau thì việc đào tạo điện ảnh tại Việt Nam hiện nay cần phải thực tế và bám sát thị trường hơn. 

Đạo diễn Khải Hưng: Trường không thể đào tạo ra nghệ sĩ

Đạo diễn Khải Hưng, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Sân khấu, điện ảnh (Hà Nội) cho biết vấn đề lớn của trường hiện nay là không có giảng viên cơ hữu. Những thạc sĩ, tiến sĩ trong trường rất ít người có kinh nghiệm về điện ảnh. Những người có nghề đạo diễn như ông tới dạy thỉnh giảng cũng chỉ là dạy truyền nghề.

"Khi trường chưa thiết kế được một chương trình dạy thích hợp với bậc đại học, giáo trình của trường thì toàn từ thời Liên Xô cũ, ít chịu cập nhất kiến thức mới, thì sinh viên dễ ngả theo những xu hướng bên ngoài là điều dễ hiểu", đạo diễn Khải Hưng nói.

Vị đạo diễn này cũng cho biết ông cho phép sinh viên năm nhất thử sức với nhiều thể loại, và nhận thấy nhiều bạn có xu hướng làm ra những bộ phim "lãng đãng", không ai hiểu gì. Vào năm thứ hai, ông sẽ hướng sinh viên chọn các đề tài gần gũi với cuộc sống.

Anh nào muốn làm phim u ám, bất mãn cũng được, nhưng phải chân thật. Chứ còn làm không thật, cường điệu quá tôi không khuyến khích. Tôi quan niệm trường là nơi dạy sinh viên kiến thức cơ bản. Các em phải thành thục cơ bản trước khi tiến tới làm những thứ cao siêu. Trường cũng chỉ là nơi dạy nghề chứ không thể đào tạo các em thành nghệ sĩ. Có trở thành nghệ sĩ thực thụ hay không do tư chất từng người khi họ bước ra thử sức ngoài đời.

Đạo diễn Khải Hưng

Khi phim giải trí bị trường điện ảnh coi là xấu xa  - Ảnh 2.

Những bộ phim trong sáng, hài hước do các bạn trẻ tuổi teen tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh thực hiện - Ảnh: TPD

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Cách giáo dục ảnh hưởng tới các nhà làm phim trẻ

Đạo diễn của dòng phim thương mại Phan Gia Nhật Linh chia sẻ thẳng thắn: "Tôi tin cách mà chúng ta đang giáo dục hôm nay có ảnh hưởng lớn đến cách các bạn trẻ làm phim.

Một đạo diễn nổi tiếng từng tốt nghiệp thủ khoa một trường Đại học Sân khấu, điện ảnh kể với tôi rằng, khi anh chọn làm phim dài đầu tay là một phim thương mại, giải trí tươi sáng, thì giáo viên trong trường đã xem đó là một nỗi xấu hổ cho nhà trường.

Anh kể trường còn ra đề cho sinh viên kiểu "Nếu em bị giao làm một phim giải trí thì em sẽ xử lý ra sao?", như thể phim giải trí là một cái gì đó xấu xa phải tránh.

Ngay cả trên truyền thông, việc điện ảnh nước nhà có nhiều phim hài cũng thường bị đem ra chỉ trích như một cái gì đó không tốt đẹp.

Các bạn trẻ, vốn đang ở tuổi thích khẳng định bản thân và được nhìn nhận, hẳn sẽ bị ảnh hưởng và nghĩ rằng phải làm phim tăm tối, phải "so deep" (sâu sắc - PV) thì mới được đánh giá cao, còn làm phim tươi sáng, phim hài vui vẻ thì sẽ bị đánh giá thấp.

Ngay ở các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh Việt Nam, người ta vẫn chỉ bàn về đề tài của phim giải trí và phim nghệ thuật, hơn là đánh giá về tay nghề làm phim. Cứ phim giải trí vui tươi thì không bằng phim nghệ thuật u ám. 

Chẳng trách gì các bạn trẻ khi làm phim đầu tay, muốn chứng minh bản thân họ, đã chọn những đề tài mà người ta thường xem là "nghệ thuật", mà ít quan tâm đến kỹ thuật làm phim, tay nghề làm phim".

Tôi nghĩ, các bạn trẻ cần học về ngôn ngữ điện ảnh, các bạn cần phải hiểu bộ phim các bạn đang muốn làm. Các bạn phải thành thật với bộ phim của mình, thay vì chạy theo các đề tài, xu hướng, thể loại.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Khi phim giải trí bị trường điện ảnh coi là xấu xa  - Ảnh 4.

Nhà làm phim trẻ Nguyễn Ngọc Mai giành chiến thắng tại giải Búp sen vàng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh với bộ phim tài liệu "Lẫn". Đây là một bộ phim đầy xúc động về tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình - Ảnh: NGỌC DIỆP

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Cần đào tạo sát với thực tế hơn

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, hiện đang là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Sân khấu, điện ảnh (Hà Nội) cho biết: "Tôi quan niệm dạy điện ảnh phải phối hợp cả ba yếu tố hàn lâm, ứng dụng và thực hành. Nhưng trong điều kiện Việt Nam, dạy được ứng dụng và thực hành là tốt lắm rồi.

Cá nhân tôi khi dạy không có xu hướng đưa ra những trường phái quái quỷ, kì dị mà dạy nghề một cách thực tế, giúp các sinh viên hiểu rõ và định vị được thị trường. 

Sài Gòn làm phim có tính giải trí rất cao và tôi nghĩ họ đang đi đúng hướng. Còn miền Bắc thì đang rất khó khăn".

Có nhiều học viên muốn làm các đề tài tăm tối, nhưng giảng viên sẽ cân nhắc, nếu thấy không ổn sẽ hướng các bạn sang tài khác. Những năm gần đây trung tâm ít cho học viên làm phim mang màu sắc tăm tối vì các liên hoan phim cũng không nhận đâu, kiểu phim đó bị cũ rồi. Chúng tôi hướng dẫn cho các em làm phim cơ bản trước, đến phim thứ hai, thứ ba muốn "chơi" nghệ thuật thế nào thì chơi.

Ông Hoàng Phương - Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh

U ám, hoang mang là mốt với người làm phim trẻ?

TTO - Nhiều nhà làm phim cho rằng, u ám, hoang mang đang là một thứ 'mốt' trong điện ảnh, vì nó làm nhà làm phim trẻ cảm thấy ‘so deep’ (sâu sắc) như cách người trẻ vẫn nói.

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm?

TTO - 'Giới trẻ bây giờ có đời sống sung túc hơn, tại sao họ lại làm phim u ám thế?' Đã có không ít lời phàn nàn như vậy.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên