Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mà khổ chủ như cá nằm trên thớt, bởi hình ảnh riêng tư cá nhân bỗng dưng trở thành đề tài bàn luận của thiên hạ, gây xìcăngđan ầm ĩ, khiến cuộc sống của họ đảo lộn, ảnh hưởng lớn đến tinh thần, uy tín của mình. Có thể đơn cử vụ việc của diễn viên L. khi clip cá nhân bị tung lên mạng cách đây ba năm, mặc dù tòa án đã xét xử hình sự các đối tượng tung clip nhưng chỉ với tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Khi ấy, tòa án thậm chí đã không xét đến tư cách tham gia tố tụng của hai nhân vật chính trong clip là nạn nhân hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan và họ đã không được triệu tập tham gia quá trình điều tra, xét xử.
Như vậy, trong trường hợp bị người khác sử dụng, lan truyền phim, ảnh cá nhân khi chưa xin phép, chúng ta nên phản ứng như thế nào, với ai để được pháp luật bảo vệ?
Theo quy định tại điều 31 Bộ luật dân sự 2005, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác; nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, nếu chẳng may bị người khác sử dụng, lan truyền hình ảnh cá nhân khi nạn nhân chưa đồng ý, kể cả trường hợp đó là tấm ảnh bình thường nhưng gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của mình, thì theo tôi, trước hết nạn nhân cần thông báo, tố cáo sự việc ngay đến cơ quan điều tra, để cơ quan này tiến hành điều tra và xem xét việc khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm. Tùy trường hợp mà thủ phạm có thể bị định tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hoặc làm nhục người khác theo quy định của Bộ luật hình sự.
Về mặt dân sự, căn cứ điều 31 nói trên, nạn nhân cũng có thể khởi kiện người lan truyền phim, ảnh của mình để yêu cầu được bồi thường do bị xâm phạm hình ảnh cá nhân, dẫn đến thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Quyền khởi kiện về mặt dân sự có thể được thực hiện ngay cả khi không có dấu hiệu cấu thành tội phạm (không phải ảnh “nóng” nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến người trong ảnh).
Ngoài ra, đối với trường hợp các báo sử dụng ảnh của cá nhân làm ảnh minh họa cho bài viết mà chưa được nhân vật đồng ý, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhân vật thì nhân vật cũng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong tương lai, để ngăn chặn tình trạng xâm phạm phim, ảnh cá nhân, cũng như tình trạng các phim, ảnh trái thuần phong mỹ tục bị tung tràn lan trên mạng, tòa án và các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến vấn đề chế tài, xử phạt, bắt bồi thường, xin lỗi công khai hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận