Từ trái qua: phim Drive my car (Nhật Bản), phim Flee (Đan Mạch) và phim The worst person in the world (Na Uy) - Ảnh: IMDb
Điều đó cho thấy giải thưởng của Viện hàn lâm Mỹ ngày càng mở rộng tiêu chí và ghi nhận thêm nhiều tác phẩm quốc tế có sức ảnh hưởng.
Với Viện hàn lâm Mỹ, việc họ thay đổi tên gọi của hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài" thành "Phim quốc tế xuất sắc nhất" cũng giúp cho hạng mục này trở nên quan trọng và đáng chú ý hơn, thậm chí biến hạng mục này trở thành "đối trọng" với hạng mục quan trọng nhất là "Best Picture" (Phim hay nhất).
Parasite chiến thắng "đúp" cả 2 hạng mục này vào năm 2020, cộng thêm 2 giải cá nhân khác cho Bong Joon Ho là đạo diễn và kịch bản xuất sắc, là điều chưa từng có trong lịch sử Oscar.
Ở đề cử Oscar năm nay, Drive my car, một bộ phim của điện ảnh Nhật Bản, cũng nhận được những đề cử quan trọng như vậy với 4 hạng mục là "Phim hay nhất", "Phim quốc tế hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất" và "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất".
Thành tích lớn của Nhật Bản
Ryûsuke Hamaguchi và đồng biên kịch Takamasa Oe chuyển thể không chỉ truyện ngắn Drive my car mà còn chắt lọc thêm một số chi tiết từ hai truyện ngắn khác trong tập truyện Men without women của nhà văn Haruki Murakami là Scheherazade và Kino.
Cảnh trong phim Drive my car
Dưới bàn tay của hai nhà biên kịch này, chất liệu từ ba truyện ngắn được hòa trộn một cách tài tình đến mức khó mà nhận ra nếu ta chỉ xem phim mà không đọc lại tập truyện ngắn. Nhưng không chỉ thế, bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ này còn được nới rộng về mặt không gian và thời gian, thay đổi về bối cảnh và cấu trúc, bổ sung và sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới.
Đó là lý do Ryûsuke Hamaguchi có thể biến một truyện ngắn dài hơn 40 trang sách (cộng với vài trang từ hai truyện ngắn khác) trở thành một bộ phim điện ảnh dài 3 tiếng đồng hồ chậm rãi và từ tốn chạm dần vào cảm xúc của người xem và khiến họ không ngừng suy tư về nỗi đau của sự mất kết nối và cách để chữa lành vết thương lòng.
Đạo diễn Ryûsuke Hamaguchi, một tên tuổi mới của điện ảnh nghệ thuật Nhật Bản, đã chuyển đổi liên tục một cách tài tình từ không gian sân khấu của vở kịch Bác Vanya đến không gian bên trong chiếc xe Saab. Và ở cả hai không gian đó, những điều day dứt và tiếc nuối của những nhân vật dần dần được bộc lộ.
Cũng giống như vở kịch kinh điển Bác Vanya của nhà văn Nga A. Chekhov nói về những điều tiếc nuối và vô phương cứu chữa trong cuộc đời, nhân vật chính của bộ phim - Kafuku - cũng nhận ra có những điều mà anh không dám đối diện đã khiến anh đau đớn thế nào.
"Tôi thực sự bị tổn thương rất nặng nề, bởi vì tôi không dám lắng nghe bản thân mình. Vì vậy mà tôi mất Oto mãi mãi", anh tâm sự với Misaki - cô tài xế trẻ chỉ đáng tuổi con mình. Và cô gái trẻ luôn giữ vẻ mặt dửng dưng lãnh đạm ấy cũng bắt đầu bộc lộ những tổn thương của quá khứ mà cô che giấu suốt bao năm trời...
Cách kể chuyện đầy tinh tế kết hợp với một chủ đề phổ quát về sự mất mát và cách chữa lành vết thương lòng khiến Drive my car nhận được sự đồng cảm lớn từ khán giả quốc tế và khiến bộ phim này đạt được những thành tích lớn tại Oscar - điều mà chưa bộ phim Nhật nào trước đây từng đạt được.
Những đề cử xứng đáng cho 2 bộ phim Bắc Âu
Hai bộ phim đến từ Bắc Âu là The worst person in the world của Na Uy và Flee của Đan Mạch cũng được Viện hàn lâm Mỹ ghi nhận bởi những thông điệp mang tính thế sự hoặc cách kể chuyện vừa đậm tính cá nhân mà vẫn chia sẻ được cái nhìn mới mẻ về cuộc sống vốn có quá nhiều điều bất toàn này.
Cảnh trong phim Flee
Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Oscar, một bộ phim có thể nhận được 3 đề cử ở 3 hạng mục phim khác nhau, đó là "Phim hoạt hình", "Phim tài liệu" và "Phim quốc tế xuất sắc nhất". Nhưng nếu đã xem Flee, ta phải thừa nhận đó là những đề cử hoàn toàn xứng đáng.
Đạo diễn người Đan Mạch Jonas Poher Rasmussen đã tái hiện cuộc đời của một người đàn ông đồng tính người Afghanistan (Amin Nawabi) dưới hình thức phim tài liệu hoạt hình.
Như một hình thức trị liệu, Amin Nawabi đã lần đầu tiên dám đối mặt với quá khứ đầy mất mát tại quê hương của mình và sau đó quyết định chạy trốn khỏi Afghanistan và lưu vong, tị nạn tại nhiều nước châu Âu trước khi tìm thấy một chốn bình yên và an toàn tại Đan Mạch - nơi anh gọi là "nhà".
Flee nhận được sự hoan nghênh và ca ngợi từ các LHP đến các nhà phê bình với những lời khen tặng cho hình thức kể chuyện, thể loại, cách khai thác chủ đề mang tính thời cuộc về lưu vong, tị nạn chính trị và cả chủ đề đồng tính trong một bộ phim đẹp như một bài thiền.
Đạo diễn Bong Joon Ho cũng đưa bộ phim này vào danh sách phim yêu thích nhất của ông trong năm 2021 và gọi nó là "tác phẩm cảm động nhất mà tôi xem trong năm".
Trong khi đó, The worst person in the world của Na Uy - với 2 đề cử "Phim quốc tế" và "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" - lại là một bộ phim lãng mạn hài hơi... đen tối của đạo diễn Joachim Trier. Bộ phim này là hành trình khám phá bản thân của một cô gái trẻ mới bước sang tuổi 30 mà ở đó cô đối mặt với nhiều khoảnh khắc quan trọng làm thay đổi cuộc đời mình.
Bốc đồng, thiếu quyết đoán và đôi lúc mơ hồ không biết mình muốn gì nhưng đồng thời nhân vật chính của bộ phim này cũng mang đến cho người xem niềm vui tận hưởng cuộc sống và nắm bắt trọn vẹn từng khoảnh khắc. Những khát khao đó tràn ngập bộ phim khiến ta tự hỏi bản chất cuộc sống này là gì khiến ta không ngừng khám phá mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng?
Thay đổi thói quen xem phim của người Mỹ
Năm 2020, khi Parasite của điện ảnh Hàn Quốc tỏa sáng và liên tiếp chiến thắng nhiều giải thưởng điện ảnh tại Mỹ, trong đó có 4 giải Oscar, đạo diễn Bong Joon Ho đã có một câu phát biểu ấn tượng.
"Mỗi khi bạn vượt qua được rào cản của những dòng phụ đề cao khoảng 1 inch, bạn sẽ được xem thêm nhiều bộ phim tuyệt vời" - Bong Joon Ho nói tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2020 và ít nhiều "thức tỉnh" khán giả Mỹ.
Bởi với việc sở hữu một nền điện ảnh lớn nhất thế giới, khán giả Mỹ dường như không có nhu cầu xem phim nói bằng ngôn ngữ khác. Những bộ phim quốc tế dù đoạt được các giải thưởng lớn tại các LHP hàng đầu nhưng khi trình chiếu tại Mỹ chỉ đạt doanh thu rất ít ỏi, bởi đơn giản là khán giả nước này không thích xem phim có phụ đề.
Nhưng sau Parasite, điều đó đã ít nhiều thay đổi. Parasite cũng mở đường cho nhiều bộ phim/series của Hàn thu hút thêm lượng khán giả Âu - Mỹ, tất nhiên là họ phải vượt qua "rào cản" phụ đề như Squid game, Hellbound, Kingdom...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận