TTCT - Những gã khổng lồ công nghệ thế giới đã có những bước đi cụ thể để lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, nhưng tiền của người dùng có lẽ không phải thứ duy nhất mà những công ty này nhắm đến. Google từ lâu đã muốn nhảy vào fintech. Ảnh: Medium Sau nhiều năm đứng ngoài cuộc, Big Tech hay GAFA - tên gọi dành cho bốn ông lớn công nghệ Google, Amazon, Facebook và Apple - dường như đều chọn năm 2019 là thời điểm để nghiêm túc nhúng chân vào phần thị trường béo bở mang tên fintech (financial technology - công nghệ tài chính). Rầm rộ tham gia cuộc chơi Tháng 6-2019, Amazon kết hợp với Ngân hàng Synchrony cho ra mắt dòng thẻ tín dụng Credit Builder dành cho khách hàng không có lịch sử tín dụng hoặc có lịch sử tín dụng xấu, với hạn mức tín dụng bằng số tiền mà chủ thẻ buộc phải ký quỹ để mở thẻ. “Đây là nhóm khách hàng lớn mà trước đây chúng tôi chưa thể tiếp cận, một phân khúc thị trường hoàn toàn mới” - Tom Quindlen, phó chủ tịch Synchrony đồng thời là CEO mảng thẻ bán lẻ của ngân hàng này, nói với tạp chí The Economist. Ngoài tận hưởng những tiện nghi của một chiếc thẻ tín dụng thông thường, chủ thẻ Credit Builder còn được hoàn tiền khi mua sắm trên trang thương mại điện tử của Amazon. Theo Quindlen, những đặc quyền này kéo người tiêu dùng đến với dịch vụ của Amazon và giữ chân họ, từ đó mang đến doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Trước đó, vào tháng 3-2019, Apple cho ra mắt chiếc thẻ Apple Card để người dùng iPhone thanh toán tại những nơi chưa hỗ trợ dịch vụ thanh toán di động Apple Pay. Chiếc thẻ được quảng cáo là “bảo mật hơn mọi thẻ vật lý khác” nhờ thiết kế tối giản không có dãy số tài khoản, mã bảo mật CVV, ngày hết hạn hay chữ ký chủ thẻ trên mặt thẻ như những chiếc thẻ tín dụng thông thường. Thẻ có thể được kết nối với ví điện tử Wallet trên iPhone cho phép theo dõi tất cả các hoạt động chi tiêu từ Apple Card, hay với ứng dụng Apple Maps để xem vị trí thực hiện từng giao dịch. Apple tuyên bố hợp tác với hai đối tác lớn là Ngân hàng Goldman Sachs và Tổ chức tài chính Mastercard, cho phép hoàn tiền thẳng vào tài khoản người dùng cũng như không tính phí thường niên, phí thanh toán quốc tế và phí chậm thanh toán. Tháng 11 cùng năm, Facebook công bố hệ thống thanh toán của riêng mình mang tên Facebook Pay để quản lý các giao dịch trên mạng xã hội Facebook và Instagram cũng như ứng dụng nhắn tin Messenger và WhatsApp, đều của Công ty Facebook, Inc. Người dùng có thể sử dụng Facebook Pay để gửi tiền cho bạn bè, mua sắm hàng hóa hay quyên góp cho các hoạt động gây quỹ. Theo công ty này, Facebook Pay sẽ hoạt động tách bạch với nền tảng của ví điện tử Calibra và tiền mã hóa Libra mà Facebook tung ra trước đó, và “được xây dựng trên nền tảng tài chính và những quan hệ đối tác sẵn có”. Chỉ một ngày sau khi Facebook Pay ra mắt, đối thủ Google cũng thông báo sẽ “chơi lớn” khi bắt đầu cung cấp dịch vụ tài khoản thanh toán cho người dùng tại Mỹ từ năm 2020 với cú bắt tay cùng Ngân hàng Citi trong dự án mang tên Cache. “Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu cách thức hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Mỹ để cung cấp tài khoản thanh toán thông minh dựa trên Google Pay, giúp người dùng hưởng lợi từ các phân tích tài chính và công cụ quản lý chi tiêu hữu ích” - Đài CNBC dẫn lời người phát ngôn Google. “Ôm mộng” từ lâu Đứng riêng lẻ, từng dự án trên của nhóm Big Tech chưa hẳn là động thái đáng lo ngại đối với những đối thủ fintech cạnh tranh trực tiếp hay những ông lớn ngân hàng. Nhưng việc chúng xuất hiện gần như cùng một thời điểm lại đánh dấu sự tăng tốc của một trào lưu có khả năng định hình lại cả ngành công nghiệp tài chính thế giới, theo Antony Jenkins - người từng rời vị trí lãnh đạo Ngân hàng Barclays để thành lập Công ty fintech 10x Future Technologies năm 2016. Trên thực tế, không phải bây giờ nhóm GAFA mới có hứng thú với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhưng những sản phẩm trước đó của các công ty này hầu như chỉ tập trung vào mảng thanh toán như Apple Pay hay Google Pay - công cụ lưu giữ thông tin thẻ của khách hàng nhưng bản thân chúng không xử lý các giao dịch. Các công cụ này giúp việc thanh toán trở nên thuận tiện và bảo mật hơn nhờ việc lưu trữ mọi thông tin ở một chỗ và mã hóa chúng. Tuy nhiên, những nền tảng này có điểm chung là… không mấy thành công. Sau hơn 8 năm ra mắt, Google Pay mới chỉ đạt vỏn vẹn 12 triệu người dùng ở Mỹ, nơi có khoảng 130 triệu hộ gia đình. Trong khi đó, trong tháng 10-2019, số lượng người dùng Amazon Pay chỉ bằng 5% khách hàng của nền tảng thanh toán và chuyển tiền qua mạng phổ biến PayPal, theo thống kê của Công ty phân tích dữ liệu Second Measure. Những kết quả này chẳng là gì nếu so với WeChat Pay và Alipay, khi hai “siêu ứng dụng” thanh toán phổ biến nhất tại Trung Quốc cùng ra đời vào năm 2013 này đều nắm trong tay hơn 1 tỉ người dùng tính đến cuối năm 2019, tức hơn 70% dân số Trung Quốc. Ngày nay, gần như mọi giao dịch ở đại lục đều có thể thực hiện thông qua ít nhất một trong hai ứng dụng này, từ trả tiền taxi, đi chợ đến cho tiền người ăn xin. Tất nhiên mọi sự so sánh đều không tránh khỏi khập khiễng: bước nhảy vọt của Trung Quốc từ tiền mặt sang ví điện tử một phần nhờ vào chính sách thông thoáng cũng như sự thiếu vắng các phương pháp thanh toán không tiền mặt thay thế. Trong khi đó, các nước như Mỹ có hệ thống thẻ tín dụng phát triển từ lâu, khiến việc thay đổi thói quen khách hàng từ thẻ sang ví điện tử không phải chuyện đơn giản, theo Aaron Klein của Viện nghiên cứu chính sách Brookings. Thủ tục hành chính là một trở ngại khác, khi mà một tổ chức thanh toán muốn thành lập và hoạt động tại Mỹ cần được cấp phép bởi tất cả 50 bang. Nhóm Big Tech đã có những bước đi cụ thể để lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng. -Ảnh: The Economist Ngân hàng mà không phải nhà băng Nếu nhìn vào những khó khăn đó, có vẻ khó hiểu tại sao nhóm Big Tech lại muốn chen chân vào lĩnh vực ngân hàng. Theo Sulabh Agarwalm - trưởng nhóm thanh toán toàn cầu của Công ty phân tích tài chính Accenture, không có nhiều động cơ để lý giải điều này, vì tỉ lệ hoàn vốn của một công ty công nghệ cao hơn rất nhiều so với một ngân hàng. Câu trả lời có thể là các công ty này không thật sự muốn trở thành ngân hàng, ít nhất không phải là một ngân hàng đúng nghĩa. Trên lý thuyết, ngân hàng có ba vai trò chính là quản lý giao dịch, biến vốn thành các sản phẩm tài chính như khoản vay và thế chấp, và thúc đẩy tiêu dùng, theo Dave Birch của Công ty tư vấn Consult Hyperion. Các công ty công nghệ không thật sự hứng thú với hai vai trò đầu tiên vì chúng chịu sự quản lý nhà nước rất chặt chẽ. Đó là lý do các công ty Big Tech đều chọn giải pháp bắt tay với một ngân hàng lớn để thay mình làm phần việc đó, trong khi họ tập trung chiếm lĩnh thị trường ở khâu phân phối. Nhờ vào hệ thống thông minh và không có mạng lưới chi nhánh cồng kềnh, những công ty công nghệ có khả năng tinh giản chi phí để tạo lợi thế cạnh tranh so với ngân hàng truyền thống. Quan trọng hơn, sản phẩm ngân hàng giúp kéo người dùng đến với những nền tảng thanh toán do chính các công ty này cung cấp. Trong khi Apple và Google muốn người dùng có thêm một lý do để không thể rời chiếc điện thoại thông minh thì Amazon lại muốn cung cấp luôn dịch vụ thanh toán để giữ chân người dùng với hệ sinh thái của mình càng lâu càng tốt, theo Lisa Ellis của Công ty nghiên cứu MoffettNathanson. Nhưng trên tất cả, thứ mà cả bốn công ty nhắm đến chính là dữ liệu người dùng. Nhóm Big Tech đã có sẵn trong tay thông tin về sở thích của khách hàng thông qua thói quen tìm kiếm, nơi sinh sống và hoạt động trên mạng xã hội, nhưng biết được thói quen chi tiêu còn có ích hơn rất nhiều, vì chúng có thể được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của quảng cáo và trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm. Với thông tin này trong tay, theo một số chuyên gia, không loại trừ khả năng các ông lớn công nghệ sẽ còn lấn sân sang lĩnh vực tư vấn tài chính trong tương lai. Thời gian đầu, các ngân hàng truyền thống được dự báo đón nhận tích cực lời mời gọi hợp tác từ nhóm GAFA vì giúp cắt giảm chi phí vận hành và tiếp cận nguồn vốn huy động mới từ mảng bán lẻ. Tuy nhiên, khi các ông lớn công nghệ nắm trong tay mối quan hệ với người tiêu dùng là lúc ngân hàng truyền thống và cả các công ty fintech nhỏ hơn nên bắt đầu lo lắng.■ Làn sóng tham gia lĩnh vực ngân hàng không chỉ diễn ra tại Mỹ hay giữa nhóm công nghệ Big Tech. Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore đang xem xét cấp 5 giấy phép ngân hàng số mới, trong đó ứng cử viên sáng giá là liên doanh giữa đại gia gọi xe công nghệ Grab và tập đoàn viễn thông hàng đầu Singapore Singtel. Ngân hàng số Kakao Bank của công ty sở hữu KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin số 1 tại Hàn Quốc - đã đạt hơn 11,2 triệu người dùng tính đến hết tháng 12-2019, sau 3 năm đi vào hoạt động. Hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent và Alibaba - đứng sau WeChat Pay và Alipay - cũng đều đã lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng lần lượt với WeBank và MYbank. Tags: GoogleFacebookÔng lớn công nghệNhà băngGAFA
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thầy Khang đi gặp các 'cháu nội' ở Làng Nủ VĨNH HÀ 23/12/2024 6 năm qua chưa đi đâu khỏi Hà Nội, lần này thầy giáo Nguyễn Xuân Khang lên Làng Nủ để thăm 22 'cháu nội' mà ông nhận nuôi.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?