Ảnh đoạt giải của Nguyễn Minh Tân |
Cuộc thi ảnh quốc tế thường niên HIPA (Hamdan International Photography Award) do hoàng tử Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Hamdan bin Mohammad bin Rashid al Maktoum sáng lập đã trải qua được bốn kỳ.
Nếu như thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất “thống trị” nhiều kỷ lục thế giới như tòa nhà Burj Khalifa cao nhất, quần đảo nhân tạo cây cọ lớn nhất, hồ thủy sinh Dubai rộng nhất... thì một khi bước chân vào cuộc thi ảnh quốc tế, ông hoàng Dubai không thể bỏ qua thói quen phải bỏ túi một kỷ lục thế giới.
Ðó là kỷ lục về tiền thưởng. Tổng trị giá giải thưởng cuộc thi này là 400.000 USD, lớn hơn bất cứ cuộc thi ảnh nào. Giải thưởng lớn - giải cao nhất của cuộc thi trị giá 120.000 USD tiền mặt (khoảng 2,5 tỉ đồng).
Chưa kể các giải thưởng khác từ 7.000-15.000 USD và đài thọ một chuyến đi đến thành phố Dubai nhận thưởng.
Một chuyến đến Dubai lãnh thưởng
Ðến nay, Việt Nam có hai nhiếp ảnh gia đã đoạt giải HIPA. Ở giải HIPA 2014-2015 chủ đề Sắc màu cuộc sống, Nguyễn Minh Tân
(TP.HCM) đoạt giải ba nhóm Ảnh đêm (Night photography) trị giá 10.000 USD tiền mặt. Trước đó, năm 2012 Lê Duy Hoàng (Tuy Phong, Bình Thuận) cũng đoạt giải ba chủ đề Ảnh đen trắng với trị giá tiền mặt 8.000 USD. Cả hai đều được long trọng mời đến Dubai nhận giải.
Trở về sau chuyến đi nhận giải sáu ngày ở Dubai, Nguyễn Minh Tân tâm sự có lẽ còn rất lâu để anh có thể quên kỷ niệm này. Còn Lê Duy Hoàng thì bồi hồi nhớ lại cảm xúc mà cuộc đời anh chưa hề biết.
Cả hai được đến Dubai bằng máy bay Hãng Emirates, ghế nằm hạng thương gia. Ở Dubai họ được ở phòng khách sạn năm sao, đưa đón bằng xe Mercedes S500 (giá ở Việt Nam trên 6 tỉ đồng/chiếc). Trong buổi lễ họ được cử phiên dịch riêng.
Nguyễn Minh Tân cho biết người nhận thưởng không được cho biết trước giải thưởng, chỉ được tham gia tập dượt buổi trao giải ở sân khấu nhạc nước lớn nhất thế giới tại Dubai, yêu cầu mặc đồ vest hoặc trang phục truyền thống.
“Tôi thấy người Pakistan với người Ấn Ðộ mặc đồ truyền thống, còn lại mặc vest. Khi chưa nhận giải tôi nghĩ: Ồ, giải gì thì chưa biết, nhưng với mình, một chuyến đi như thế này đã là... quá đủ!”.
Vì cái chân hay đi của nhiếp ảnh gia nên Nguyễn Minh Tân và Lê Duy Hoàng có ngay “kinh nghiệm xương máu” về Dubai đắt đỏ. Nguyễn Minh Tân nói anh không quên được vụ mua vé tham quan tòa nhà Burj Khalifa giá 300 dirham (khoảng 1,8 triệu đồng), đi thang máy lên tòa nhà cao trên 800m này chỉ mất... một phút.
Còn Lê Duy Hoàng cùng hai nhiếp ảnh gia Trung Quốc và Ðức thuê xe ra chợ Dubai chụp hình lạc đà, đi về ba người chia nhau 500 USD. Lê Duy Hoàng kể lại sau lần đi đó anh chỉ nằm ở khách sạn đợi ngày về, không muốn khám phá Dubai thêm chút nào nữa.
Nhưng Lê Duy Hoàng cũng có một kỷ niệm đáng nhớ: “Khi tôi đang đứng với hai đồng nghiệp Ðức và Trung Quốc trước lễ trao giải, hoàng tử Hamdan bin Mohammad bin Rashid al Maktoum đến không bắt chuyện với hai người kia mà hỏi tôi là ai. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông bèn lôi tôi ra kêu chụp hình chung. Ông cứ nhìn tôi cười cười. Tôi nghĩ ông hoàng tử này chắc có thiện cảm với người Việt Nam”.
“Đi thi có tiền thưởng vẫn thích hơn!”
Cũng cuối tháng 3-2015, cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế thường niên Smithsonian (Mỹ) đã công bố Giải thưởng lớn - hạng cao nhất của cuộc thi trị giá 2.500 USD đã thuộc về tác giả Phạm Tỵ (TP.HCM). Ảnh của Hoàng Thế Nhiệm, Lý Hoàng Long (TP.HCM), Trần Việt Phương (Hà Nội), Nguyễn Trang (Ðà Nẵng) cũng vào chung kết cuộc thi này.
Những giải thưởng có giá trị cao của Nguyễn Minh Tân, Lê Duy Hoàng, Phạm Tỵ dường như đang tạo ra một cuộc tranh cãi ngầm trong giới nhiếp ảnh. Những người theo các giải truyền thống của FIAP, PSA (Mỹ) thì cho rằng tiền bạc không đi đôi với nghệ thuật, và giám khảo các cuộc thi đó cũng... chưa đáng tin tưởng (?).
Trong khi những người theo đuổi các giải thưởng có giá trị vật chất thì truyền tai nhau chuyện một người chơi nhiếp ảnh chưa tới hai năm đã “ẵm” hơn 100 giải thưởng kiểu chỉ có bằng khen! Chuyện một người mới chơi nhiếp ảnh gửi vu vơ vài tấm ảnh thi quốc tế đoạt giải nếu kể ra thì không hiếm, miễn anh ta chịu... đóng phí.
Lê Duy Hoàng nói: “Lúc đầu chơi nhiếp ảnh chưa có danh hiệu, anh em chúng tôi cũng chịu khó gửi lệ phí đi thi lắm. Nhưng bây giờ thì... mệt mỏi rồi. Anh em đùa nhau rằng đó là bỏ tiền mua danh hiệu”.
Còn Nguyễn Minh Tân thì đơn giản: “Nếu ai xem nhẹ những giải có tiền thưởng lớn như HIPA thì tôi e không thật. Ði thi có tiền thưởng vẫn thích hơn chứ!”.
Phạm Tỵ, người bắt đầu chơi ảnh nghệ thuật từ năm 2011, cho hay dù chưa có danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh nào nhưng việc năm ngoái tạp chí danh tiếng National Geographic (Mỹ) mua bức ảnh của anh đăng hai trang với tiền nhuận ảnh 4.200 USD đã làm anh “sướng rơn”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh cũng có thời là “vua” giải thưởng, nhưng anh thích đi thi trong nước hơn quốc tế vì đơn giản... có tiền (!). Giờ đây, các tay máy của Việt Nam đang rủ nhau đi thi HIPA.
Mà đâu chỉ riêng Việt Nam, nếu HIPA 2013-2014 có 38.203 ảnh dự thi của 26.006 tác giả từ 156 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi thì sang HIPA 2014-2015, con số đã tăng lên 60.162 ảnh của 30.878 tác giả từ 166 quốc gia và lãnh thổ!
Đoạt giải nhờ... giao thông Việt Nam Bức ảnh đoạt giải của Nguyễn Minh Tân chụp ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Ðạo (TP.HCM) vào lúc chạng vạng tối. Lúc đầu anh muốn chụp hình ảnh người cảnh sát giao thông giữa dòng người xuôi ngược, nhưng bức ảnh lại cho thấy giao thông TP.HCM hỗn loạn trong lúc đó. “Nhiều nhà báo quốc tế đến chia sẻ với tôi rằng họ thấy bức ảnh này rất lạ. Nó tạo cho họ cảm giác giao thông xe máy Việt Nam hỗn loạn và dường như mất kiểm soát” - Nguyễn Minh Tân chia sẻ. Trước đây, nhiếp ảnh Việt Nam thường được trao giải quốc tế với những hình ảnh độc, lạ như cầu khỉ, áo dài nón lá, đồi cát, người dân tộc thiểu số... Giờ đây, có lẽ một hình ảnh khác có thể gây ngạc nhiên cho người nước ngoài là... tình trạng giao thông (!). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận