Nghe qua có vẻ như than vãn cho “số phận” đất nước này khi mà nạn tham nhũng cứ liên tục từ trào tổng thống tiên khởi của Hàn Quốc là Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) cho đến tận trào bà Park Geun Hye.
Thật vậy, từ trào tổng thống “lập quốc” là Lý Thừa Vãn đến tháng 4-1960 đã phải cuốn gói bay sang Honolulu lưu vong, ngoại trừ mỗi tổng thống Park Chung Hee, cha đẻ của bà Park Geun Hye, bị ám sát năm 1979, thì các trào tổng thống sau đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp với nạn tham nhũng.
Các ông Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo đều bị án tù vì tham nhũng. Đến trào Kim Young Sam, tuy “sạch” hơn song vẫn bị hoen ố bởi cậu con trai.
Ngay cả vị tổng thống nổi tiếng suốt đời đấu tranh cho dân chủ là Kim Dae Jung (Kim Đại Trọng), giải Nobel hòa bình năm 2000, đến cuối trào cũng thân bại danh liệt vì hai cậu con trai.
Người kế nhiệm là Roh Moo Hyun đã phải từ chức vì mối quan hệ của người anh với các tỉ phú, thậm chí đã phải gieo mình xuống khe núi tự vẫn năm 2009! Người tiền nhiệm của bà Park Geun Hye là ông Lee Myung Bak cũng bị mang tiếng vì người anh của mình.
Đến lượt bà Park Geun Hye vì liên can với cô bạn cố tri.
Quả là cái danh sách “thân bại danh liệt” đó khốc liệt thật, không chừa một trào tổng thống nào!
Đến nỗi tháng 11 năm ngoái khi loan tin bà Park Geun Hye bị cáo buộc, BBC ngày 24-11 đã “bình thản” chạy tít “Tại sao vụ tai tiếng tham nhũng ở Hàn Quốc chẳng có gì mới mẻ cả?”, hàm ý chuyện tham nhũng ở thượng tầng tại Hàn Quốc là “chuyện dài nhiều tập” rồi!
Liệu tham nhũng là một “tai trời ách nước” không tài nào thoát khỏi?
Không! Cho dù cái danh sách ô nhục đó có dài “từ A đến Z”, từ trào này sang trào khác, song cũng có một “số kiếp” song song: tất cả đều bị phanh phui và trừng trị, không chừa một ai! Tức chẳng có “số kiếp” hay “mệnh trời” nào cả, trái lại có một điều gì đó trị được... ngay “đời này”!
Điều đó, ở Hàn Quốc, chính là Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp, một định chế được tuyên cáo hầu như toàn cầu, và nhất là tinh thần tôn trọng, bảo vệ Hiến pháp và thực thi luật pháp đã cắm rễ thật sâu.
Phát biểu của nữ chánh án Lee Jung Mi cho thấy thực tế đó: “Những hành động vi phạm Hiến pháp và pháp luật của bị đơn đã phản bội niềm tin của công chúng... Bởi thế sau đây, bằng một quyết định nhất trí toàn thể, chúng tôi đưa ra một bản án: Chúng tôi cách chức bị đơn, Tổng thống Park Geun Hye”.
Tôn trọng Hiến pháp và tuân thủ luật pháp đồng nghĩa với tôn trọng người dân, và ngược lại. Bà Park Geun Hye khi làm ngơ bạn thân của mình cùng giới tài phiệt, đã chà đạp Hiến pháp cùng niềm tin của người dân mà cách đây hơn bốn năm đã dành cho bà khi nghe lời hứa đem đến “một kỷ nguyên mới đầy hi vọng và hạnh phúc” qua một chính quyền “đáng tin cậy, sạch sẽ, có năng lực...”.
Trong một góc nhìn nào đó, thật ra, việc bà Park Geun Hye trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị phế truất cũng có ý nghĩa tích cực: thay vì đợi đến hết nhiệm kỳ mới phanh phui, lần này xử lý ngay, tức tư pháp trên hết.
Điều này giải thích điều mà có tác giả đã mô tả: “Tất cả điều đó đã xảy ra tại một đất nước mà ta có thể bỏ quên trên bàn một cái ví dày cộm mà không sợ mất; bỏ quên máy chụp hình ở nơi công cộng mà chẳng phải băn khoăn khi quay lại có còn đó hay không hoặc có được cất giùm hay không”.
Dường như người dân xứ Hàn “trưởng thành” hơn chính giới, và đó chính là phước lớn cho dân xứ này, vì vụ việc này sẽ nhắc nhở các lãnh đạo tương lai đừng đánh đổ niềm tin của dân chúng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận