Khán giả đến với nhà thi đấu Phú Thọ đã dành những lời cổ vũ ấy cho các VĐV cao tuổi của giải đấu, khi được chứng kiến một cảnh tượng hiếm gặp: các cụ ông ở tuổi lục tuần lần lượt bước lên sàn đấu và phô diễn... cơ bắp.
Tập thể hình chống trầm uất và tiểu đường
Đó không phải là một màn trình diễn mang tính vui nhộn, mà là một nội dung thi đấu hẳn hoi đã tồn tại nhiều năm ở Giải thể hình và fitness châu Á. Chỉ có vỏn vẹn sáu VĐV tham dự nội dung này ở giải năm nay, chia đều ở hai độ tuổi 55-60 và trên 60, nhưng tất cả đã mang lại một sắc thái riêng biệt cho giải đấu.
Ông Rajendra Kumar Saxena - doanh nhân người Ấn Độ, năm nay 62 tuổi - tham dự giải đấu lần thứ 2 trong đời. Già dặn tuổi đời nhưng rất non kinh nghiệm, ông Kumar chưa từng là một VĐV chuyên nghiệp và chỉ đến với thể hình từ ba năm nay. Lý giải cho sở thích “hồi xuân” của mình, VĐV 62 tuổi này cho biết ông vốn là người gắn bó với gia đình, khi con trai út ra ở riêng để lập gia đình, ông cảm thấy rất buồn và bị trầm uất. Để chấm dứt điều này, ông Kumar đi tập thể hình để tìm kiếm niềm vui. Liên tục tham gia những giải đấu toàn quốc, châu Á bằng kinh phí tự túc, người đàn ông Ấn Độ này xây dựng được cho mình một niềm vui mới của cuộc sống.
Nhưng tinh thần không phải là mặt tích cực duy nhất mà ông Kumar đạt được khi đến với thể hình. Có một thân hình khá “đồ sộ” so với một VĐV thể hình thực thụ, người đàn ông Ấn Độ này cho biết việc tập thể hình đã chấm dứt những nguy cơ mắc một căn bệnh điển hình của người dân đất nước ông là bệnh tiểu đường (Ấn Độ hiện có đến hơn 61 triệu người bị tiểu đường).
Ngoài chuyện bồi dưỡng sức khỏe, cơ bắp, chính thói quen ăn kiêng của những người tập thể hình đã giúp VĐV người Ấn Độ Rajendra Kumar Saxena thay đổi cách sống. Ai cũng biết người Ấn thường sử dụng nhiều gia vị cho bữa ăn và thể hình thì hoàn toàn ngược lại. Việc rèn luyện thể hình, tham dự các giải đấu lão tướng trở thành động cơ thúc đẩy ông Kumar thay đổi thói quen ăn nhiều chất béo. Theo lời ông, nhờ có chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý, ông hoàn toàn miễn nhiễm với mọi loại bệnh tật ở tuổi ngoài 60.
Cũng như ông Kumar, VĐV Bijay Choudhury, giảng viên người Ấn Độ, coi thể hình là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Năm nay đã 63 tuổi, ông Bijay có vẻ ngoài như một người đàn ông tuổi trung niên.
“Cái gì đẹp thì khoe thôi”
Khác với hai đối thủ người Ấn Độ, ông Lý Tô Hà, VĐV chủ nhà VN đồng thời cũng là người lớn tuổi nhất giải đấu, lại là dân thể hình chuyên nghiệp. Phải giã từ môn thể thao yêu thích khi mới 20 tuổi vì lý do sinh nhai, mãi đến những năm cuối thập niên 1980 ông Tô Hà mới quay lại với thể hình và là một trong những người đầu tiên xây dựng phong trào tập thể hình ở TP.HCM. Đang sở hữu hai phòng tập ở quận 11, hầu như cả gia đình ông Lý Tô Hà đều làm việc trong bộ môn thể hình.
Năm nay 67 tuổi, ông Hà là người dày dạn kinh nghiệm trong việc tham dự các giải đấu thể hình ở nội dung lão tướng. Từng đứng hạng 4 ở giải thể hình châu Á lần đầu VN đăng cai vào năm 1998 và giành HCV các giải toàn quốc liên tục từ năm 1997-2006, ông Hà đã định giải nghệ hẳn khi bước sang sinh nhật 60 tuổi. Dù vậy, việc TP.HCM lần thứ 2 đăng cai Giải đấu thể hình và fitness châu Á năm nay khiến ông thấy “ngứa ngáy” và quyết định dự thi đấu thêm lần nữa, với tham vọng giành một tấm huy chương tầm cỡ châu lục.
Khi được hỏi ông có ngại ngùng khi phô diễn cơ thể trước mặt con cháu, ông Hà cười đáp: “Cái gì đẹp thì khoe thôi”.
[box]Chủ nhà nhất toàn đoàn
Trong ngày thi đấu cuối cùng (1-9) của Giải vô địch thể dục thể hình và fitness châu Á 2013, VĐV Lê Bá Trang đã giành thêm một tấm HCV nữa ở nội dung nam cổ điển 170cm+3kg cho đoàn Việt Nam. Đó cũng là tấm HCV thứ 10 của đoàn chủ nhà ở giải đấu năm nay. Với kết quả này, đoàn Việt Nam xếp hạng nhất toàn đoàn với 10 HCV, 11 HCB và 8 HCĐ. Đoàn Thái Lan và Ấn Độ lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận