01/03/2013 07:00 GMT+7

Khi những công ty kỹ xảo sụp đổ

PHAN XI NÊ
PHAN XI NÊ

TT - Bất ngờ lớn nhất tại lễ trao giải Oscar vừa qua không phải việc Lý An đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, hay Argo đoạt giải phim hay nhất.

Khi những công ty kỹ xảo sụp đổ

TT - Bất ngờ lớn nhất tại lễ trao giải Oscar vừa qua không phải việc Lý An đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, hay Argo đoạt giải phim hay nhất.

Đó chính là một sự kiện khán giả không được chứng kiến qua màn ảnh truyền hình trực tiếp.

NEy5a18r.jpgPhóng to
Một cảnh hậu trường phim Cuộc đời của Pi - Ảnh: thestar.com

Ðó là cuộc biểu tình ngay bên ngoài nhà hát Dolby của những người góp phần đem đến bốn giải Oscar cho Cuộc đời của Pi - những người làm kỹ xảo vừa được biết số phận của họ cách đây hai tuần khi công ty chuyên về kỹ xảo Rhythm & Hues tuyên bố phá sản.

Khó ai có thể ngờ nổi những công ty kỹ xảo của Hollywood lại chẳng ăn nên làm ra!

"Tôi thấy thật mỉa mai..."

Cuộc biểu tình của hơn 500 người - không chỉ có những người thuộc Công ty Rhythm & Hues, mà cả những người làm kỹ xảo khác - ở đại lộ Hollywood vào chiều tối 24-2 cho thấy ngay cả khi những phim ăn khách nhất mọi thời đại toàn những phim phụ thuộc vào kỹ xảo điện ảnh, thu về hàng tỉ USD doanh thu phòng vé, thì các công ty kỹ xảo của Hollywood vẫn phá sản.

Trước Rhythm & Hues (công ty đảm nhận kỹ xảo cho bộ phim Cuộc đời của Pi, Bạch Tuyết và thợ săn, Django unchained, từng đoạt giải Oscar với các phim Chú heo chăn cừu Babe, Golden compass) vừa tuyên bố phá sản hôm 11-2, đã có hơn nửa tá công ty kỹ xảo khác ở California phải đóng cửa trong vài năm gần đây vì cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa khốc liệt.

Ngay cả Công ty kỹ xảo danh tiếng Digital Domain - do chính đạo diễn James Cameron sáng lập, từng đảm nhận kỹ xảo cho bộ phim Titanic - cũng tuyên bố phá sản hồi năm ngoái.

Làn sóng biểu tình bên ngoài nhà hát Dolby nhanh chóng biến thành cơn thịnh nộ trên mạng xã hội sau khi bài phát biểu của chuyên viên cố vấn kỹ xảo Bill Westenhofer lên nhận giải kỹ xảo xuất sắc nhất cho Cuộc đời của Pi bị cắt ngang giữa chừng khi ông vừa nhắc đến vấn đề của Rhythm & Hues. Ở hậu trường, ông trả lời phỏng vấn báo chí về điều ông định nói: "Tôi thấy thật mỉa mai khi mà vào thời điểm các phim nặng về kỹ xảo thống trị phòng vé thì các công ty kỹ xảo lại gặp khó khăn".

Ðáng buồn hơn, đạo diễn Lý An, trong bài phát biểu nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất, đã không nhắc gì đến những người làm kỹ xảo, khi mà bộ phim Cuộc đời của Pi hoàn toàn là một phim nặng về kỹ xảo. Bruce Branit - nghệ sĩ kỹ xảo danh tiếng ở Hollywood - đã tức giận đăng trên Facebook của ông lời chỉ trích Lý An: "...Lý An cảm ơn đoàn phim, diễn viên, người quản lý, luật sư và cả Ðài Loan cùng với đội xây cái hồ tạo sóng chỗ quay phim Pi. Thế nhưng không hề đoái hoài gì đến hơn 100 nghệ sĩ không chỉ tạo nên nhân vật chính là con hổ, mà còn thay cái hồ đó để nó trông giống hệt đại dương thật trong suốt 80% bộ phim của ông".

Ai bảo vệ tương lai của những người làm kỹ xảo?

Hiện tượng "câu chuyện màu xanh" xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội và chia sẻ tại Việt Nam trong vài ngày qua, đặc biệt là với những người có mối quan tâm đến điện ảnh, những nghệ sĩ đồ họa, thực hiện kỹ xảo phim hoặc thậm chí là những nghệ sĩ tự do đang hoạt động tại Việt Nam. Trang Facebook mang tên VFX Solidarity International (Visual Effects: hiệu ứng kỹ xảo) đã thu hút gần 55.000 người - phần lớn là nghệ sĩ - cùng hàng triệu chia sẻ với biểu tượng phông xanh lá - phông màu trước khi thực hiện kỹ xảo - kể từ ngày ra mắt vào ngày 11-2. M.Trang

Một chiến dịch nhằm cất tiếng nói bảo vệ cho người làm kỹ xảo đã được phát động trên các mạng xã hội, khi mà những người tham gia chiến dịch sẽ đổi hình đại diện của họ thành một khung hình xanh - bởi nếu không có những chuyên viên kỹ xảo, tất cả những gì bạn thấy trên màn ảnh chỉ là những bức phông xanh.

"Kỹ xảo không phải thứ được làm bởi những người bấm nút. Chúng tôi là những nghệ sĩ đóng góp sự sáng tạo của mình vào những tác phẩm điện ảnh, và nếu chúng ta không tìm kiếm cách sửa chữa mô hình kinh doanh của nghề này, chúng ta sẽ có thể mất dần đi tính nghệ thuật" - ông Westenhofer nói.

"Rhythm & Hues là một tượng đài lớn, nhiều bạn trẻ rất ngưỡng mộ và khao khát được làm việc tại đây. Với những người mới, đây là một cú sốc lớn. Chứng kiến một trong những công ty hàng đầu của nền công nghiệp này đi xuống sẽ khiến nhiều người suy sụp - Rachel Campbell, một người làm kỹ xảo có tiếng tại Rhythm & Hues, nhận xét - Hollywood luôn tìm kiếm những đối tác nước ngoài rẻ mạt hơn. Chúng tôi đem đến Oscar cho họ, còn họ đẩy chúng tôi ra đường".

Nhiều nhà chuyên môn nhận định đây chỉ là câu chuyện "cá lớn nuốt cá bé" của Hollywood, và sẽ không có gì thay đổi để có thể bảo vệ tương lai của những người làm kỹ xảo ở Hollywood, nếu không nói tình hình có thể sẽ tệ hơn với họ khi mà trong thời gian tới sẽ có nhiều phim Hollywood có kỹ xảo "made in China" (hàng Trung Quốc), hoặc Ấn Ðộ, Anh, Canada - những quốc gia đang cạnh tranh với Mỹ trong việcgiảm giá làm kỹ xảo.

Hãng Dreamworks Animation vừa sa thải vài trăm nhân viên kỹ xảo của mình, cùng lúc với việc hợp tác làm Kung Fu Panda 3 với Trung Quốc. Nhiều hãng phim Hollywood bắt đầu đưa chuyên viên cao cấp của họ sang Trung Quốc, Ấn Ðộ để đào tạo nguồn nhân lực tại đây, nhằm mở rộng việc hợp tác sản xuất, giúp giảm giá thành nhân lực cũng như thuế trong chi phí làm phim.

PHAN XI NÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên