03/06/2014 12:40 GMT+7

Khi nhìn thấy những chỉ số "không bình thường"

BS ĐIỀN HÒA LỄ
BS ĐIỀN HÒA LỄ

TT - Có nên làm xét nghiệm tổng quát trước khi đến bác sĩ? Tại sao xét nghiệm tổng quát bình thường nhưng vẫn bệnh?

Tại sao và tại sao... là những câu hỏi thường gặp của người bệnh và thân nhân. Hi vọng những giải thích sau đây phần nào sẽ giúp người bệnh hiểu vai trò của xét nghiệm để biết nên làm gì khi chẳng may mắc bệnh.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ phải qua các bước:

1- Hỏi bệnh nhân về những triệu chứng đang làm người bệnh khó chịu (từ chuyên môn gọi là khai thác bệnh sử).

2- Khám bệnh để có thể phát hiện những bất thường.

3- Định hướng chẩn đoán.

4- Cho làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Trong một số trường hợp, chỉ cần thông qua bước 1 và 2 tức hỏi và khám, bác sĩ đã có thể chẩn đoán được bệnh mà không cần làm xét nghiệm. Trong một số trường hợp khác tùy theo hướng chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho làm một hoặc một số xét nghiệm cần thiết. Ví dụ sau khi hỏi và khám bệnh bác sĩ chẩn đoán viêm họng hoặc viêm phế quản thì có thể điều trị ngay mà không cần xét nghiệm hoặc cho xét nghiệm tối thiểu tùy theo nhận định và kinh nghiệm. Với những trường hợp khó hoặc đặc biệt, bác sĩ cần làm nhiều xét nghiệm, trong đó có thể cần đến xét nghiệm kỹ thuật cao và chuyên sâu, thậm chí phải làm đi làm lại nhiều lần.

“Xét nghiệm tổng quát” chỉ có một ý nghĩa rất “tổng quát”, hoàn toàn tùy thuộc... phòng xét nghiệm! Nguyên nhân là có những xét nghiệm không cần thiết cho chẩn đoán trong khi thiếu cái cần cho chẩn đoán. Ngoài ra, có những bệnh biểu hiện bằng những cơn đau tự khỏi như nhức nửa đầu thì không có xét nghiệm nào để chẩn đoán. Một dạng bệnh khác biểu hiện bằng rất nhiều triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, khó thở, nặng ngực, không thèm ăn, không thèm... đủ thứ nhưng làm đủ thứ xét nghiệm cũng đều bình thường. Đó là bệnh trầm cảm.

Phân tích kết quả xét nghiệm là việc của bác sĩ vì có nhiều thông số phức tạp, sự tăng hay giảm, sự dương hay âm tính của những chỉ số sẽ mang ý nghĩa riêng cho từng cá thể với những bệnh lý kèm theo. Do đó người bệnh đừng nên tự làm khổ mình khi nhìn thấy những chỉ số “không bình thường”. Cũng đừng làm khổ và gây “bực mình” cho bác sĩ khi buộc bác sĩ phải giải thích từng thông số “không bình thường” đó. Người bệnh chỉ nên nghe kết quả cuối cùng với những dặn dò của bác sĩ và chỉ nên hỏi những gì chưa rõ về những điều cần làm và không nên làm.

Như vậy, nếu chẳng may mắc bệnh thì nơi cần đến đầu tiên là bác sĩ chứ không phải phòng xét nghiệm.

BS ĐIỀN HÒA LỄ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên