15/07/2013 15:40 GMT+7

Khi nhà bán lẻ chú trọng chiến dịch marketing "xanh"

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TTO - Nhà bán lẻ lớn thứ hai thế giới của Thụy Điển Hennes & Mauritz (H&M) vừa tung ra mô hình kinh doanh thông minh, với kế hoạch marketing "xanh" cắt giảm chất thải trong ngành công nghiệp thời trang nhanh.

NL0gbjJl.jpgPhóng to
Một cửa hàng H&M ở Miami, bang Florida, Mỹ - Ảnh: Business Week

Không dễ dàng để một hãng thời trang áp dụng phương cách kinh doanh thân thiện với môi trường mà vẫn sinh được lợi nhuận. H&M giảm giá cho khách mua hàng đổi quần áo cũ của mình tại các cửa hàng của hãng để lấy sản phẩm mới.

Sáng kiến này bắt đầu vào tháng 2-2013 tại 269 địa điểm ở Mỹ cũng như 48 thị trường trên toàn cầu và sẽ áp dụng cho toàn hệ thống 2.900 cửa hàng H&M trên toàn cầu từ nay đến cuối năm.

Người phát ngôn H&M Marybeth Schmitt cho biết: "Chúng tôi tin rằng chương trình này sẽ thực sự có tác động tới việc giảm thiểu lượng quần áo phế thải”.

H&M không phải là hãng thời trang duy nhất đang trong lộ trình "xanh hóa" mô hình hoạt động và hỗ trợ các bộ sưu tập thời trang mới H&M Conscious. Nhà bán lẻ ở châu Âu Marks & Spencer (M&S) đã bắt đầu chương trình tái chế của họ từ đầu năm 2012, hay Levis giới thiệu các sản phẩm mới làm từ nguyên liệu rác thải, chai nhựa trong bộ sưu tập Levis new Waste Less.

Nike và Gap cũng tổ chức các chương trình phát triển bền vững trong sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, Patagonia từ lâu đã hỗ trợ các nhà cung cấp một hệ sinh thái nhỏ thân thiện môi trường.

Cụ thể, trên website của mình, H&M chi nhánh Thụy Điển tuyên bố sẽ giảm 7,7 USD cho mỗi hóa đơn trên 45 USD, nếu khách hàng đem các túi quần áo cũ thuộc bất kỳ thương hiệu nào đến đổi tại H&M. Còn trên website cửa hàng ở Mỹ, H&M sẽ tặng voucher giảm giá 15%/sản phẩm khi khách đem đến đổi các túi đồ ngủ và đồ lót cũ của mình, với mức giới hạn 2 voucher/ngày/khách.

Tại các cửa hàng ở London, khách hàng đổi đồ cũ và chỉ cần chi 60 USD cho một chiếc quần jean skinny và sản phẩm thuộc nhãn hiệu đồ lót David Beckham của H&M.

Để giải quyết số quần áo cũ này, H&M sẽ bán với giá ưu đãi hơn nữa. Trước đó, H&M sẽ làm việc với tổ chức độc quyền Global Green USA và đối tác I:Collect sẽ xử lý lại như mới trước khi đem ra bán trở lại.

Nói cách khác, H&M không giảm giá vượt quá 17%. Đây là một con số đáng khen ngợi, nhưng cũng không quá hào phóng đối với một công ty có hệ số biên lợi nhuận gộp (hệ số tổng lợi nhuận hoặc tỉ lệ lãi gộp) thường xuyên nằm trong khoảng 60% và tỉ suất lợi nhuận ròng khoảng 15%.

H&M nhấn mạnh doanh thu từ các sản phẩm đem đổi sẽ được sử dụng để bù vào phần thu nhập tổng thể, nhưng họ cũng sẽ tặng lại cho các tổ chức địa phương và các nhóm hoạt động tái chế. Đổi lại, khách hàng của H&M sẽ cảm nhận được đạo đức kinh doanh mua sắm tại chuỗi cửa hàng bán lẻ trên.

H&M gần đây cũng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ràng buộc pháp lý để cải thiện an toàn lao động tại các nhà máy sản xuất của mình ở Bangladesh.

Cũng trong tháng 2-2013, H&M công bố kế hoạch hợp tác với Liên đoàn Bảo tồn cuộc sống hoang dã thế giới (World Wildlife Federation) để nâng cao chất lượng của các nguồn nước trên toàn cầu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Giám đốc bền vững H&M Henrik Lampa nói với Bloomberg: "Chúng tôi không muốn quần áo trở thành chất thải, thay vào đó muốn biến chúng trở thành nguồn tài nguyên thay thế thực sự. Từ nay đến thời điểm đưa ra báo cáo doanh thu tiếp theo, H&M có thể đưa các số liệu về quần áo cũ vào doanh thu tổng. Nếu các chương trình tái chế được tính toán chính xác, nó có thể giúp doanh thu cửa hàng H&M khởi sắc hơn".

Trước đó con số này đã giảm khoảng 4% trong 3 tháng, tính đến tháng 5-2013.

(Theo Business Week)

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên