10/11/2024 09:09 GMT+7

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 2: Sống ở cái nôi của người tối giản

AN VI
và 1 tác giả khác

Nhật Bản là đất nước thường bị thảm họa thiên nhiên, và lối sống tối giản được cho là bắt nguồn từ xứ sở mặt trời mọc này.

Kỳ 2: Sống ở cái nôi của người tối giản - Ảnh 1.

Phòng thuê của anh Hoàng ở Nhật đơn giản và gọn gàng khi đồ đạc đều là thứ thật cần thiết - Ảnh: NVCC

Nhiều người có thời gian sống ở Nhật nhận ra sống tối giản không phải là điều gì đó phức tạp, mà đơn thuần là sự thay đổi chính mình để cuộc sống trở nên đơn giản và hạnh phúc hơn.

Ảnh hưởng sâu từ người Nhật

Từng có thời gian 5 năm du học và làm việc tại các thành phố Nagoya, Osaka và Fukuoka, Nhật Bản, chị Trần Thị Phương Thảo (41 tuổi) thừa nhận khi ở Việt Nam chưa từng biết sống tối giản là gì nên cũng không mấy quan tâm.

Thời điểm đó, chị Thảo vẫn có cả chục đôi giày, hàng chục bộ quần áo mà đa phần đều chỉ dùng vài lần rồi vứt xó. Sang Nhật năm 2004, chị bắt đầu được truyền cảm hứng bởi cách làm việc đúng giờ, sống kỷ luật, chỉn chu và đơn giản của người Nhật.

"Tôi quan sát đồng nghiệp, sếp và cảm nhận môi trường sống xung quanh rồi biến nó thành lối sống của riêng mình, chứ không hẳn theo trào lưu hay vì muốn được thể hiện", chị cho biết.

Quyết định thay đổi, chị Thảo bắt đầu bằng việc tinh gọn không gian sống. Theo chị, đa phần nhà người Nhật ở các thành phố lớn đều nhỏ nên bài trí đơn giản. Khi đó phòng của cô gái Việt du học này chỉ có chiếc nệm xếp và góc bàn làm việc với vài món đồ.

Là phụ nữ, nhưng hiện tại đồ đạc các thứ của chị Thảo chỉ đâu đó khoảng 30 món cùng ba đôi giày. Ngoài ra, chị cũng học được cách ăn uống đơn giản của người Nhật, cách tinh gọn mối quan hệ và đặc biệt là tối giản từ trong suy nghĩ.

Nhớ lại ban đầu, chị bảo chẳng dễ gì thích nghi. "Nhất là chuyện thanh lọc đồ đạc, mình mua cũng toàn là đồ tốt, nhưng thật sự không dùng tới nhiều, cho thì tiếc mà không cho thì chật chội. Chưa kể tâm lý con gái, sợ không ít người nhìn vào đánh giá sao có mấy bộ đồ mà mặc đi mặc lại hoài", chị nói.

Và rồi chị Thảo giải đáp được thắc mắc đó khi nhận ra thích quần áo đơn giản với màu trung tính, dễ phối. Nhưng đó đều là đồ chất lượng, mặc vài năm mà hầu như vẫn còn đẹp, xài tốt như lúc mới mua, chẳng hề phai màu hay hỏng form dáng.

Học hỏi theo, chị bắt đầu chọn những bộ đồ dù đắt tiền song chất lượng tốt, ứng dụng cao, xài bền, thay vì mua đồ rẻ rồi nhanh hỏng. Và mỗi lần đứng trước một món đồ muốn mua, chị Thảo sẽ tự hỏi mình xem có cần dùng nhiều hay ít, nếu không mua thì có ảnh hưởng gì không.

"Tôi chẳng còn tự hào khi có nhiều quần áo, mà thấy vui hơn khi chỉ với số lượng quần áo nhất định nhưng vẫn phối được nhiều kiểu".

Dung hòa tối giản và tiết kiệm

Tương tự, anh Nguyễn Huy Hoàng (27 tuổi) cũng cho hay khi đi mua sắm luôn cân nhắc xem thật sự cần không.

"Đôi khi thấy đồ mình thích thì cũng đấu tranh tâm lý lắm, cầm lên đặt xuống 3 - 4 lần, suy nghĩ xem nó có hữu ích, sử dụng lâu dài được không. Nếu chỉ vì thích chứ không cần thì sẽ không mua. Việc này giúp tôi tiết kiệm, đỡ phải mua về để đó một thời gian rồi vứt đi, cũng đỡ tốn thời gian lọc đồ thừa", chàng trai đang làm quản lý công trình của một công ty điện tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết.

Anh Hoàng đơn giản cuộc sống từ năm 2020, sau gần một năm sống tại Nhật. Là người quen mua sắm, tích trữ, nên khi bắt đầu lối sống mới, điều khó khăn nhất với anh chính là bỏ hết những món đồ ít hoặc không sử dụng đến.

"Mình phải mất nhiều thời gian mới vứt được đồ đi, nhất là những thứ liên quan đến kỷ niệm, gắn bó với mình khá lâu", anh tâm sự. Anh Hoàng dung hòa 50 - 50 giữa tối giản và tiết kiệm.

"Chỉ mua đồ cần dùng, tôi không săn sale, cũng chẳng mua quá đắt tiền, nhưng chất lượng phải khá", anh cho biết.

Quần áo của anh Hoàng chỉ hai màu trắng và đen, phối xen kẽ qua lại để khỏi nghĩ ngợi nhiều. Giày một đôi đi chơi, đôi còn lại dành chạy bộ. Nhiều bữa chính của anh thường chỉ một túi salad.

Anh đang sống trong phòng thuê tại Tokyo, khá đơn giản khi không bài trí gì, chỉ để những vật dụng cần thiết, thêm mấy quyển sách.

"Mỗi tuần mình dành một ngày sắp xếp, lọc lại xem chỗ ở có thừa đồ gì không", anh nói. Hồi mới thay đổi cách sống, người quen nhìn vào bảo anh Hoàng dị hợm khi đa phần đang sống trong thế giới hướng đến sự tiêu dùng, còn anh đi ngược lại.

Và giờ đây cách sống của anh còn tác động tới đồng nghiệp khi người này cũng đem vứt kha khá số quần áo chất đống trong tủ mà chẳng mấy khi mặc.

Hãy tối giản nếu thấy hạnh phúc

Mấy năm nay, anh Hoàng nhận thấy mình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi chẳng cần suy nghĩ về quần áo, giày dép, phụ kiện để đỡ... đau đầu trong việc chọn hôm nay mặc gì, theo xu hướng nào, hay phải mua đồ sao để tổng thể hợp với nhau.

Chàng trai quê Thái Nguyên cũng thay đổi cả cách suy nghĩ. "Mình ít lướt Facebook hơn, thay vào đó là tập trung những việc giúp bản thân phát triển", anh nói.

Tối giản và tiết kiệm trong việc mua sắm vật dụng, song anh Hoàng không ngại chi tiền đầu tư kiến thức, kỹ năng cho bản thân. "Đối với việc mua sách, các khóa học để tăng kỹ năng, hiểu biết thì tôi không cần cân nhắc. Tôi nghĩ đầu tư vào việc học thêm này nọ để bản thân phát triển thì chẳng có gì phải lăn tăn", anh chia sẻ.

Cùng cảm nhận, chị Thảo cho hay từ ngày tiếp cận lối sống tối giản của người Nhật, chị thấy mình tiết kiệm chi phí, không gian, thời gian, có thể dùng thời gian và tiền tiết kiệm đó làm chuyện khác như tích lũy, đầu tư...

Ngoài ra, cách sắp xếp không gian sống cũng được chị áp dụng đến nay. Nhìn vào phòng của chị ở Việt Nam lúc này, mọi thứ đều hệt như sống ở Nhật khi trước, rất gọn gàng và ngăn nắp.

Chia sẻ thêm, chị Thảo giơ ra chiếc laptop đã dùng cẩn thận tận 10 năm, không phải mua máy mới vì hư hay chạy theo công nghệ, đỡ được kha khá tiền.

Gần 20 năm áp dụng lối sống tối giản, chị Thảo đánh giá đây không phải điều gì phức tạp, mà chỉ giúp mình thuận tiện, hạnh phúc hơn.

"Nhiều người áp dụng cách sống tối giản khá cực đoan. Nếu một lối sống mà đem lại sự bất tiện, khiến người khác phải phiền hà, bản thân người áp dụng không cảm thấy hạnh phúc thì đó không phải là tối giản", chị chia sẻ.

Giới trẻ thế giới từ "xài bạt mạng" chuyển sang tối giản

Kỳ 2: Sống ở cái nôi của người tối giản - Ảnh 2.

Chị Thảo và chiếc laptop đã dùng 10 năm của mình - Ảnh: AN VI

Gần đây, xu hướng tiêu dùng tối giản (underconsumption), có gì xài nấy đang nổi lên trong giới trẻ khắp thế giới, từ các nước ở châu Mỹ cho tới châu Á.

Trong bối cảnh lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng, tối giản là cách mà nhiều người chọn lựa nhằm thúc đẩy lối sống tái sử dụng, tiết kiệm, ưu tiên chất lượng hơn số lượng, đồng thời sống thân thiện môi trường.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Seshan Ramaswami (Đại học Quản lý Singapore) cho rằng xu hướng tiêu dùng tối giản có thể gây hại cho các nhà bán lẻ vì lợi nhuận của họ gắn chặt với chi tiêu của người tiêu dùng.

Song xu hướng này cũng có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh khác. Các công ty tham gia lĩnh vực sửa chữa hàng cũ, phụ tùng thay thế và các sản phẩm tự làm có thể hưởng lợi từ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Đừng nhầm giữa tối giản và bủn xỉn

Tự nhận mình học theo lối sống tối giản, thanh lọc đồ đạc, song thực tế cách tối giản của Phương Nam (ở quận 7, TP.HCM) là... mượn đồ người khác để sử dụng, còn đồ mình thì bán lấy tiền tiêu xài.

Nam ăn uống rất ít và cũng chỉ mua đồ ăn sale, bạn cùng phòng trọ hầu như chẳng thấy anh mua thực phẩm gì vượt quá 100.000 đồng.

Đến chiếc quạt trong phòng, Nam cũng tranh thủ lúc bạn đi học để mượn dùng. Những lần hiếm hoi ra ngoài chơi, anh mượn áo khoác, giày dép của bạn dù luôn nói chỉ thích ăn mặc đơn giản.

__________________________________________________

Không hẳn cứ vứt đồ là hạnh phúc, người chọn đơn giản hóa cuộc sống chỉ nhận ra niềm vui khi chi tiêu hợp lý, biết đủ, hiểu những gì là cần thiết với mình, và quan trọng là thoải mái chứ không phải gượng ép, bó buộc bản thân.

Kỳ 3: Sống tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 2: Sống ở cái nôi của người tối giản - Ảnh 3.Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy

Họ chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết phục vụ cuộc sống, có người còn tối giản trong suy nghĩ, trong mối quan hệ xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên