11/11/2024 11:48 GMT+7

Khi người trẻ sống tối giản - Kỳ 3: Tập tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa

AN VI
và 1 tác giả khác

Không hẳn cứ vứt đồ là hạnh phúc, người chọn đơn giản hóa cuộc sống chỉ nhận ra niềm vui khi chi tiêu hợp lý, biết đủ, hiểu những gì là cần thiết với mình. Và quan trọng là thoải mái chứ không phải gượng ép, bó buộc bản thân.

Khi người trẻ sống tối giản - Kỳ 3: Tập tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa - Ảnh 1.

Phòng của anh Phúc Thịnh chỉ còn vài món đồ sau khi theo phong cách sống tối giản - Ảnh: NVCC

Sống tối giản: Sở hữu vật chất vừa đủ dùng

Nhiều người cho hay cảm thấy nhẹ nhàng hơn từ khi tối giản cuộc sống. Ngoài tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tâm trí cũng trở nên nhẹ nhõm, nhà cửa trông đỡ ngột ngạt.

Song không ít người trẻ rơi vào trường hợp "con tim không nghe lý trí" khi mua sắm những thứ mà chẳng biết có dùng không, sợ bỏ lỡ một món đồ nào đó đang là xu hướng.

Anh Nguyễn Phúc Thịnh (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) giới thiệu nơi mình sống là phòng chung cư mini được bài trí ít đồ. Suốt hai năm qua, anh khẳng định mình sống vui, khỏe và hạnh phúc khi theo đuổi con đường tối giản.

Sống một mình, phòng của Thịnh gần như chẳng trang trí gì, không tủ quần áo, thậm chí tủ lạnh cũng chẳng có, anh chỉ để vài chậu cây nhỏ tạo điểm nhấn. Phòng khách cũng là bếp, bàn phòng khách được tận dụng làm bàn ăn. Vật dụng bếp được sắm đúng nhu cầu mỗi ngày với vài cái chén và chiếc nồi chống dính để nấu nướng, chiên xào.

Không chỉ đồ dùng, chàng trai này tối giản cả từ trong suy nghĩ và thói quen. Thuận không tải quá nhiều ứng dụng ngoài công việc, chiếc smartphone đơn giản chỉ được dùng nghe và gọi.

Nhờ thế, anh đã tối ưu được thời gian của mình. "Không có tivi nên mình đâu tốn thời gian nhiều để xem các chương trình, không tủ lạnh thì đỡ phải mua nhiều đồ ăn chỉ mua đủ dùng trong ngày. Còn ngủ ngay trên đất thì khi lau nhà sẵn lau luôn khu vực này là xong", Thịnh tự tin nói.

Một ngày của anh rất đơn giản. Sau giờ làm, Thịnh nấu món ăn không cầu kỳ, kiểm tra lại công việc, sau đó ngồi đọc thêm vài trang sách rồi trải nệm ra ngủ.

Trước khi áp dụng thành công lối sống này, Thịnh thường lướt web, xem phim sau giờ làm, mất nhiều thời gian cho mua sắm và nấu ăn. Còn giờ đây, mỗi tháng chàng trai 28 tuổi đều đọc được ít nhất hai cuốn sách, có nhiều thời gian gọi về gia đình, thậm chí còn rảnh rỗi tập tạ trong nhà mỗi ngày.

Tương tự, căn phòng của anh Huy Toàn (27 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cũng chỉ đơn giản có một góc để máy tính bàn làm việc, ít bộ quần áo đã mua từ lâu để mặc đi chơi lẫn đi làm, mấy quyển sách và một ít đồ dùng cá nhân.

Với giày, anh cho biết chỉ có hai đôi giày đi chơi và một đôi để đá banh. "Tôi thấy số lượng vậy là đủ, đó là loại tôi thích và cũng xài bền nên không cần mua mới trong thời gian dài", anh đúc kết sau thời gian dài ham rẻ, mua nhiều đồ secondhand rồi chẳng dùng được bao lâu.

Không chỉ vật chất, nhiều năm nay các khía cạnh khác của cuộc sống cũng được anh Toàn thành công tối giản như dành thời gian cho những mối quan hệ thật sự chất lượng. Bên cạnh đó, anh cũng tập thói quen tối giản thông tin tiếp nhận hằng ngày, sắp xếp lại các file, hình ảnh lưu trữ trên máy tính, điện thoại và xóa bỏ những gì không cần thiết.

Khi người trẻ sống tối giản - Kỳ 3: Tập tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa - Ảnh 2.

Anh Huy Toàn sắp xếp lại các dữ liệu trên máy tính và loại bỏ những gì không còn cần thiết - Ảnh: DIỆU QUÍ

Cần tối giản trước từ trong suy nghĩ

Theo chàng trai làm việc trong ngành xây dựng, giảm chi tiêu cho những thứ không cần thiết giúp không gian sống thoáng đãng, tiết kiệm được một khoản tiền hằng tháng, từ đó có thể dùng để đầu tư nhỏ. Ngoài ra cũng hạn chế rơi bẫy nợ thẻ tín dụng.

"Nhìn thấy thứ mình thích, tôi thường không mua ngay mà cố gắng kiềm chế cảm giác muốn thỏa mãn tức thì, vì đôi khi mua không phải sử dụng, mà chỉ để trải nghiệm cảm giác mua sắm. Tôi cũng đánh giá lại vài tiêu chí cần thiết của món đồ mà mình muốn mua sau vài ngày", anh Toàn cho hay.

Còn với anh Thịnh, để cảm nhận sự thoải mái của việc tinh giản nhu cầu sở hữu, trước tiên phải tối giản được suy nghĩ của mình. "Đơn cử như khi lược bỏ đồ đạc, nếu bản thân vẫn còn vướng bận nhiều suy nghĩ, còn tiếc nuối món đồ đó thì tối giản chỉ mang lại cảm giác khó chịu, gò bó. Sống tối giản là tinh gọn để tối ưu cho mình, chứ không phải nhìn ai lược bỏ gì là mình đem ném ra đường hết. Làm vậy là đang sống theo cuộc đời người khác chứ đâu phải cho mình", Thịnh chia sẻ.

Từ khi đồ đạc trong nhà giảm đi, chàng trai này cũng chỉ mất khoảng thời gian ngắn mỗi tuần để dọn nhà, việc dọn dẹp chẳng còn là nỗi ám ảnh như trước. Cảm giác chán nản vì không có gì để mặc cũng đã biến mất trong suy nghĩ của Thịnh từ lâu.

Và điều mà anh tâm đắc nhất sau hai năm sống tối giản là đã bỏ được những suy nghĩ tiêu cực và các mối quan hệ không cần thiết trong cuộc sống.

"Ở trong căn phòng đơn giản, tôi thấy nhẹ nhõm, khả năng sáng tạo cũng tăng lên rõ rệt khi không bị phiền nhiễu bởi các món đồ xung quanh. Tôi lên kế hoạch đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn thay vì chỉ sở hữu vật chất mà mình thực sự không cần tới", Thịnh tâm sự.

Chàng trai trẻ cũng nhấn mạnh mình sống tối giản chứ không hà tiện. Nếu có món đồ nào thực sự yêu thích và cần thiết cho công việc cũng như cuộc sống, Thịnh vẫn sẵn sàng chi tiền mua.

Bỏ đồ cũ nếu… mua đồ mới

Trong khi đó, chị Kim Ngân (ở quận 8) chọn tối giản không hẳn vì tìm thấy niềm vui từ lối sống này, mà chủ yếu cần cắt giảm chi tiêu do thu nhập giảm sút và lười dọn dẹp nhiều đồ đạc.

Cô gái 31 tuổi, làm việc trong ngành marketing, kể mình gặp nhiều trở ngại khi bắt đầu theo lối sống tinh giản đồ đạc hồi hai năm trước. Sống trong thời đại khuyến khích tiêu dùng và không muốn bỏ lỡ xu hướng, chị tự nhận mình từng thích gì mua đó như mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện làm đẹp, đồ trang trí mà không cần quan tâm mua về xài được mấy bữa.

"Có khi mua vậy chứ đem về cất tủ rồi quên luôn việc mình từng mua món đó, hoặc là dùng vài ba hôm, một hai tháng rồi chán lại vứt một góc tới khi hết hạn", chị cho biết. Do vậy mỗi lần dọn dẹp phòng hoặc chuyển nhà là cực hình với Ngân.

Nhiều lần quá mệt mỏi vì tốn thời gian, công sức dọn dẹp, mất tiền cho dịch vụ vận chuyển đồ là cả xe tải nhỏ chở sang nơi ở mới, Ngân mới "dũng cảm" vứt kha khá đồ thừa, trong đó có những thứ trước kia từng thức đêm săn sale chỉ vì… thích, đồng thời dần tiếp cận với những món đồ có nguyên liệu thân thiện môi trường.

Sau khi vượt qua cảm giác khó chịu ban đầu và kiên trì theo đuổi, Ngân thấy căn phòng đỡ ngột ngạt, dọn dẹp cũng đỡ cực.

"Nhưng vì vẫn thích mua đồ nên thỉnh thoảng tôi vẫn mua một vài món đồ mới, đồng nghĩa lúc đó những thứ cũ thấy không cần dùng nữa sẽ "ra đi" để đỡ chiếm diện tích", Ngân nói và tự nhận mình đang tối giản theo kiểu… nửa mùa, tức khi nào mua đồ mới thì bỏ đồ cũ.

Dịch vụ tinh gọn đồ đạc

Để đáp ứng nhu cầu cần sống gọn gàng, đơn giản của nhiều người, các dịch vụ tư vấn dọn tủ quần áo và sắp xếp nhà cửa cũng nhanh chóng ra đời.

Chị Trần Thị Phương Thảo - nhà sáng lập Bestyle Beyou, đơn vị chuyên tư vấn các dịch vụ về phong cách cá nhân và tinh gọn đồ đạc - cho biết dịch vụ giúp khách hàng biết mình phù hợp với những món đồ nào để phối lại một cách tối ưu. Đồng thời thanh lọc, sắp xếp đồ đạc trong tủ quần áo, trên bàn… ngăn nắp và khoa học, tránh mua sắm thừa thãi gây chật chội, lãng phí.

"Hiện ở Việt Nam dịch vụ này còn khá mới. Khách hàng của tôi chủ yếu chỉ mới biết tới dịch vụ sắp xếp tủ đồ chứ chưa biết nhiều đến việc thanh lọc, loại bỏ những món không phù hợp. Nhưng trong tương lai tôi tin sẽ có nhiều người sử dụng bởi nó sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong cách tư duy, sắp xếp cuộc sống và công việc, giúp mọi thứ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn", chị Thảo chia sẻ.

****************

"Đừng hiểu lầm tối giản là keo kiệt chi tiêu để mất động lực làm việc và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xã hội. Tôi nghiệm ra tối giản với mình là xài tiền đúng việc cần thiết và không ngại xài nhiều nếu thật sự đúng".

>> Kỳ tới: Tối giản không phải là hà tiện với bản thân mình

Khi người trẻ sống tối giản - Kỳ 3: Tập tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa - Ảnh 3.Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy

Họ chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết phục vụ cuộc sống, có người còn tối giản trong suy nghĩ, trong mối quan hệ xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên