13/10/2013 11:26 GMT+7

Khi người trẻ bịt tai, chỉ mở miệng

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Từ những lùm xùm gần đây liên quan đến cô bạn “xách balô lên và đi”- Huyền Chip, hay câu chuyện một người cha dắt hai đứa con nhỏ leo đỉnh Phanxipăng vào tháng 7-2013 gây sóng gió dư luận trên mạng lẫn ở thế giới thật... có thể thấy nhiều bạn trẻ vẫn chưa phân biệt được ranh giới giữa tranh luận, phản biện với thóa mạ, hạ nhục người khác.

A3ZhrF8b.jpgPhóng to
Các bạn trẻ tham gia thi đấu tại Trại tranh biện miền Bắc vào tháng 8-2013 ở ĐH FPT Hà Nội - Ảnh: Y2D

Bức tranh về giới trẻ Việt theo đó phần nào bị ảnh hưởng, trở nên xấu xí hơn.

Chuyện bé bị xé ra to

Đội tranh biện là gì?

Được cho là có khởi nguồn từ Athens (Hi Lạp), hoạt động tranh biện nhanh chóng trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Nhật... Hằng năm có rất nhiều giải thi tài tranh biện từ cấp trường tới quốc gia, quốc tế được tổ chức.

Tranh biện có thể hiểu là sự kết hợp của hai từ tranh luận và hùng biện. Các cá nhân tham gia tranh biện thường dùng kiến thức, khả năng sử dụng ngôn ngữ để bảo vệ quan điểm của mình và bẻ lại lập luận của đối phương trong tinh thần lắng nghe, tôn trọng và tập trung vào việc mở rộng vấn đề.

Chỉ với vài cú nhấp chuột trên Google, không khó để lần ra những diễn đàn, trang Facebook... ngập tràn tranh cãi nảy lửa về các nhân vật trên. Chỉ tiếc là số lượng comment (bình luận) mang tính đóng góp, phân tích thường chiếm tỉ lệ khá nhỏ. “Điển hình như vụ Huyền Chip, theo tôi quan sát thấy hai phe fan và anti-fan phần nhiều chỉ nhắm vào việc lăng mạ, “đáp trả” đối phương chứ ít ai có chính kiến riêng, lập luận một cách thuyết phục”, bạn Bùi Nguyễn Phi Anh (Trường Le Cordon Bleu Institute, Úc) cho biết.

Cụ thể, có thể tìm thấy vô số câu chế giễu như “xách quần chip lên và đi”, “em xấu và chém gió bỏ mẹ”, “cuộc đời đ... phải tiểu thuyết nên đừng ở đó mà chém gió”... của anti-fan khi đề cập về Huyền Chip. Ngược lại, ngay nhân vật chính Huyền Chip cũng đã không giữ được thái độ cầu thị, giải thích chân thành khi gọi anti-fan trên Facebook cá nhân là “những kẻ mưu hèn, kế bẩn” và trêu tức một bạn đọc tại buổi họp báo ở TP.HCM với câu nói: “Tôi có mang hộ chiếu nhưng không thích cho anh xem”... Thay vì có một đề tài tranh luận thú vị, mọi người lại chứng kiến sự phẫn nộ ngày càng dâng cao bởi sự thừa thách thức, thiếu lắng nghe của các bên.

Điều đáng bàn là sự việc trên đang diễn ra như một thói quen và dần trở thành “thương hiệu” của nhiều người Việt trẻ. “Tôi không ngạc nhiên lắm về điều này. Giới trẻ chúng tôi hầu như không phân biệt được đâu là tranh luận, đâu là cãi lộn. Ngay trong buổi thuyết trình ở giảng đường tuần trước, nếu không có thầy ngăn lại thì có lẽ buổi học của lớp tôi đã trở thành cuộc đấu khẩu thật sự”, bạn Nguyễn Hoàng Lân (K37, ĐH Kinh tế TP.HCM) nhớ lại.

“Thương hiệu” đó thậm chí đang manh nha vượt khỏi biên giới. Anh Nguyễn Hữu Trí (CEO Công ty Breakthrough Power) từng chia sẻ với NST về cú sốc trong thời gian đầu học tập tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS): “Sinh viên nước ngoài thường kháo nhau: nếu muốn làm bài tập nhóm, thuyết trình được điểm cao thì... đừng làm chung nhóm với sinh viên Việt, vì họ không biết tranh luận dù học rất giỏi!”. Còn ông Hiroyuki (người Nhật, quản lý một công ty du lịch) thì thẳng thắn: “Người Việt còn phải cải thiện rất nhiều về kỹ năng tranh luận vấn đề!”.

Nút thắt ở đâu?

Nhìn lại, anh Nguyễn Hữu Trí, người tốt nghiệp thủ khoa (khoa giao tiếp đa phương tiện NUS), cho rằng những hạn chế trong khả năng tranh luận bắt nguồn từ việc giới trẻ Việt thường ít được khuyến khích bày tỏ quan điểm, lập luận riêng ngay từ nhỏ. Chính điều này dẫn tới việc sau này khi đứng trước việc tranh luận một vấn đề, hoặc họ sẽ chọn giải pháp im lặng và giấu ấm ức trong lòng, hoặc lập luận nông và thiếu kiên trì.

“Bên cạnh đó, trước giờ người trẻ Việt có vẻ được giáo dục thiên về hùng biện nhiều hơn tranh biện, kiểu như một người độc thoại và trở thành trung tâm sự kiện, còn tất cả mọi người chỉ lắng nghe. Nếu vấn đề này được giải quyết thì mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể”, Nguyễn Thanh Việt (ĐH Sheffield, Anh) cho biết. Còn với bạn Thanh Võ (ĐH Monash, Úc) thì: “Tôi nghĩ điều cốt lõi là họ chỉ thích nói chứ chưa thật sự lắng nghe nhau. Điều này rất khác với giới trẻ các nước”.

“Điểm cộng” của đội tranh biện

Thanh Võ cho biết một trong những giải pháp gợi ý cho vấn đề trên là sự xuất hiện của các đội tranh biện (debate team). “Đây là hoạt động rất phổ biến ở Úc và được đưa vào chương trình từ cấp phổ thông. Giới trẻ Úc rất hứng thú với hoạt động này bởi giúp chúng tôi được nghe, tiếp cận được nhiều mặt của vấn đề”, bạn chia sẻ.

Đồng quan điểm, bạn Trần Hà Hải (thuộc Tập đoàn luật sư ở San Francisco, Mỹ) cho biết: “Tham gia đội tranh biện là trải nghiệm quý giá nhất trong khoảng thời gian tôi du học. Điều đó giúp tôi rèn cách suy nghĩ độc lập, cải thiện kỹ năng phân tích, phán xét một cách khách quan và từ đó tin vào bản thân mình hơn so với lúc còn học tại VN”.

Điều quan trọng nhất, Hà Hải cho rằng việc tham gia đội tranh biện giúp thành viên nhận ra rằng không có câu trả lời nào là đúng nhất, mà chỉ có đúng hơn hoặc thuyết phục hơn. “Điều này giúp chúng tôi học được nhiều và biết nhìn nhận thấu đáo hơn”, Hà Hải giải thích quyết định tham gia debate team của trường suốt sáu năm đại học. Hà Hải tin rằng đây là một hoạt động cần thiết cho bạn trẻ Việt.

“Ngoài kỹ thuật tranh biện, người tham gia nếu thiếu đi những giá trị nhân văn như lắng nghe để cảm thông, tôn trọng, cởi mở để đón nhận các quan điểm khác nhau thì việc tham gia cũng trở nên vô nghĩa”, chị Vũ Thị Mỹ Hạnh (sáng lập viên và quản lý chương trình giáo dục Vietnam Youth to Debate (Y2D), một trong những chương trình lớn và hiếm hoi về hoạt động tranh biện ở VN), chia sẻ. Tuy hoạt động này rất thú vị và ý nghĩa, nhưng dường như vẫn còn xa lạ với nhiều bạn trẻ. “Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến cụm từ debate team. Nhưng sau khi tìm hiểu thông tin, tôi cảm thấy rất thích thú. Nếu hoạt động này được giới thiệu đại trà hơn nữa đến giới trẻ chúng tôi thì tôi tin chắc những câu chuyện xấu xí trên sẽ giảm rõ rệt”, Hoàng Lân nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Huyền Chip ra mắt Đừng chết ở châu Phi

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên