11/06/2016 11:50 GMT+7

Khi người ta tự kết liễu đời mình

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Nhiều vụ tự tử thương tâm liên tiếp xảy ra làm rúng động nhân tâm xã hội. Người chết thì không biết gì nữa. Nhưng hệ quả của họ để lại cho xã hội, đặc biệt là người thân, quá nặng nề.

Chính quyền quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã đến thăm hỏi gia đình ông N.T.L. sau khi xảy ra sự việc ông giết vợ rồi tự vẫn bỏ lại hai đứa con thơ - Ảnh: Trường Trung
Chính quyền quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã đến thăm hỏi gia đình ông N.T.L. sau khi xảy ra sự việc ông giết vợ rồi tự vẫn bỏ lại hai đứa con thơ - Ảnh: Trường Trung

Nhiều vụ tự tử thương tâm liên tiếp xảy ra làm rúng động nhân tâm xã hội. Đặc biệt, nhiều vụ cùng chết cả gia đình. Những bậc cha mẹ lẽ ra cả đời bảo bọc cho con, trong phút cuồng quẫn lại bắt máu thịt mình phải cùng đi trong ngọn lửa thiêu hay lưỡi dao, chai thuốc trừ sâu...

Mỗi ngày lật báo, mở mạng, lòng người lại quặn đau khi phải đọc những chuyện bi thảm như thế. Vợ tuyệt vọng, kéo theo chồng. Chồng chết, lôi theo vợ. Rồi đầu xanh thơ dại bị vạ lây oan nghiệt từ chính cha mẹ mình.

Thậm chí, một số em học sinh, sinh viên lẽ ra đang nhìn đời màu hồng, lại tự kết liễu cuộc sống. Đặc biệt, ngay cả một số doanh nhân, người bản lĩnh trong thương trường vẫn tuyệt vọng rời bỏ kiếp nhân sinh...

Người chết thì không biết gì nữa. Nhưng hệ quả của họ để lại cho xã hội, mà đặc biệt là người thân, hết sức nặng nề. Không chỉ là gánh nặng kinh tế khi gia đình mất trụ cột lao động, mà còn là sang chấn tâm lý ám ảnh cả cuộc đời khi có người thân tự sát bi thảm

Những cái chết bi thảm

Không chỉ ở các đô thị lớn mà cả đồng bằng thuần nông, miền núi nghèo khó, đâu đâu cũng có những cái chết tê tái lòng người. Mỗi vụ bi thảm xảy ra, nhân tâm xã hội sau khoảng lặng xót xa đều muốn khép lại, chẳng ai mong phải tiếp tục đọc những chuyện thế này, nhưng chúng vẫn liên tiếp xảy ra.

Mới vài hôm trước, một người cha mới ngoài tuổi 30, chỉ vì giận vợ đã đầu độc cả hai con thơ trước khi tự kết liễu đời mình ở An Giang. Nỗi đau chưa kịp nguôi, ngay sau đó lại xảy ra vụ chồng giết vợ rồi tự sát ở Đà Nẵng...

Thực tế khó có thể kể hết, dù chỉ là phần rất nhỏ những vụ bi thương này. Ở Đồng Nai, một nữ sinh tuổi 15, đang học lớp 9, đã tự kết thúc sinh mạng mình bằng thuốc diệt cỏ vì bị người yêu phát tán clip riêng tư.

Trước đó vài hôm, một đôi vợ chồng ở Nghệ An cùng tự sát bằng mìn do sa cơ nợ nần...

Năm trước, người mẹ trẻ quê Nghệ An thắt cổ tự tử ở Bình Dương. Sự việc càng đau lòng khi con gái mới 4 tháng tuổi đang ngủ cũng bị mẹ sát hại để cùng theo mình... Cùng ngày này, một vụ tự tử bi thảm khác cũng xảy ra với bà mẹ trẻ kéo theo cả hai đứa con trai mới 1 và 3 tuổi ở Bình Phước...

Có lẽ cũng không quá lời khi có ý kiến cho rằng hiện trạng tự sát đang như “bệnh dịch” xã hội, người sau lặp lại hành vi kẻ trước!

Bàng hoàng, xót xa! Còn gì quý hơn sinh mạng? Tại sao nhiều người phải đến nỗi này?

Sau cơn tang tóc, hầu hết vụ tự sát đều rõ nguyên nhân. Người tìm cái chết vì giận vợ giận chồng, con cái mâu thuẫn cha mẹ. Người kết liễu đời mình vì không giải được cơn tuyệt vọng tình ái, túng quẫn kinh tế, bệnh tật hiểm nghèo, kể cả trầm cảm vì áp lực học hành, không thành đạt như kỳ vọng hay nghiện ngập, rượu chè, ma túy...

Xã hội VN hiện đang phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp mới. Con người ở lũy tre làng thuần nông đổ dồn về kiếm sống ở đô thị đầy căng thẳng. Văn hóa lúa nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi thời đại Internet nhiều gam màu sáng tối.

Khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Nghiện ngập tràn lan. Chuẩn mực xã hội lung lay. Rường cột gia phong, đạo đức nhân bản xáo trộn. Sự suy thoái kinh tế cũng dẫn đến nhiều đổ vỡ, khốn quẫn trong xã hội.

Đặc biệt, ngay cả sự phát triển lẽ ra phải tốt hơn cũng có thể dẫn đến tham vọng, áp lực và trầm cảm, tuyệt vọng nếu không đạt được...

Rất cần giải pháp xã hội

Một nguồn khảo sát của cơ quan y tế cho rằng mỗi năm VN có 36.000 - 40.000 người tự tử, tức cao hơn 3-4 lần so với con số 10.000 - 13.000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Con số thật khủng khiếp!

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết mỗi năm có 1.000.000 người trên thế giới chết vì tự tử, trung bình cứ một phút lại có hai người chết. Dự báo đến năm 2020, nguyên nhân tự chết sẽ cao hàng đầu trong các loại tử vong.

Tuy nhiên, đến nay hiện trạng xã hội nghiêm trọng này vẫn chưa được nhận thức đúng mức độ của nó, để có cảnh báo và nghiên cứu tìm kiếm giải pháp xã hội.

Thế giới đã có ngày 10-9 là ngày phòng chống tự tử. Còn VN thế nào?

Tất nhiên còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, nhưng ít nhất ngay từ bây giờ ngành giáo dục và tuyên truyền xã hội phải nhanh chóng quan tâm hiện trạng xã hội phức tạp này. Trường lớp phải có những bài học nhân văn sâu sắc, để học sinh (sau sẽ là người lớn trong xã hội) luôn nhớ mãi không có gì quý hơn sinh mạng và không gục ngã trước nghịch cảnh bể dâu.

Đặc biệt, trong cơn tuyệt vọng, những người muốn tự kết liễu đời mình có thể gọi ai, gõ cánh cửa nào? Những số điện thoại tư vấn cộng đồng, những cán sự xã hội biết lắng nghe, hóa giải tuyệt vọng vô cùng cần thiết trong thời khắc sinh tử. Nhiều nước phương Tây đã có kinh nghiệm này.

Nhiều khi chỉ một vòng tay ấm áp, một ánh mắt yêu thương, cảm thông và sẻ chia kịp thời cũng có thể cứu được một số phận tuyệt vọng...

Ngành y tế cũng nên xây dựng đội ngũ chuyên khoa tâm thần đủ về số lượng lẫn chất lượng để góp phần giải quyết vấn đề xã hội này. Một bác sĩ có chuyên môn sẽ sớm nhận biết bệnh nhân trầm cảm có thể tự tử để chữa trị kịp thời. Rồi ngay cả những người may mắn thoát chết sau tự tử và thân nhân của họ cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý.

Đã có nghiên cứu rằng trẻ em (và cả người lớn) có người thương yêu tự sát sẽ bị sang chấn tâm thần và rất khó phát triển tâm lý bình thường. Tiềm thức họ dễ có thể “nhớ lại, lặp lại” hành động của người thân khi cuộc đời ở vào nghịch cảnh tương tự.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đã đến lúc chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm và có giải pháp căn cơ cho vấn đề xã hội nghiêm trọng này.

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên