19/06/2016 08:17 GMT+7

Khi người lính 
thời bình hi sinh...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Mối quan tâm lo lắng của hàng triệu người Việt trong những ngày qua chính là sinh mạng của những phi công quân sự sau hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp.

Khi thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được cứu sống, niềm hi vọng sự trở về an toàn của thượng tá Trần Quang Khải, phi công lái chính chiếc Su30-MK2, càng được nhân lên.

Nhưng niềm hi vọng ấy đã tan biến khi tối 17-6, từ khơi xa, ngư dân báo về đã tìm thấy thi thể thượng tá Khải với chiếc dù quấn chặt! Rạng sáng 18-6, thi thể thượng tá Khải đã được đưa về đất mẹ.

Chiếc máy bay tuần thám hiện đại CASA-212 của Cảnh sát biển được lệnh tức tốc lên đường đi tìm kiếm các phi công của chiếc Su30-MK2 bị nạn cũng đã lâm nạn trên vùng biển Bạch Long Vỹ vào trưa 16-6. Những mảnh vỡ của thân máy bay đã được tìm thấy.

Tất cả đang dốc toàn lực để tìm kiếm chín sĩ quan trong tổ bay nhưng niềm hi vọng đang mong manh dần.

Mất những chiếc máy bay trị giá hàng chục triệu đôla - những tài sản rất lớn lao với một quốc gia còn nghèo khó, nhưng không một chiếc máy bay nào có thể lớn bằng sinh mạng những người lính trên chiếc máy bay đó!

Vì thế sự hi sinh của những phi công trong những ngày qua sẽ là một nỗi đau khôn nguôi không chỉ với gia đình mỗi người mà chính là sự mất mát quá lớn cho Tổ quốc, nhất là những tháng năm này, đất nước đang rất cần những người lính bay tinh nhuệ và can trường như các anh biết bao nhiêu!

Tôi lại nhớ đến những người lính hi sinh giữa thời bình mà tôi đã từng gặp. Tháng 8-2007, khi đi đưa tin lũ lụt ở Quảng Bình, chứng kiến sự hi sinh khi cứu dân trong lũ của thượng úy quân y Phạm Hữu Huyên, sáu tháng sau, liệt sĩ Huyên được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 9-2009, khi đi tác nghiệp lũ lụt ở Quảng Trị, tôi lại chứng kiến sự hi sinh của trung tá Lê Văn Phượng thuộc Thị đội Quảng Trị.

Trong đêm tối, khi dùng canô của Ban chỉ huy quân sự thị xã đi cứu dân ven sông Thạch Hãn, canô bị nước xoáy lật úp, anh Phượng hi sinh.

Hôm đó, khi nhìn anh em kiểm đếm quân tư trang của trung tá Phượng theo thủ tục, hóa ra gia tài của người sĩ quan cấp tá ấy không có gì ngoài chiếc điện thoại cũ, hai bộ quần áo, mấy tấm ảnh gia đình và một phong lương khô chưa kịp ăn! (Năm 2012, trung tá Phượng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Cũng hai năm trước, tháng 7-2014, trong vụ máy bay Mi 171 rơi ở Hòa Lạc, có câu chuyện về vợ của thượng úy Đỗ Văn Năm - một người lính hi sinh trong tai nạn ấy - khi giặt quân tư trang của chồng mình, đã tìm thấy tờ giấy bạc 200.000 đồng mà anh đã “xin” vợ được giữ lại sau khi đưa hết tiền lương cho vợ, để chi tiêu trong mấy ngày huấn luyện.

Hóa ra tuy “xin” như thế nhưng anh cũng chẳng dám tiêu số tiền ít ỏi ấy cho một ly cà phê hay tô mì gói trong những ngày huấn luyện!

Lịch sử của nước Việt được viết bằng máu của hàng triệu người lính ngã xuống. Sự hi sinh của họ chỉ một mục đích duy nhất vì sự an nguy của nhân dân và sự tồn vong của Tổ quốc.

Chắc không người lính nào nghĩ rằng mình ngã xuống để rồi được vinh danh tuổi tên trên tượng đồng bia đá.

Nhưng chắc chắn ai cũng khát khao sự hi sinh của mình sẽ được đáp đền bằng sự bình an cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Cái chết của những người lính thời bình hôm nay thêm một lần nữa nhắc chúng ta biết sống vì khát vọng chân thành ấy thay vì chỉ biết toan lo vun vén cho những lăn tăn bé mọn quẩn quanh với riêng mình!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên