19/11/2024 11:13 GMT+7

Khi người dẫn chương trình miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, nói như chửi vào mặt...

Không ít người dẫn chương trình vô tư phát ngôn những câu chữ miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, thậm chí lên giọng lớn tiếng, nói như chửi vào mặt những người tham gia chương trình.

Khi người dẫn chương trình miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, nói như chửi vào mặt... - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Kaspersky

Không khó để thấy những mảng miếng hài nhạt, hài kém duyên trong những chương trình truyền hình hiện nay đến từ vị trí người dẫn chương trình (MC).

Từ nhạt đến kém duyên

Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng công chúng vẫn phải bận tâm than phiền từ tháng này qua năm nọ. Và dường như người ta quên đi bản chất thật sự của cái hài trong đời sống và trong nghệ thuật. 

Cái hài ấy, rất khác, so với cái gọi là cái buồn cười. 

Nếu như cái buồn cười chỉ mang tính sinh học, phản ứng tức thời, ngẫu nhiên thì cái hài là tiếng cười dung chứa ý nghĩa xã hội, có nhãn quan trí tuệ. 

Cái hài, tức là sau tiếng cười, phải chứa đựng những triết lý về cuộc sống, đạo làm người, cách đối nhân xử thế, phải để lại những bài học sâu sắc, ý nghĩa cho người tiếp nhận.

Ấy thế mà giờ đây nhan nhản những tiếng cười "vô tri", những tiếng cười kém duyên, những tiếng cười la hét, té tát vào mặt người xem. 

Công chúng chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi nhiều người dẫn chương trình vô tư phát ngôn những câu chữ miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, thậm chí lên giọng lớn tiếng, nói như chửi vào mặt những người tham gia chương trình.

Ban giám khảo, thí sinh, khách mời, diễn giả, ai cũng có thể trở thành đối tượng của những câu nói và hành động mang tính "sát thương" đến từ người dẫn chương trình. Và khán giả cũng bị xem thường nốt, khi từng có trường hợp được khuyên "nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi"!

Đừng để sự kiêu căng thao túng

Nghề nói trước công chúng ngoài yêu cầu sở hữu ngoại hình sáng sân khấu, lợi khẩu hoạt ngôn, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, còn cần một thái độ giao tiếp phù hợp, tinh tế.

Muốn vậy, người dẫn chương trình cần ý thức tránh đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, bạo lực, tình dục hay những vấn đề xã hội gây tranh cãi.

Chúng ta cũng cần cẩn trọng với các câu chuyện hài hước. 

Đành rằng hài hước là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của khán giả, nhưng đôi khi nó cũng dễ thành kém duyên nếu người dẫn chương trình không biết gìn giữ sự khéo léo, trang trọng. 

Khiếu hài hước cần đi cùng với sự duyên dáng, khéo léo để tránh những sai lầm thiếu nhạy cảm trong phát ngôn, ứng xử. Đồng thời người dẫn chương trình cần biết cách kiểm soát cảm xúc, không để trạng thái cảm xúc hỉ nộ ái ố của cá nhân chi phối khi đang dẫn chương trình. 

Không chỉ giữ sự bình tĩnh, tránh căng thẳng hồi hộp mà còn phải bình tâm trước những cơn nóng giận hay niềm vui kích động quá mức. Đặc biệt đừng để sự kiêu căng trịch thượng thao túng khiến bản thân trở nên phô trương, kệch cỡm. 

Tự tin quá mức chỉ giết chết hảo cảm của công chúng dành cho người dẫn chương trình. Hoặc sự thiếu tôn trọng trong phát ngôn, ứng xử với khách mời, với khán giả cũng là điểm trừ tệ hại, khiến chất lượng chương trình giảm sút và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cá nhân của người dẫn chương trình.

Về phía ban tổ chức, nhà sản xuất, cần nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát của mình. Kịch bản chương trình, kịch bản người dẫn cần được kỹ lưỡng, chi tiết, cụ thể. 

Thậm chí cần chuẩn bị sẵn các tình huống có thể xảy ra trên sân khấu để người dẫn chương trình có thể ứng phó một cách khéo léo, tránh để sự việc trở nên lúng túng, sai lầm. 

Cần nghiêm khắc, khước từ những trường hợp người dẫn chương trình có thái độ ngôi sao, phát ngôn thiếu chuẩn mực. 

Đừng chạy theo lợi nhuận mà bất chấp "câu view", đè lên các chuẩn mực giá trị văn hóa.

Đáng phê phán hơn cả là trong một số trường hợp, người xem không khỏi nghi ngờ người dẫn chương trình cố tình phát ngôn gây chú ý, phát ngôn gây sốc, phản cảm, phát ngôn gây tranh cãi (thậm chí đối nghịch, khiêu khích khán giả) nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng.

Trong thời đại truyền thông xã hội - nơi mọi thứ có thể trở nên viral (lan truyền nhanh chóng) chỉ trong vài giờ, các phát ngôn gây chú ý có thể giúp những người dẫn chương trình được số đông công chúng biết đến.

Tuy vậy, nếu không cẩn thận, hình ảnh thương hiệu cá nhân và sự nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu phát ngôn và hành xử của người dẫn chương trình vượt quá giới hạn chấp nhận của dư luận xã hội.

Khi người dẫn chương trình miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, nói như chửi vào mặt... - Ảnh 3.Trấn Thành đừng vô duyên nữa: 'Đùa thì về nhà, đây là sóng truyền hình'

Nhiều khán giả cho rằng không phải là người nổi tiếng thì thích nói gì thì nói, ngay sau bài viết ‘Trấn Thành đừng vô duyên nữa được không’ đăng tải trên Tuổi Trẻ Online ngày 17-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên