Phát trực tiếp trên trang mạng xã hội của HĐND TP.HCM, rất nhiều cử tri theo dõi phiên giải trình về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại.
Chỉ đạo cụ thể thời gian giải quyết
Chủ trì phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu rất nhiều bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc chậm cấp sổ hồng, có dự án hơn 20 năm vẫn chưa được cấp sổ. Nội dung này phức tạp, tồn tại lâu năm, có nhiều khó khăn trong giải quyết.
Sau khi nghe các sở, ngành và lãnh đạo UBND TP giải trình, bà Lệ đánh giá ngoài một số vướng mắc do sự điều chỉnh của quy định pháp luật hoặc thực tiễn phát sinh loại hình bất động sản mới, vẫn còn nhiều vướng mắc xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.
Đa số các nhóm vướng mắc chưa được đề xuất phương án giải quyết, giải pháp tháo gỡ. Có nhóm vướng mắc chưa rà soát được danh sách các dự án, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và chưa thể hiện được tiến độ và thời gian cụ thể hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn.
Từ đó, bà Lệ đề nghị UBND TP tập trung gỡ vướng mắc theo mốc thời gian giải quyết từng nhóm dự án. Theo đó, chậm nhất trong quý 3-2023 chỉ đạo rà soát, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, hướng giải quyết, tiến độ, thời gian cụ thể hoàn thành việc tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án theo từng nhóm vướng mắc.
Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất quý 4-2023 hoàn thành việc cấp sổ hồng cho nhóm dự án không có vướng pháp lý hoặc đã được tháo gỡ về mặt pháp lý. Bao gồm nhóm dự án không có vướng mắc pháp lý, chờ thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính; nhóm dự án không có vướng mắc pháp lý, chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ; nhóm dự án có loại hình bất động sản mới.
Riêng nhóm dự án có vướng mắc, có nhiều nội dung phức tạp gồm các dự án phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung; có vướng mắc khác; dự án đang thanh tra, điều tra và dự án có thế chấp tại tổ chức tín dụng, tập trung tháo gỡ từng vấn đề.
Theo đó, chỉ đạo theo dõi thường xuyên, cập nhật tiến độ thực hiện, chủ động bám sát nhằm giải quyết dứt điểm các hạn chế, tồn đọng. Báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết đối với các nhóm dự án này định kỳ 6 tháng/lần cho thường trực HĐND TP.
Bà Lệ cũng đề nghị UBND TP báo cáo kết quả thực hiện về thường trực HĐND TP trước ngày 30-12-2023 để các đại biểu và cử tri giám sát.
Khởi tố chủ đầu tư được không?
Trong phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt câu hỏi cụ thể về trách nhiệm của sở, ngành và chủ đầu tư. Liên quan đến nghĩa vụ tài chính, theo báo cáo của UBND TP, trong số 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, có gần 20.000 căn hộ (thuộc 39 dự án) vướng do phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trách nhiệm gỡ vướng thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết TP đang báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn. Chưa hài lòng, đại biểu hỏi cụ thể thời gian nào gỡ vướng? Ông Thắng cho hay trong năm 2023 cố gắng giải quyết 11 dự án, các dự án còn lại cố gắng giải quyết tiếp.
Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đặt câu hỏi: "Có trường hợp dự án người mua nhà đã đóng tiền mua mà chủ đầu tư vẫn cố tình mang đi thế chấp dù không được sự đồng ý của người mua nhà. Trường hợp này cơ quan công an có khởi tố được không? TP có giải pháp ngăn chặn thế nào?".
Thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, TP hiện có 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng, trong đó có 41/60 dự án thế chấp từ năm 2016-2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008-2011 đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp nên người mua nhà không được cấp sổ hồng.
Đại tá Trần Thị Kim Lý, chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, cho rằng có thể xem xét trách nhiệm hình sự của chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự cụ thể phải căn cứ quy định để xác định.
Đại biểu cũng chất vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc kiểm soát khi tiếp nhận hồ sơ xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào đối với các dự án có thế chấp.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết cho hay từ thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành (năm 2015) đã quy định rõ dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng ra văn bản xác nhận đủ điều kiện mở bán, chủ đầu tư mới ký kết hợp đồng bán cho khách hàng. Đối với dự án thế chấp chỉ được bán khi có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng hoặc khách hàng mua nhà. Trong trường hợp này, Sở Xây dựng sẽ ghi vào văn bản xác nhận là dự án có thế chấp để người mua nhà được biết và cân nhắc.
"Trường hợp chủ đầu tư cố tình bán nhà đang thế chấp cho khách hàng hoặc nhà đã bán vẫn mang thế chấp mà không được sự đồng ý của bên mua thì vi phạm pháp luật hình sự...", ông Khiết khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận