Bên cạnh chờ hướng dẫn từ các cấp có thẩm quyền, Đà Nẵng chủ động đưa ra các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực rất lớn từ các dự án, đất đai song hiện còn đến 1.200 dự án "đứng bánh".
Gần 12 năm chưa thể triển khai
Nằm ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), khu đô thị Phong Nam có quy mô gần 21,5ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012. Thế nhưng đã gần 12 năm qua, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung vẫn chưa thể triển khai dự án.
Còn tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Công ty CP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng) làm chủ đầu tư với kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất châu Á tại Đà Nẵng theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ.
Dự án có tổng diện tích 341ha, tổng vốn đầu tư 2.744 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là 131ha (đã hoàn thành), giai đoạn 2 là 210ha dự kiến xây dựng trong vòng năm năm (từ 2020-2025). Vậy nhưng ghi nhận tại đây thấy khá ảm đạm, một số công trình bỏ hoang, đường sá nhiều chỗ thành nơi thả bò...
Cách đó không xa, dự án Golden Hills City của Công ty CP Trung Nam cũng đang gặp vấn đề liên quan việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án, điều chỉnh tổng thể dự án và vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Còn ở phía nam của Đà Nẵng, thời gian qua Công ty Thành Đô, chủ đầu tư của "siêu" dự án Cocobay, cũng đã có đơn kiến nghị liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tài sản đã đủ điều kiện tại dự án.
Không chỉ vậy, hiện Đà Nẵng đang có hàng ngàn dự án, khu đất "mắc kẹt" trong các kết luận thanh tra, bản án chờ khơi thông.
Chủ động tìm giải pháp
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với giai đoạn 2 của dự án khu công nghệ thông tin Đà Nẵng hiện đang gặp vướng, Đà Nẵng đã kiến nghị trung ương cho phép được căn cứ pháp lý hiện có của dự án (giấy chứng nhận đầu tư đã cấp) để tiếp tục triển khai các thủ tục có liên quan trên cơ sở rà soát nghĩa vụ tài chính.
Tương tự, kiến nghị của Công ty Thành Đô tại dự án Cocobay, UBND TP Đà Nẵng đang xin ý kiến tổ công tác theo quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Nguyên Chương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - cho biết TP đang tập trung xử lý bốn kết luận của Thanh tra Chính phủ và ba bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
Theo ông Chương, về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh thành, Bộ Chính trị đã có kết luận số 77.
Đà Nẵng có 10 nội dung khó khăn, vướng mắc được đề xuất tại đề án, gồm: Bốn nội dung Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Một nội dung trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về cơ chế, chính sách đặc thù và văn bản cụ thể để xử lý. Năm nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương xử lý.
"Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt, TP chủ động các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp là sử dụng tài sản tại dự án hoặc tài sản khác làm tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) trong thời gian chờ đợi các giải pháp khắc phục của cơ quan trung ương và cho phép người sử dụng đất được giải quyết các thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó đã có tín hiệu khởi sắc, một số dự án được tháo gỡ", ông Chương cho hay.
Theo ông Trần Chí Cường - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vấn đề khơi thông nguồn lực của TP là việc giải quyết, xử lý được các kết luận thanh tra, bản án. Chỉ có tháo gỡ được vướng mắc đất đai thì TP mới khơi thông được rất nhiều nguồn lực từ trong dân, trong doanh nghiệp để phát triển.
Theo báo cáo, tất cả nguồn lực đất đai đang nằm trong khoảng 1.200 dự án "đứng bánh" do các vướng mắc.
Vừa qua trung ương đã làm việc với TP, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc từng vụ việc cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện đề án 153 của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc về đất đai cho bốn địa phương, trong đó có Đà Nẵng.
Theo ông Cường, vấn đề nào thuộc TP thì TP chủ động làm.
"Vướng đâu tháo gỡ đó"
Ngày 31-8, Đà Nẵng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đà Nẵng có nhiều tiềm năng nổi trội, hội tụ nhiều điều kiện phù hợp phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Nghị quyết 136 góp phần hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để Đà Nẵng tự tin thực hiện những đổi mới sáng tạo.
"Nhiệm vụ này không phải của riêng Đà Nẵng mà còn của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành. Đà Nẵng dù phải tự lực, tự cường nhưng không thể tự làm một mình được", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng cần rà soát các vướng mắc trong thực tiễn, vướng đâu tháo gỡ đó. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh. Lấy con người là chủ thể làm động lực cho sự phát triển.
Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ ngang tầm với những chức năng, nhiệm vụ được giao. Phải tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tự lực tự cường, đi lên bằng sức mạnh nội sinh của mình.
TP phải tập trung thực hiện các cơ chế chính sách đã có để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong nghị quyết 136.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận