Tiệm vàng Thảo Lực - nơi xảy ra vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Công an Cần Thơ bắt quả tang tiệm vàng tôi đổi 100 USD thì tôi tuyệt đối chấp hành, tuân thủ quyết định phạt của chính quyền. Tuy nhiên, doanh nghiệp bị khám xét 2 lần trong vòng 6 tháng là một nỗi thống khổ vô cùng lớn cho chúng tôi", ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) kể lại tình cảnh hoạt động kinh doanh của mình.
"Phải chi doanh nghiệp chúng tôi làm ăn bất chính thì không nói. Nhưng không, chúng tôi chỉ vướng vài vi phạm hành chính nhỏ về nhãn mác, sản xuất. Vấn đề này chắc nhiều doanh nghiệp khác đôi khi cũng mắc phải. Đáng lẽ ra chính quyền cần tuyên truyền, phạt để răn đe, nhắc nhở doanh nghiệp sửa sai, đằng này lại đi tịch thu tài sản cá nhân của gia đình là quá mức", ông Lực nói thêm.
Ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực):
Nỗi thống khổ của doanh nghiệp
Ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực - Ảnh: CHÍ QUỐC
Là doanh nghiệp, ai cũng muốn làm ăn yên ổn, đóng góp cho sự phát triển cho gia đình và xã hội. Chúng tôi cũng không muốn kiện tụng, mà cần sự tư vấn, hướng dẫn. Chỉ mong muốn ai sai thì nên nhìn nhận mà sửa chữa, đừng làm khổ doanh nghiệp nữa. Mỗi năm, cơ quan thuế, quản lý thị trường đều đến kiểm tra hoạt động kinh doanh định kỳ. Nếu bất thường liệu doanh nghiệp có yên thân?
Nhắc đến những đợt bị khám xét nhà, có thể nói đó là nỗi ám ảnh vô cùng lớn. Nó không những gây tổn thương tinh thần của doanh nghiệp. Nó khiến những người trẻ lo sợ khi bắt đầu khởi nghiệp. Nó còn khiến bản thân doanh nghiệp có thâm niên gần 20 năm như chúng tôi cũng muốn phát bệnh. Có lúc, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện dẹp tiệm nghỉ cho xong.
Tài sản bị thu giữ nhiều tháng trời, gây ảnh hưởng kinh doanh, bạn bè, khách hàng xì xầm bàn tán ra vô. Doanh nghiệp cũng bị triệu tập lên xuống hàng chục lần, ôm sổ sách đi chứng minh nhiều tháng trời.
Thử hỏi ai còn tinh thần để kinh doanh, buôn bán?
Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM):
Tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ
Về nguyên tắc, tài sản của dân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể bỗng dưng mà sung công tài sản thu giữ chỉ vì nó không chứng minh được nguồn gốc. Hiện nay, trong rất nhiều gia đình, người dân luôn giữ vàng như một thứ tài sản và đương nhiên không phải món nào cũng có hóa đơn mua bán của tiệm vàng, nhất là vàng lá được truyền từ đời trước đến đời sau. Nếu chỉ vì không truy xuất được nguồn gốc mà thu thì chắc 80% tài sản là vàng trong dân cũng bị thu.
Pháp luật luôn bảo vệ quyền tài sản của người dân, nếu đó không phải là tài sản do phạm pháp mà có thì không thể thu giữ hay sung công quỹ.
Trước đây TP.HCM cũng đã có vụ khám xét thu giữ tài sản của tiệm vàng sau đó phải trả lại. Bởi vậy, việc thực thi công vụ cần phải cẩn trọng hết sức trước khi mang một cái lệnh để khám xét hay thu giữ tài sản.
Bà Bùi Hồng Giang (ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Khám xét nhà phải rõ ràng
Người dân đương nhiên không ai thích thú gì khi có lực lượng chức năng đến khám xét nơi ở, nơi làm việc của mình. Bởi vậy, nếu có việc buộc phải khám xét thì người dân cần phải hỏi xem lực lượng công vụ thực hiện việc khám xét là ai, họ có lệnh khám xét không, nếu lệnh này của cơ quan chức năng ký thì cần phải có sự phê chuẩn rõ ràng theo quy định của pháp luật.
Người gần gũi nhất với người dân là tổ trưởng tổ dân phố, hoặc trưởng khu, hoặc trưởng thôn và cảnh sát khu vực sẽ đi cùng lực lượng kiểm tra đến đọc quyết định.
Với những gia đình có buôn bán nhỏ thì việc khám xét càng cần phải thận trọng, thậm chí ngoài việc xem quyết định, lệnh khám xét còn phải xem giấy tờ ngành, trang phục của người thực thi công vụ. Bởi nếu người dân không xem xét cẩn trọng các loại giấy tờ liên quan đến việc khám xét thì có thể có lực lượng "giả" đến khám xét và trộm cắp, cướp tài sản...
Tiệm vàng Thảo Lực - nơi xảy ra vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Khám xét không đúng chỗ, quản lý thị trường phải trả lại tang vật
Theo một luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM, mấy năm trước có một doanh nghiệp kinh doanh thuốc tây ở Q.1 (TP.HCM) nhờ luật sư tư vấn pháp lý, liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong việc khám xét và tạm giữ tang vật của quản lý thị trường (QLTT).
Cụ thể, doanh nghiệp này chỉ đăng ký kinh doanh mặt bằng phía trước của một căn nhà. Trong quá trình kiểm tra, khám xét cơ sở kinh doanh có dấu hiệu sai phạm, QLTT đưa ra lệnh khám xét doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình khám xét doanh nghiệp, QLTT đã khám xét luôn... căn nhà (phía sau cửa hàng thuốc) và tạm giữ nhiều tang vật (những thùng thuốc tây có giá trị) trong căn nhà.
Sau khi thuê luật sư tư vấn, làm việc với cơ quan chức năng, phía QLTT đã nhận ra sai sót của mình và sau đó trả lại tang vật cho doanh nghiệp.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Ai được ra lệnh khám xét, khi nào?
Thẩm quyền ra lệnh khám xét (hình sự) gồm viện trưởng, phó viện trưởng viện KSND và viện kiểm sát quân sự các cấp; chánh án, phó chánh án TAND và tòa án quân sự các cấp; hội đồng xét xử; thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (lệnh khám xét phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn).
Khi khám xét chỗ ở, phải có mặt người liên quan hoặc trực tiếp liên quan, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng nhiều biện pháp, trong
đó có việc "khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính".
Những người được quy định tại khoản 1 điều 123 (chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an phường; trưởng công an cấp huyện...) có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện, phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình và người chứng kiến.
Khi khám xét xong và lập biên bản thì người dân đọc kỹ biên bản, không hài lòng về điều gì (dù chưa rõ đúng hay sai) cũng yêu cầu ghi vào biên bản. Sau khi ghi vào biên bản và ký tên, người dân yêu cầu giao cho mình một bản lưu giữ.
Sau đó, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với cơ quan thực hiện khám xét về những điều mình chưa đồng ý. Nếu cơ quan này giải quyết không thỏa đáng, tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên của họ. Đối với những người thực thi việc khám xét sai phạm thì tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý tương ứng theo quy định pháp luật.
Phó thủ tướng chỉ đạo xem xét tính pháp lý của vụ việc
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ xử phạt 90 triệu đồng đối với trường hợp đổi 100 USD ở tiệm vàng Thảo Lực tại Cần Thơ. Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý việc UBND TP Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Hà, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, nhận định UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Thảo Lực là đúng (do mua bán ngoại tệ trái phép).
Còn với cá nhân ông Nguyễn Cà Rê thì "có thể xem xét miễn giảm mức phạt theo điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính".
Theo đó, UBND TP Cần Thơ có thể trả lại tang vật là 100 USD cho ông Cà Rê. Tuy nhiên, việc miễn hay giảm hoặc trả lại tang vật vi phạm tùy thuộc vào UBND TP Cần Thơ quyết định.
B.NGỌC - LÊ DÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận