Khi mua trước trả sau biến tướng

LAM LÊ & JITSIREE THONGNOI (*) 16/10/2024 09:33 GMT+7

TTCT - Từ Thái Lan tới Việt Nam, lỗ hổng trong quản lý dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) biến hoạt động này thành một hình thức cho vay tiền mặt đang gây nhiều lo ngại.

Khi mua trước trả sau biến tướng - Ảnh 1.

Ảnh: Bankrate

Đặng Thị Hân làm cho một tiệm spa ở miền nam Việt Nam. Hồi đầu tháng 6, chị cần tiền mặt gấp nên đã vào nhóm Facebook "Cộng đồng ví Shopee SpayLater" theo lời giới thiệu của bạn bè. 

Chị tìm được người sẵn sàng chuyển tiền mặt cho mình nếu dùng lựa chọn BNPL trên nền tảng thương mại điện tử Shopee để trả hóa đơn điện nước cho người đấy. Chị Hân đã dùng dịch vụ nhưng chẳng có ai chuyển tiền mặt cho chị, người kia thì biến mất luôn.

BNPL là hình thức thương mại điện tử đã cực kỳ phổ biến. Nhưng quá trình tăng trưởng nhanh của loại hình này đã mở ra thị trường xám các khoản cho vay ngang hàng ở Đông Nam Á. 

Hàng trăm nhóm kiểu này mọc lên trên Facebook, có khi đông tới mấy chục nghìn thành viên, kết nối người cho vay với hóa đơn của người vay đang cần tiền mặt (trong trường hợp trên, chị Hân là người đi vay và trả nợ thay cho người cho vay, vốn đang nợ một khoản BNPL). 

Nhưng người cho vay có thể biến mất mà không chuyển tiền như đã hứa và người đi vay có khi không trả hết khoản BNPL.

"Tôi không phải người duy nhất bị lừa, còn nhiều người khác nữa" - chị Hân, 21 tuổi, nói với Rest of World. Chị đã chấp nhận trả 611.000 đồng tiền hóa đơn cho người kia, kèm một khoản phí nhỏ với hy vọng nhận lại khoản tiền mặt lớn hơn. Nhưng anh ta đã biến mất. "Tôi phải trả lãi suất cao [cho khoản tiền mua trước trả sau] mỗi tháng", chị Hân nói.

Kể từ khi hình thức mua trước trả sau trên các nền tảng thương mại điện tử xuất hiện ở Đông Nam Á năm 2018, nó đã giúp thúc đẩy hoạt động mua sắm trên mạng, nhất là với khách hàng trẻ. 

Nhiều người không được tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cũng sử dụng dạng dịch vụ này. Khoảng 30% dân số trên 15 tuổi ở Thái Lan hiện không có tài khoản ngân hàng, hay có nhưng thiếu nhiều dịch vụ cơ bản. 

Ở Việt Nam và Philippines, con số tương ứng có thể lên tới hơn 60%, theo hãng phân tích thị trường Euromonitor International.

Nhưng khi loại hình này trở nên phổ biến, những mối lo về tình trạng nợ nần thái quá cũng xuất hiện. Hiệp hội FinTech Singapore đã công bố "quy chuẩn hành vi" với hoạt động BNPL, gồm các bảo vệ như giới hạn khoản nợ chưa thanh toán, mức phí trần và minh bạch thông tin "nhằm giảm thiểu rủi ro nợ thái quá". 

Trong năm nay, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan), doanh nghiệp điều hành dịch vụ KPayLater, từng nói họ sẽ ngưng nhận người mua trước trả sau mới nếu không xác định được rõ ràng "mức thu nhập của khách hàng tiềm năng".

Cục Tín dụng quốc gia Thái Lan thì kêu gọi các hãng cung cấp dịch vụ cải thiện năng lực kiểm soát nhằm ngăn việc hệ thống bị sử dụng sai mục đích thành các khoản vay ngoài luồng dẫn tới tình trạng cho vay nặng lãi và tạo ra gánh nặng nợ phi lý cho các hộ gia đình. 

Tỉ lệ nợ của hộ gia đình trên GDP ở Thái Lan là vào loại cao nhất thế giới, kèm theo nhiều rủi ro với nền kinh tế, theo cảnh báo từ Ngân hàng Trung ương nước này. Cục Điều tra tội phạm mạng Thái Lan cũng nhiều lần ra thông báo về các vụ lừa đảo qua BNPL.

Loại dịch vụ này hấp dẫn với nhiều người vì "họ có thể tiếp cận tiền mặt với lãi suất thấp" so với kiểu vay mượn truyền thống, theo ông Huy Phạm - giảng viên về tài chính ở Đại học RMIT Việt Nam. 

Nhưng hoạt động cho vay kiểu này chưa theo khuôn khổ pháp lý nào hết và những ai bị lừa không được pháp luật bảo vệ. "Nếu các chương trình này không được kiểm soát thì nguy cơ nợ xấu của các hãng cung cấp dịch vụ mua trước trả sau sẽ tăng lên", ông Huy nói với Rest of World.

Các khoản thanh toán BNPL qua sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á, ước tính giá trị 3,1 tỉ đô la vào năm 2022, dự kiến tăng gấp 5 lần vào năm 2027, theo báo cáo Financial Insights của hãng dữ liệu tài chính và tiêu dùng IDC. 

Một số công ty thương mại điện tử có thể ngó lơ hoạt động cho vay ngoài luồng vì "muốn tăng trưởng thật nhanh", theo ông Nguyễn Ảnh Cường - nhà sáng lập Fundiin, một hãng mua trước trả sau ở Việt Nam.

"Họ có thể không quá khó khăn... vì kiểm soát chặt từng giao dịch khiến trải nghiệm khách hàng không được tốt". Ở Fundiin, bên bán được yêu cầu cung cấp hóa đơn cho các giao dịch giá trị cao để phát hiện những đơn hàng giả (mà các khoản cho vay ngoài luồng núp bóng).

Ở tỉnh Pampanga, Philippines, Maureen Manalili Balagtas, một bà mẹ 23 tuổi, coi việc thu được tiền mặt là một lợi ích của dịch vụ BNPL. 

Cô học được cách thu tiền mặt qua SpayLater từ video hướng dẫn trên YouTube. Những người bán hàng có tài khoản tương thích với SpayLater sẽ đăng mã QR quét để chi trả trên Shopee. 

Khách hàng muốn có tiền mặt chỉ cần quét mã QR như thể họ đang mua hàng. Khi người bán nhận được tiền do nền tảng BNPL chi trả, họ sẽ chuyển cho "khách hàng" trừ một khoản phí, dù hàng không hề sang tay.

Balagtas thu phí dịch vụ 4% cho các khoản tiền mặt này và có hơn 100 khách hàng ngay tháng đầu tiên, theo lời cô. Khách hàng của cô dùng tiền để thanh toán hóa đơn và thậm chí mở một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng cô cũng ý thức về tình trạng lừa đảo: "Nhiều người đã bị lừa". ■

(*) Tuổi Trẻ Cuối Tuần đăng lại với sự đồng ý của tác giả và Rest of World.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận