Thí sinh Hồ Quý Đôn, THPT Cần Giuộc, tỉnh Long An cùng bạn và mẹ lên xe buýt ở bến xe Chợ Lớn để về quê sau khi hoàn thành kỳ thi tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh: NGỌC TUYỀN |
Đường thông hè thoáng ấm áp tình người
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, TP.HCM không còn là điểm "nóng" nhận lượng lớn sĩ tử đổ về như những năm trước.
“Năm nay ít thấy kẹt xe nghiêm trọng, ít thấy cảnh đùm đề hành lý đưa con trọ lại Sài Gòn. Tôi dậy lúc 5g, chở con từ Q.9 lên Q.5 thi ba buổi, cũng giống như ngày xưa chở nó thi vào cấp ba vậy, không phải chịu cực chịu khó gì lắm”, cô Lê Thị Như Nguyệt đưa con thi tại điểm thi Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) cho biết.
Những phụ huynh ở tỉnh có con học và thi tại TP.HCM cũng vui vẻ vì thoát được cảnh chen lấn đông đúc của những năm trước. "Trước đây cứ tới mùa thi lại thấy báo đài nói Sài Gòn kẹt cứng, xe đò, nhà trọ quá tải... vì thí sinh các nơi ùn ùn đổ về. May con mình năm nay đi thi không còn cảnh đó, thấy khỏe gì đâu", một phụ huynh ở Long An nói.
Thí sinh Mẫn Đại, tỉnh Long An sau khi hoàn thành kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Đại lên xe buýt về nhà. Trong ảnh: Đại đang xem lại đề thi Hóa mình vừa làm - Ảnh: NGỌC TUYỀN |
Đắk Nông: "Đi thi còn sướng hơn ở nhà”
Ông Nguyễn Hùng (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) chở con trở về sau môn thi Sử - Ảnh: THÁI THỊNH |
Sau khi kết thúc môn thi Sử , trưa 4-7 tại các nhà trọ trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), có rất đông phụ huynh chở thí sinh trở về nhà với tâm trạng thoải mái, thở phào nhẹ nhõm.
Ngày chia tay, phụ huynh, thí sinh, thanh niên tình nguyện… họ gửi cho nhau những cái bắt tay ấm áp và nụ cười thân thương luôn hé nở trên môi.
13g chiều 4-7, tại các điểm xe buýt cũng tất bật hơn ngày thường. Không như mọi ngày chạy theo đúng giờ quy định, các tài xế hôm nay cũng ráng đợi thêm thí sinh, phụ huynh để xe chạy cho kịp chuyến.
Tâm sự về lần đầu tiên ký thi xét tuyển ĐH-CĐ được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, anh Đoàn Thanh Thảo (xã Nam NYong, Đắk Song) phấn khởi nói: "Đây là lần thứ ba tôi đưa con đi thi, chưa có năm nào lại thuận tiện và thoải mái như năm nay. Trước đây, mỗi lần đưa con đi thi ở Sài Gòn là gia đình tôi lại phải đi vay mượn, xuống đó bao nhiêu khoản, từ ăn ở, đi lại tốn kém đến ôn thi nhồi nhét, tắc đường kẹt xe áp lực kinh khủng. Năm nay mỗi tổ chức tại đây vừa tiết kiệm, đi lại thuận lợi khiến cho phụ huynh chúng tôi rất hài lòng và hoan nghênh”, anh Thảo nói.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ rằng trước đây con chị đi thi ở ĐH Nông lâm TP.HCM rất vất vả, lộn xộn và thậm chí còn bị móc túi nữa. ”Năm nay thi ở tỉnh, nhà tôi chỉ cách điểm thi 3km, nên đi thi chẳng khác gì đi học, rất thuận lợi”, chị Thảo nói.
Hai chị em H’ miên (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) vừa xách chiếc ba lô ra khỏi phòng trọ để ra về, cô chủ trọ chạy theo miệng rạng rỡ nói: “Phòng em bỏ quên chiếc bút này. Chị em đi về cẩn thận nhé”.
Thí sinh H’Miên chia sẻ rằng, em ở trọ ở đâylà ngày thứ tư, toàn bộ chi phí trang trải trong mấy ngày thi chỉ mất 400.000 đồng. “Hai chị em ở trọ chỉ 50.000 đồng/ngày, ăn uống thì các anh chị tiếp sức mùa thi mang đến tận nơi, còn phát sữa uống nữa. Đi thi còn sướng hơn ở nhà”, H’Miên tươi cười chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì kỳ thi tại Đắk Nông, cho biết đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức một kỳ thi xét tuyển ĐH-CĐ nên tỉnh đã chuẩn bị rất kỹ để kỳ thi diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh, nhất là ở vùng sâu vùng xa. (THÁI THỊNH)
Được thi tại tỉnh: thí sinh, phụ huynh nhẹ nhàng
Thí sinh Nguyễn Kim Ngân (huyện Bình Đại), huyện xa nhất đến điểm thi tại TP Bến Tre nhưng do có xe đò đưa rước nên việc đi lại "khỏe", có thời gian ôn bài trên xe. Do đó, các môn thi Ngân đều làm khá tốt - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Bến Tre là một trong những tỉnh lần đầu tiên tổ chức thi THPT quốc gia tại địa phương. Hầu hết thí sinh khi được hỏi đều cho rằng đây là một lợi thế lớn về tâm lý, sức khỏe, còn phụ huynh cũng tiết kiệm được chi phí, thời gian.
Em Trần Vĩ Cường, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Mỏ Cày Nam, sau khi kết thúc môn thi Văn liền ra trước cổng trường tìm một quán cà phê võng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho môn thi buổi chiều. Cường cho biết từ huyện Mỏ Cày Nam, em đi xe buýt lên điểm thi sau đó có bạn rước vào điểm thi. “Được thi tại tỉnh, tâm lý em khá thoải mái. Cảm giác ngồi thi như một buổi kiểm tra học kỳ vậy”, Cường nói.
Còn Kim Ngân, thí sinh đến từ huyện Bình Đại, một trong những thí sinh đến điểm thi xa nhất trong mùa thi này, cho biết khác với cảnh các anh chị những năm trước phải khăn gói đi xa ở lại 3-4 ngày trong kỳ thi, năm nay em có thể đi về trong ngày bằng xe đò được nhà trường thuê. Sáng sớm, xe hẹn rước tại trường sau đó chở đến điểm thi, trên đường đi em và các bạn còn có thể ngồi ôn bài ngay trên xe.
Ông Bùi Ngọc Cần, ngụ TP Bến Tre cho biết năm nay ông cũng có con gái thi đại học nhưng hoàn toàn khác hẳn cảnh đưa con đi thi cách đây 3 năm. “Hồi đó tui đưa con lên TP.HCM 10 ngày để thi mà tiêu hết 10 triệu đồng. Còn năm nay khỏe quá. Sau khi đưa con đến điểm thi, tôi có thể quay về nhà ngay để làm việc nhà, hết giờ chạy ra rước”. (MẬU TRƯỜNG)
Vĩnh Long: "Mong năm tới vẫn thi ở tỉnh nhà"
Chị Lê Thị Hải ủng hộ tổ chức kì thi tại quê nhà - Ảnh: MINH TÂM |
Đa số phụ huynh mà chúng tôi tiếp xúc đều có những nhận xét tốt về việc lần đầu tiên Vĩnh Long tổ chức thi THPT tại quê nhà nhưng làm rất bài bản, hiệu quả...
Bà Lê Thị Hải, ngụ xã Phú Qưới, huyện Long Hồ, có con thi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tâm sự: “Tôi thấy làm rất tốt. Hàng trăm chỗ ở tại kí túc xá giá rất rẻ chỉ 20.000đ/người/đợt thi. Tình nguyện viên đưa rước thí sinh đến điểm thi miễn phí. Thức ăn mặn, chay, nước… được tặng thí sinh nghèo.
Nhớ 6 năm trước, tôi đưa thằng con trai từ Vĩnh Long qua Cần Thơ thi mệt vô cùng bởi khi ấy lượng thí sinh từ 13 tỉnh thành đổ dồn về Cần Thơ rất đông, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra khiến việc đi lại khó khăn. Rồi giá cả nhà trọ, chi phí ăn uống, sinh hoạt rất tốn kém. So sánh với bây giờ tôi thấy Vĩnh Long làm rất tốt”.
Mùa thi năm nay, TP Vĩnh Long có hàng ngàn chỗ ở miễn phí, giá rẻ ở kí túc xá của các trường cao đẳng, đại học với giá 20.000-50.000đ/người/đợt thi dành cho các sĩ tử từ các huyện.
Tại kí túc xá Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long có gần 200 sĩ tử đăng kí ở. Trong những ngày thi căng thẳng qua, ban quản lí kí túc xá và các tình nguyện viên cắm chốt tại đây đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các sĩ tử. Ban quản lý kí túc xá xuống hỏi han tình hình điện nước có đầy đủ không, động viên tinh thần thí sinh…
Còn tình nguyện viên đưa rước các em đến điểm thi, đem suất cơm miễn phí và khi những thí sinh cần mua những vật dụng cá nhân cần thiết các tình nguyện viên sẵn lòng mua giùm để thí sinh dành thời gian cho việc ôn bài... Cứ vậy mà tình cảm đong đầy, mọi người xem nhau như người thân.
Chiều 4-7, các thí sinh thi xong môn cuối, cũng là lúc phải chia tay. Ban quản lí kí túc, tình nguyện viên thay nhau dặn dò thí sinh sau khi có kết quả phải bình tĩnh chọn ngành nghề chứ không vội vã nộp hồ sơ. Mọi người trao cho nhau số điện thoại để liên lạc...
Thầy Trần Hoàng Phong - trưởng đoàn của Trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn nói lời tạm biệt với cô Cao Thị Oanh - quản lí kí túc xá Trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long vì đã giúp đỡ tận tình thầy trò của mình trong những ngày thi cử.
Cô Oanh cười thân mật: “Giúp đỡ cho các em cũng là nhiệm vụ chung của mọi người. Lần đầu tiên ký túc xá đón các em về ở nên có thể có khó tránh khỏi thiếu sót, mong thầy và các em thông cảm. Chúng tôi mong sang năm thầy Phong sẽ dẫn đoàn đến ở tại kí túc xá của trường nữa”… (MINH TÂM)
Các tình nguyện viên và các sĩ tử quyến luyến chia tay nhau - Ảnh: MINH TÂM |
Tất cả nói với nhau “nhớ mãi phút giây này” - Ảnh: MINH TÂM |
Tình nguyện viên Lê Ngọc Long San hướng dẫn thí sinh Nguyễn Thị Tường Vân phải bình tỉnh chọn ngành nghề chứ không vội vã nộp hồ sơ - Ảnh: MINH TÂM |
Thí sinh Võ Thị Ngọc Như chụp ảnh lưu niệm với chị tình nguyện viên Huỳnh Thị Kim Thắm - Ảnh: MINH TÂM |
Thầy Trần Hoàng Phong - trưởng đoàn của Trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn nói lời tạm biệt với cô Cao Thị Oanh - quản lí kí túc xá Trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long - Ảnh: MINH TÂM |
Tình nguyện viên, thí sinh bịn rịn sau môn thi cuối
Tình nguyện viên tại trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên chia tay thí sinh Vũ Đại Long sau môn thi - Ảnh: QUANG THẾ |
Kết thúc môn thi Sinh thời tiết ở Thái Nguyên khá nóng nhưng các bạn tình nguyện viên áo xanh vẫn xếp hàng, chia tay thí sinh sau môn thi cuối cùng. Những cái ôm, bắt tay làm ấm lòng các bậc phụ huynh khi đưa con, em đi thi tại điểm trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.
Thí sinh Vũ Đại Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cấp cứu trước ngày thi, tới phòng thi phải nhờ sự trợ giúp của tình nguyện viên hôm nay cũng đã khỏe trở lại. Không còn mệt mỏi như những hôm trước, thay vào đó là nụ cười, lời nói cảm ơn tới các bạn tình nguyện viên tại đây.
Sau kỳ thi lần này nhiều bậc phụ huynh cho rằng tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sau đó xét tuyển giảm được chi phí cho nhiều gia đình cũng như áp lực với thí sinh.
“Tôi nghĩ cần phải tiếp tục thực hiện kì thi ở các tỉnh vì nếu thí sinh tập trung xuống các trường ĐH ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn thì sẽ luôn bị quá tải. Ngoài tốn kém thì còn xảy ra nhiều vấn đề phức tạp", ông Đào Thanh Tâm (ở huyện Đồng Hỷ) cho biết.
Ông Đồng Quang Ngọc (thị trấn Đại Từ, Thái Nguyên) là phụ huynh có thí sinh dự thi THPT năm nay cho rằng việc tổ chức thi tại từng địa phương, không tập trung thành cụm như năm ngoái là rất thuận lợi cho cả thí sinh và phụ huynh, tránh nhiều vất vả khó khăn.
“Công tác tổ chức thi diễn ra thuận lợi cùng với sự giúp sức của các bạn sinh viên tình nguyện đã góp phần lớn mang đến kết quả thi tốt nhất cho mỗi thí sinh. Các năm sau nên tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức thi như thế này”, ông Ngọc nói. (QUANG THẾ - HOÀI NAM)
Chia tay nhiều nước mắt
Phụ huynh và thí sinh chụp hình lưu niệm cùng gia đình chủ trọ miễn phí trước khi ra về - Ảnh: A LỘC |
Tại nhà của cô Phan Thị Ngọc Tú - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), nơi tiếp nhận 9 thí sinh và 4 phụ huynh vào ở miễn phí, không khí lặng hơn những ngày qua.
Bà Trần Ngọc Yến - mẹ của thí sinh Nguyễn Thanh Ngân (Trường THPP Đoàn Kết, huyện Tân Phú), chia sẻ từ ngày hôm qua 3-7, sau khi kết thúc môn Hóa, một số phụ huynh và thí sinh ở trọ tại đây đã khăn gói về nhà, chỉ còn lại hai mẹ con bà cùng với ba người khác, nghĩ đến cảnh sắp phải xa nơi này tự nhiên buồn quá.
“Hôm qua có mấy người về trước, tụi nhỏ ôm nhau khóc quá trời khiến phụ huynh cũng khóc theo. Mặc dù mới quen nhau, nhưng ăn ở chung với nhau gần một tuần nay nên ai cũng thấy mến nhau”, bà Yến nói.
Bà Yến kể năm nay lần đầu con gái lớn đi thi, bà đi theo lo ăn uống, chỗ ở cho con. Hai mẹ con từ bắt xe buýt từ huyện Tân Phú lên đến điểm thi thì được sinh viên tình nguyện hướng dẫn vào ở tại nhà cô Tú. Tại đây, bà được xếp ở chung cùng với ba phụ huynh và 8 thí sinh khác đến từ các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Hòa - chị của thí sinh Nguyễn Thị Bích Nguyệt (Trường THPT Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc), chia sẻ thật may mắn khi được ở trọ miễn phí tại đây. Ban đầu vào còn lo lắng không quen, đến giờ ở quen rồi, chỗ trọ như nhà, bạn trọ không khác gì người thân trong gia đình, chia tay ai cũng buồn.
Khi được hỏi về cảm nhận về chủ nhà, cả bà Yến và chị Hòa đều chung nhận định cô Tú thân thiện, vui tính và tạo cảm giác ấm áp như một gia đình. “Cô Tú ít khi ở nhà, nhưng mỗi lần về đến nhà cô đều ghé vào phòng hỏi thăm mấy đứa nhỏ thi được hay không, kèm theo đó là những lời dặn dò, động viên các em cố gắng trước khi về phòng riêng. Và, không ít lần cô Tú dặn chúng tôi tự nhiên nấu ăn trong nhà”, chị Hòa kể.
Còn cô Tú khi được hỏi chỉ nói do cô không biết sớm nên không chuẩn bị gì, có phòng dư ba mẹ con không ở hết nên cho mọi người vô ở. “Năm sau nếu kỳ thi tiếp tục được tổ chức tôi vẫn sẽ tiếp tục cho thí sinh và phụ huynh có nhu cầu ở miễn phí”, cô Tú khẳng định.
Phụ huynh và thí sinh rời kí túc xá Trường ĐH Đồng Nai về nhà sau khi thi xong muôn cuối cùng - Ảnh: A LỘC |
Tiễn mọi người về, cô Tú không quên dặn từng người có dịp ghé nhà cô chơi. Hai mẹ con bà Yến lại ôm cô Tú thật chặt, Ngân nắm tay cô nghẹn ngào cảm ơn và hứa “nhất định con sẽ lên thăm cô và các em”. Còn Nguyệt sau khi chào cô Tú quay lại nói với bé Đào (con cô Tú) “có dịp cô lên kết tóc cho con nữa nha” trước khi lên xe chị gái về nhà.
Chiều 4-7, trước điểm thi Trường ĐH Đồng Nai, hàng trăm phụ huynh đã dọn đồ đạc chuẩn bị sẵn sàng, chờ các thí sinh thi ra là chở về. Ông Ngô Hồng Ân (ngụ xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh) - phụ huynh thí sinh Ngô Trường An (thí sinh tự do), cho biết năm ngoái ông phải chở con lên TP.HCM để dự thi, nhưng do thiếu điểm nên năm nay con ông thi lại tại Đồng Nai.
Theo ông Ân, điểm khác biệt lớn nhất so với khi thi ở TP.HCM là không lo xảy ra tình trạng kẹt xe, chi phí đi lại, ăn ở cũng thấp hơn, đặc biệt là không phải lo khâu hết phòng trọ.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Thủy - phụ huynh của thí sinh Nguyễn Đăng Quốc Cường (Trường THPT Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đánh giá, sau 5 ngày đưa con đi thi không vất vả như trước đó ông lo ngại.
Ông Thủy nhận định, việc đưa kỳ thi về địa phương giúp hạn chế được kinh phí, thời gian đi lại, đặc biệt là khâu thuê phòng ở rất dễ dàng. “Tôi với con tôi lên đây thuê nhà nghỉ ở gần điểm thi với giá 180.000 đồng/ngày/phòng. Giá như vậy là chấp nhận được mà lại hết sức tiện nghi, đầy đủ”, ông Thủy vui vẻ nói. (A LỘC)
16 năm tiếp sức sĩ tử
Tại cụm thi 59 Trường ĐH An Giang, bên cạnh Đội tiếp sức mùa thi của trường, còn có đội tiếp sức thầm lặng giúp thí sinh suốt 16 năm qua. Đó là Đội tiếp sức mùa thi của sinh viên Công giáo An Giang. Kỳ thi năm nay, đội đã lo ăn, ở và ngủ miễn phí cho gần 200 thí sinh. Bạn Nguyễn Thị Tiểu My - Đội trưởng nhóm sinh viên Công giáo Long Xuyên, cho biết đội có 80 tình nguyện viên có nhiệm vụ đưa đón thí sinh từ Tòa Giám mục Long Xuyên đến điểm thi. "Suốt 4 ngày thi, các thí sinh được ăn, ngủ miễn phí, ngoài ra còn được sinh hoạt vui chơi để giải tỏa áp lực thi cử. Tổng chi phí trong đợt này gần 40 triệu đồng do Tòa Giám mục cung cấp. Điều vui nhất là sau khi thi ra về, các thí sinh đều viết thư bày tỏ quí mến tụi em, làm tụi em vui lắm!", My nói. My cho biết, việc tiếp sức thí sinh được Tòa Giám mục Long Xuyên duy trì từ năm 2000 đến nay. Năm 2015, nơi đây tiếp nhận trên 400 thí sinh của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đa số các bạn đến đây là thí sinh Công giáo. 30% còn lại là ngoại đạo. "Thí sinh nào đến đây cũng đều được xem như người một nhà, các anh chị em không phân biệt đối xử. Tất cả đều cùng ăn, cùng ngủ rất vui. Cuối buổi này là các em về rồi nhưng tụi em thấy vui và hạnh phúc lắm. Nhiều bạn trong Đội xúc động khi đọc lại những lá thư mà mấy bạn ấy đã viết về chúng em", My nói.
BỬU ĐẤU |
Phụ huynh Phú Quốc: thi tại chỗ rất tuyệt vời!
Nhiều phụ huynh ở Phú Quốc tỏ ra rất hài lòng với việc Bộ GD&ĐT tổ chức 1 điểm thi THPT quốc gia ngay tại đảo ngọc. Tất cả đều cho rằng việc tổ chức kỳ thi ngay tại đảo giúp cho gia đình thí sinh đỡ tốn kém, thí sinh đi thi sẽ chủ động về thời gian và an toàn hơn vì đã quen với đường sá. Việc ăn uống tại nhà hợp khẩu vị và an toàn giúp học sinh có được một sức khỏe tốt nhất, qua đó giúp cho bài thi của các em đạt kết quả cao hơn. Ngoài ra, việc học sinh đi đất liền thi như những năm trước gây không ít khó khăn, vì mùa này biển hay động, máy bay thì không phải lúc nào cũng có vé, đi đường xa lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó nếu đi trước thì lại tốn kém nhiều hơn. Một phụ huynh cho biết năm ngoái có con thi tại Cần Thơ, gia đình phải cử theo 1 người để chăm sóc cho con. Sau kỳ thi, tính toán chi phí tốn khoảng 15 triệu đồng. “Việc tổ chức kỳ thi tại Phú Quốc giúp chúng tôi đỡ tốn kém rất nhiều, ngoài ra còn nhiều thuận lợi khác nữa. Nói chung là rất tuyệt vời”, phụ huynh này nói. Nói về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều phụ huynh đánh giá rất tốt. Thứ nhất, năm nay mỗi thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng (mỗi thí sinh được 2 phiếu đăng ký), không có việc thí sinh nộp hồ sơ vào trường này rồi rút ra nộp trường khác nên phụ huynh và học sinh tránh được tâm trạng hồi hộp, mất ăn mất ngủ để theo dõi bảng điểm như kiểu theo dõi sự lên xuống của “thị trường chứng khoán” như năm ngoái. Kế đến, đề thi năm nay có sự phân hóa rõ ràng, các câu hỏi rải đều ở các mức độ giỏi, khá, trung bình… Tuy nhiên, việc xếp môn Toán lên thi đầu tiên khiến nhiều học sinh gặp khó khăn, bởi môn này khó, gây áp lực ngay từ đầu kỳ thi nếu chẳng may các em bị “sẩy chân” môn này (HOÀNG TRUNG) |
"Cảm ơn mấy anh nhiều nha", thí sinh Lê Minh Trung sau buổi thi cuối cùng tại điểm thi trường Cao đẳng Sư Phạm Long An, khi ngồi lên xe do trường tổ chức để về lại nhà ở huyện Mộc Hóa, đã xin được nắm tay cảm ơn các sinh viên tiếp sức mùa thi đã hướng dẫn mình những ngày qua - Ảnh: SƠN LÂM |
"Gặp lại trong trường an ninh không thì đường ai nấy đi luôn rồi đó". Học cùng trường THPT Kiến Tường, Long An, nhưng nhà Phan Văn Quý (đứng dưới) cách nhà Lê Minh Trung gần 20 cây số. Những ngày qua, cả hai cùng ở trong ký túc xá trường Cao đẳng Sư phạm để dự thi. Cùng đăng ký vào Trường ĐH An ninh, đến buổi cuối cùng, do Quý được người thân đón về bằng xe máy còn Trung đi bằng xe đưa đi thi của trường, cả hai cứ nắm tay nói chuyện với nhau cho đến lúc xe chở Trung chạy đi. "Nhà xa quá, chuyến này chỉ hy vọng gặp lại nhau ở giảng đường đại học, còn không thì đường ai nấy đi thôi", Quý nói - Ảnh: SƠN LÂM |
Thí sinh và phụ huynh dọn đồ rời ký túc xá điểm thi THPT chuyên Long An sau 5 ngày thi - Ảnh: SƠN LÂM |
Các bà mẹ sắp xếp hành lý chờ con thi xong để về quê - Ảnh: LÊ TRUNG |
Hai thí sinh chờ bắt xe về quê - Ảnh: LÊ TRUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận