Băng tại Nam Cực. Ảnh minh họa: TTXVN
Các nhà khoa học Mỹ đã công bố phát hiện trên trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science số ra ngày 20/2.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Rochester của Mỹ đã tiến hành khoan sâu xuống sông băng Taylor ở Nam Cực để lấy lõi băng nghiên cứu. Mẫu lõi băng này có chứa những bong bóng nhỏ chứa một lượng nhỏ khí mêtan có từ thời tan băng cuối cùng của Trái Đất diễn ra từ 8.000 đến 15.000 năm trước. Các nhà khoa học đã làm tan chảy mẫu lõi băng này nhằm lấy khí mêtan để đo thành phần của nó.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Michael Dyonisius cho biết giai đoạn cách đây từ 8.000 đến 15.000 năm phần nào giống với giai đoạn hiện nay khi Trái Đất chuyển từ tình trạng lạnh sang ấm hơn. Tuy nhiên, trong thời kỳ tan băng lần cuối này, tình trạng biến đổi khí hậu là thuận theo tự nhiên trong khi tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay trên Trái Đất là do các hoạt động của con người. Ông cho biết Trái Đất hiện nay đang chuyển từ tình trạng ấm lên sang ấm hơn nữa.
Sau khi tiến hành phân tích chất đồng vị carbon-14 của khí mêtan có trong mẫu lõi băng, các nhà khoa học phát hiện thấy chỉ một lượng nhỏ khí mêtan thoát ra từ các tầng đất đóng băng vĩnh cửu hay từ đáy đại dương. Điều này cho thấy khả năng khí này tạo ra hiện tượng ấm lên của Trái Đất là rất thấp.
Theo nghiên cứu, thậm chí nếu khí mêtan được giải phóng từ các tầng đất đóng băng vĩnh cửu hay dưới đáy đại dương do hiện tượng ấm lên của Trái Đất, thì rất ít trong số này có thể lên tới bầu khí quyển. Nếu được giải phóng từ đáy đại dương, phần lớn khí mêtan đã bị hòa tan và bị ôxy hóa bởi các vi khuẩn trong đại dương thậm chí trước khi chúng lên tới được bầu khí quyển. Nếu chúng nằm đủ sâu trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu thì sẽ bị ô xy hóa bởi các vi khuẩn ăn khí mêtan.
Nhà nghiên cứu Dyonisius nhấn mạnh rằng điều mà các nước cần quan tâm hơn hiện nay là lượng phát thải từ các hoạt động của con người vốn là nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận