Công nghệ mạng nơron có thể giúp máy móc “nếm” được vị đồ ăn - Ảnh: AFP
Chúng tôi tạo ra sự minh bạch để giúp mọi người biết mình đang ăn gì. Cùng lúc đó, chúng tôi giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Alan Lai giải thích mục tiêu của hãng khi đưa công nghệ AI vào sử dụng.
Theo Nikkei Asian Review ngày 2-2, công nghệ mạng nơron - một dạng của trí tuệ nhân tạo (AI) - được phát triển nhằm mô phỏng quá trình hoạt động của não bộ.
Một số công ty thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) muốn ứng dụng công nghệ này cùng các phát minh AI khác vào việc nghiên cứu nguồn gốc và cơ chế của cảm giác thỏa mãn. Từ đó, họ kỳ vọng phát kiến mới này sẽ phục vụ việc phát triển sản phẩm.
Thỏa mãn vị giác
Hãng rượu Barcadi Nhật Bản là một trong số đông doanh nghiệp tham gia phong trào trên. Barcadi đã liên kết cùng startup Aissy nhằm tìm kiếm "một nửa hoàn hảo" cho món cocktail kết hợp từ tonic và Bombay Sapphire, loại rượu gin mang tính biểu tượng của hãng.
Ban đầu, Aissy đưa thực phẩm hoặc đồ uống vào một máy phân tích mùi vị. Bộ cảm biến trong thiết bị này sẽ tìm ra các hợp chất hóa học giúp kích thích vị giác trong món ăn. Sau khi xác định và phân loại được các chất ấy, chiếc máy tiếp tục dùng công nghệ mạng nơron nhằm định lượng mùi vị theo ngọt, mặn, chua, đắng và umami (hay còn gọi là "vị ngon" hay "vị ngọt thịt").
Thiết bị này còn có thể kiểm tra độ tương thích giữa đồ ăn và đồ uống. Aissy cho rằng điểm này có thể mở ra nhiều hướng phát triển mới cho ngành nghiên cứu thị trường và quảng cáo. "Mọi người thường tận hưởng việc kết hợp (giữa đồ ăn và thức uống) khi đạt được độ cân bằng cao giữa các mùi vị khác nhau" - ông Ryuichi Suzuki, CEO của Aissy, cho biết.
Tuy nhiên, Nikkei Asian Review cho rằng nhận định của ông Suzuki thực tế chưa được chứng minh một cách khoa học, mà chỉ được củng cố bởi nhiều bằng chứng khác nhau. Điển hình, người Nhật Bản thường xem cơm trắng và trà xanh là bộ đôi hoàn hảo. Kết quả phân tích từ máy móc của Aissy cũng cho thấy bộ đôi này được chấm điểm 97/100. Trong khi đó, cơm và sữa - sự kết hợp người Nhật không mấy ưa thích - chỉ đạt cao nhất 73 điểm.
Theo Aissy, tỉ lệ tương thích từ 90% trở lên cho thấy sự kết hợp tốt nhất, trong khi thấp hơn 80% là sự phối hợp không mấy ngon miệng.
Trong quá trình phối hợp, Barcadi phát hiện món cocktail của họ phối hợp tốt nhất cùng món... cà ri. Máy phân tích xác định vị ngọt, chua và hơi đắng của loại đồ uống này phối hợp "ăn ý" cùng vị mặn và ngọt thịt của cà ri, đạt mức điểm 94,8, cao hơn cả bộ đôi vang đỏ và bít tết nổi tiếng.
Phát hiện thực phẩm giả
Việc làm giả các mặt hàng thực phẩm đã không còn là chuyện hiếm. Theo trang Asian Scientist, loại thực phẩm bị làm giả nhiều nhất cũng chính là thức uống được ưa dùng nhất thế giới: trà xanh. Giám đốc điều hành của startup công nghệ thực phẩm ProfilePrint, Alan Lai, giải thích đó là vì sẽ dễ thu lời hơn rất nhiều nếu có thể "bán những lá trà chất lượng thấp với giá cao". Ông Lai cũng cho biết nhiều loại thực phẩm đắt tiền khác như nấm cục và nhân sâm cũng đối mặt với nguy cơ bị làm giả.
Để đối phó với vấn nạn trên, nhiều công ty đã đào tạo các chuyên gia nếm trà. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không phải giải pháp tuyệt đối khi không phải ai cũng có thể phân biệt thật tốt các mùi vị. Sức khỏe của người nếm cũng dễ bị đe dọa nếu lá trà được tẩm ướp các chất độc hại.
ProfilePrint đã nhảy vào thị trường để giải quyết chướng ngại này. Hãng đã phát triển công nghệ riêng là một máy quét sử dụng AI và phân tích hóa học nhằm xác định và phân loại trà, cũng như nhiều loại thực phẩm khác.
Theo Asian Scientist, công nghệ này tiêu tốn ít tiền bạc và thời gian hơn rất nhiều, khi các nhà nghiên cứu không cần phải nghiền nát hoặc chế biến mẫu trà trước khi phân tích. Bên cạnh đó, bộ dữ liệu của ProfilePrint cũng cho phép xác minh nguồn gốc, phương thức sản xuất và mùa thu hoạch của trà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận