TTCT - Trong số ra tuần 7-7, Time (*) đã đặt vấn đề về những vụ tự tử tuổi thiếu niên được cho là liên quan đến trang web hỏi đáp: Ask.fm. Nhưng đằng sau nó là một vấn đề rộng lớn hơn: những bộ óc thiếu niên non nớt đang phải xoay xở ra sao trong kỷ nguyên mà thông tin thời kỹ thuật số có thể làm lạc lối cả người lớn? Mark Terebin (trái) và Ilja Terebin (phải), hai đồng sáng lập Ask.fm - Ảnh: dailymail.co.uk TTCT trích giới thiệu. Ngày 10-1-2014, Matthew Homyk 14 tuổi, học sinh Trường trung học Brunswick, Cleveland, Ohio, tự tử. Trong khi cảnh sát chưa kết luận nguyên nhân thì bạn bè cậu khẳng định Matthew chết vì bị bắt nạt tại trường và trên trang web hỏi đáp Ask.fm. Đây không phải lần đầu Ask.fm bị cho là có liên quan đến nạn tự tử tuổi thiếu niên. Tháng 8-2013, vụ tự tử của Hannah Smith 14 tuổi ở Lutterworth, Leicestershire (Anh) cũng đã khiến trang web này bị nhắc đến. Theo báo chí Anh khi đó (**), Hannah Smith tìm đến cái chết sau khi trang Ask.fm của cô nhận được những tin nhắn nặc danh “Đi mà chết đi”, “Uống thuốc tẩy đi”, “Bị ung thư đi”... Cha cô, ông David Smith, đã cáo buộc người sáng lập trang này là Mark Terebin “nhảy múa trên nấm mồ” con gái ông vì chỉ mười ngày sau khi Hannah tự tử, Mark đã tải lên tài khoản Twitter của mình hình một người đàn ông đội mũ bảo hiểm ngồi trước máy tính, kèm theo dòng thông báo số người đăng ký sử dụng Ask.fm đã vọt lên tới 70 triệu so với 60 triệu của sáu tuần trước đó! Vụ tự tử của Smith đã gây làn sóng phẫn nộ ở Anh, đến mức Thủ tướng David Cameron kêu gọi tẩy chay trang web này. Khi đâm sau lưng là chuyện bình thường! Đồng sáng lập Ask.fm, hai anh em người Latvia Mark và Ilja Terebin ủng hộ quyền tự do tư tưởng và tỏ bày ý kiến, không lo âu mấy cho nguy cơ bắt nạt mà sản phẩm họ mang tới. Thật ra, nạn bắt nạt cũng đâu phải là chuyện mới. Cái mới hơn là công nghệ đã giúp cho việc phản hồi trên một trang web diễn ra liên tục suốt ngày đêm. Phối hợp các trang kiểu Ask.fm với sự phổ biến của smartphone đã khiến mỗi học sinh mang theo lớp học mình về nhà, một căn phòng khóa kín mà họ không bao giờ có thể thoát khỏi. Với các bậc cha mẹ, họ phải đối diện với một thực tại mới: nếu con của họ sử dụng một trang mạng nặc danh, khi điện thoại của con họ rung suốt trên bàn ăn, có nghĩa bạn trẻ đó không chỉ phớt lờ cha mẹ mà chúng còn bị rơi vào một thế giới nhiều khả năng là độc ác và bất an, hai mối đe dọa không nhỏ cho giới trẻ trong kỷ nguyên số. Những khám phá mới đây của sinh học thần kinh cho thấy não của tuổi thiếu niên chưa được trang bị đủ để đối phó với những cảm xúc quá mạnh mẽ. Kể từ năm 2012, các tường thuật báo chí cho rằng Ask.fm là nhân tố gây ít nhất 16 vụ tự tử tuổi thiếu niên ở Mỹ và châu Âu. Các nhà nghiên cứu Internet và các chuyên gia tâm thần cho rằng không một trang web nào một mình nó có thể khiến một thiếu niên khỏe mạnh tự làm hại mình. Vậy thì tình trạng nặc danh và việc kết nối liên tục đang mang tới những hậu quả gì? Giới trẻ thường vào Ask.fm để đặt câu hỏi (có thể nặc danh) và đọc trả lời sau đó. Thực tế, Ask.fm là một trang có thể gây nghiện: bạn vừa chờ trả lời cho những câu hỏi mình đặt ra và hi vọng ai đó sẽ hỏi bạn. Đôi khi đó cũng chẳng cần là câu hỏi. Thử vào trang Ask.fm của một bạn trẻ lớp 9: “Ảnh của bạn đẹp quá”, “Bạn có thích ai không?”, “Bạn có thích đi chơi với tôi không?”. Lời đáp của bạn gái này là: “Cảm ơ...nnnnn”. “Hả?”. “Chắc không”. Với Ask.fm, khi hỏi có thể nặc danh nhưng đáp thì riêng tư, một xu hướng mới của Internet phối hợp cả tính bí mật và công khai. Cần phải nói là tính nặc danh có sức cám dỗ lớn. Những ứng dụng sẻ chia bí mật như Secret và Whisper và mới đây là Yik Yak cho phép người dùng đăng tải những thông tin không cần ký tên về những người xung quanh họ. Nếu đọc trang Ask.fm của các bạn trẻ sẽ thấy trang này cũng là một kiểu tán gẫu vớ vẩn. Những học sinh lớp 9 ở New York được hỏi về Ask.fm đã kể họ cũng không nhớ rõ Ask.fm đi vào cuộc đời họ như thế nào. “Đó là cách để câu comment”. “Bạn muốn mọi người thấy mình thú vị”. “Không có nó, ta có cảm tưởng là bỏ lỡ gì đó”. Tuy nhiên, Rosalind Wiseman - tác giả nổi tiếng của nhiều quyển sách cho các bậc cha mẹ và giới trẻ - cho rằng bằng cách này, Internet đã giúp tạo ra “một nền văn hóa trong giới trẻ cho rằng sự phỉ báng, đâm sau lưng hay bôi nhọ kẻ khác là chuyện bình thường trong quan hệ giữa con người. Nó bình thường hóa chuyện làm mất tính người”. Theo một nghiên cứu của Pew năm 2011 (thực hiện trước khi bùng nổ các ứng dụng nặc danh) thì 88% thiếu niên Mỹ từng chứng kiến sự độc ác trên mạng xã hội. 13% cảm thấy lo âu cho việc tới trường ngày hôm sau bởi một chuyện gì đó đã xảy ra trên mạng tối hôm trước. Justin Patchin, một nhà nghiên cứu về bắt nạt trên mạng tại Đại học Wisconsin ở Eau Claire, nói ông nhận thấy việc bắt nạt trên mạng tác động tới con người rất khác với việc bắt nạt cá nhân ngoài đời, và cho biết đang có kế hoạch nghiên cứu tiếp tục về vấn nạn này. Là bởi cách giới trẻ kết nối khác với cách cha mẹ họ, thậm chí khác cả cách kết nối của những người lớn hơn họ chỉ vài tuổi. Não của thiếu niên là một cơ quan chưa biết phân biệt: mức chất xám của não - trong đó những mô thần kinh có chức năng nhận thức và xúc cảm - đạt cao nhất ở tuổi thiếu niên. Trong khi đó so với người lớn, não thiếu niên ít chất trắng hơn - những mô thần kinh bảo đảm cho sự phối hợp hiệu quả và mạnh mẽ trong toàn não bộ. Mối liên kết giữa phần còn lại của não và thùy trán, có nhiệm vụ tiên đoán những hậu quả hành động và nhận diện khác biệt giữa cái tốt và xấu, thường chưa hoàn thiện cho đến khi người ta bước vào tuổi 20. Ném bộ não thiếu niên này vào mạng xã hội, một biển rối rắm mà cả người lớn nhiều khi còn mất phương hướng, người ta sẽ được gì? Tiến sĩ Jay Giedd, nhà sinh học thần kinh tâm lý trẻ em của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ, cho rằng não của thiếu niên giống như người chỉ thích những phần thưởng nhỏ, tức thì hơn là những tưởng thưởng lớn về sau. Giới thiếu niên dựa nhiều vào sự ủng hộ của bạn bè đồng lứa hơn là thầy cô hay cha mẹ. Và làn sóng phản hồi liên tục trên những trang xã hội như Ask.fm sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những xu hướng tiêu cực ấy của người dùng. Và như thế, mùa thu năm 2013, nếu ai vào đọc trang Ask.fm của Matthew Homyk, họ sẽ thấy lẫn lộn giữa những câu trêu đùa và thán phục của bạn bè còn có những nhận xét thù địch và nặc danh nhắm vào Matthew. “Tao ghét mày. Cút khỏi đời tao đi”, một câu viết. Bạn gái của Matthew, như ai đó nhận xét: “xứng đáng hơn mày”. “Đi mà hẹn hò với đứa khác. Dẫu với một thằng chết tiệt cũng còn tốt hơn mày”. “Không có đứa con gái nào khác ưa mày đâu”. “Hãy để bọn con gái khác yên... Tránh xa chúng ra”... Khi Matthew đến gặp cha, ông Ray Homyk, Ray đã đọc trang web này cùng con. Ông bảo Matthew rằng đó là chuyện vớ vẩn đặc trưng của tuổi thiếu niên và cậu nên bỏ trang này đi. Matthew nghe lời cha, nhưng chỉ được vài tuần cậu lại không cưỡng được việc vào trang web, vì cậu muốn “biết tụi nó nói gì về mình”. Tháng 11 và 12-2013, Matthew nhập viện vì hai mưu toan tự tử không thành công. Những bình phẩm tàn ác tiếp tục đeo đuổi. “Không bạn bè”. “Mày bị tâm thần à?”. Ray thỉnh thoảng đọc trang web cùng con và lo âu. Ngày 10-1-2014, Matthew xuất viện. Và cậu treo cổ chết ngay tối đó. Đến nay vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng nào cho vụ tự tử của Matthew. Tuy nhiên với cha cậu, cái chết của Matthew là một bi kịch hơn là một bí ẩn. Matthew Homyk tự tử sau khi nhận được những tin nhắn độc ác nặc danh trên trang Ask.fm - Ảnh: ask.fm Chúng ta dạy mọi người bắt nạt Trong khi đó, anh em nhà Terebins khẳng định sáng tạo của họ đang giúp giới trẻ trưởng thành. “Trên trang Ask.fm, người trẻ trở nên cởi mở hơn. Họ sẽ phát triển tự do, một điều rất quan trọng trong xã hội hiện nay” - Ilja Terebin nói. Hai anh em Terebin cho rằng giới trẻ sẽ học nhiều từ những trang mạng xã hội nếu được cha mẹ cho phép lên mạng: học cách sống chung với người khác, hiểu hậu quả những gì họ nói. Thảo luận cởi mở, tự do sẽ dẫn tới gần sự thật hơn và thúc đẩy dân chủ toàn cầu. Dẫu hai anh em Terebin xác nhận có tình trạng bắt nạt diễn ra trên trang web của họ, nhưng họ không nhận trách nhiệm về điều đó. Ilja cho rằng nguyên nhân nằm ở xã hội tự mãn với những tiêu chuẩn xấu: “Chúng ta dạy mọi người bắt nạt. Cứ nhìn vào truyền thông đi. Bạn có cơ bắp không? Wow, bạn là chàng trai hấp dẫn. Bạn mập à? Bạn là kẻ thất bại. Bạn làm tình rồi à? Ồ, bạn thật đỉnh. Chưa à? Bạn là kẻ thua cuộc. Chúng tôi không thể làm gì nếu các bậc cha mẹ cứ ngồi uống bia, xem tivi và đọc tạp chí về các ngôi sao”. Ilja nói tiếp: “Mọi người cứ tìm ai đó để đổ lỗi và chúng tôi là mục tiêu dễ dàng. Chúng tôi ở Đông Âu, không có nhiều tiền và luật sư thích hợp. Vậy thì sao không bắt nạt chúng tôi để lấy điểm?”. Hai anh em Terebin nói họ không chỉ hợp tác chặt chẽ với các nhà thừa hành pháp luật, mà còn đọc từng trang của những thiếu niên tự tử mà báo chí cho là có liên quan tới Ask.fm. Trong trường hợp của Hannah Smith, họ cho biết cô là người gửi những thông điệp đen tối đó tới chính mình. (Và cuộc điều tra của cảnh sát Anh công bố hồi tháng 5 đã khẳng định điều này, minh oan cho anh em Terebin trong cái chết của Hannah Smith). Trong khi các chuyên gia nghiên cứu Ask.fm, doanh nghiệp của anh em Terebin lại trở nên nổi tiếng và họ tiếp tục giấc mộng mở rộng công ty, với văn phòng mới ở London và New York. Với những ai muốn đóng cửa trang web này, Ilja khẳng định: “Đóng trang web này sẽ có trang web khác. Hãy đóng cửa McDonald! Đóng Internet! Đóng đường và cấm ôtô! Người ta sẽ muốn hỏi có gì sai với chúng tôi đây? Không ai muốn hỏi những câu hỏi quan trọng nữa. Tại sao có sự ích kỷ? Tại sao không còn tiếng cười?”. Ông Ray Homyk đồng tình với anh em Terebin: trách nhiệm sửa sang mọi việc không nằm ở Ask.fm. Chính là các bậc cha mẹ, nhà trường và học sinh phải tự xây dựng một xã hội hiền lành và hòa nhã hơn. Nhưng ông khẳng định: “Matthew không tự tử vì Ask.fm. Nhưng rõ ràng nó (Ask.fm) cũng đã không giúp được gì. Nó đã không giúp đỡ gì”. (*): http://time.com/2926428/ask-fm-the-antisocial-network/. (**): http://www.dailymail.co.uk/news/article-2392583/Ask-FM-founder-Mark-Terebin-shrugs-criticism-following-Hannah-Smiths-suicide.html. Tags: Mạng xã hội
Bầu cử Mỹ: Kết quả tại 8 hạt có thể báo hiệu người chiến thắng DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.