17/01/2015 10:14 GMT+7

​Khi luật sư bị gây khó dễ

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Nhiều luật sư than phiền bị gây khó dễ khi xin cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc đăng ký gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

Luật sư Phan Trung Hoài tại một phiên tòa - Ảnh: Thuận Thắng
Quyền tiếp cận ngay từ đầu và quyền tiếp xúc riêng tư giữa người bào chữa và người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã được hiến định, nhưng trên thực tế đây là quyền lợi thường bị xâm hại, đặc biệt trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự  
Luật sư Phan Trung Hoài

Bộ luật tố tụng hình sự có quy định rõ về thời hiệu cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng nhiều luật sư than phiền bị gây khó dễ khi xin cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc đăng ký gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

Khoản 4, điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do. Thế nhưng trên thực tế có luật sư từ khi yêu cầu đến khi được cấp giấy chứng nhận kéo dài cả năm trời.

Nhiều luật sư khiếu nại

Theo luật sư Phan Trung Hoài - chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ luật sư Liên đoàn Luật sư VN, có rất nhiều luật sư khiếu nại, phàn nàn về việc một số cơ quan tiến hành tố tụng gây cản trở, khó khăn cho việc tham gia của luật sư, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Thống kê của Liên đoàn Luật sư VN cho thấy từ năm 2009 đến nay có hơn 150 vụ việc luật sư có văn bản khiếu nại và đề nghị can thiệp, tháo gỡ những rào cản, trong đó tập trung liên quan đến thủ tục và thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc bị từ chối cấp giấy không có lý do rõ ràng và không được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng.

“Cá biệt có trường hợp sáu tháng cơ quan điều tra mới cấp giấy chứng nhận bào chữa, chín tháng mới cho gặp bị can lần đầu tiên, thậm chí có nơi hơn một năm vẫn không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư” - ông Phan Trung Hoài nói.

Được cấp giấy chứng nhận người bào chữa đã khó, một số luật sư còn than phiền việc đăng ký gặp mặt người bị tạm giữ, bị can, bị cáo còn khó hơn.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, cơ quan điều tra thường đưa ra những thủ tục không có quy định trong luật (như phải có lệnh trích xuất hoặc giấy giới thiệu của tòa án).

Báo cáo của Liên đoàn Luật sư VN mới đây còn nêu rõ vụ luật sư Lê Quang Y được cấp giấy chứng nhận người bào chữa đã sáu tháng nhưng không được công an và giám thị nhà tạm giữ TP Mỹ Tho cho phép gặp bị cáo.

Cả ba cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án TP Mỹ Tho đùn đẩy, không giải quyết, luật sư phải đi lại nhiều lần, buộc Liên đoàn Luật sư VN phải trực tiếp liên hệ và báo cáo đồng chí bí thư Thành ủy TP Mỹ Tho đề nghị can thiệp thì mới được giải quyết.

Đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa

Theo luật sư Phan Trung Hoài: “Quyền tiếp cận ngay từ đầu và quyền tiếp xúc riêng tư giữa người bào chữa và người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã được hiến định nhưng trên thực tế đây là quyền lợi thường bị xâm hại, đặc biệt trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Muốn đảm bảo thực hiện quyền hiến định này, khi người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, họ có quyền ngay lập tức nhờ luật sư và luật sư được quyền tiếp cận, gặp mặt ngay lập tức với họ. Mấu chốt vấn đề chính là việc ghi nhận và cụ thể hóa quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ. Phải có cơ chế giám sát gián tiếp thông qua hệ thống màn hình camera, nhưng không đặt chế độ ghi âm hoặc truyền âm. Các trại tạm giam, nhà tạm giữ, trại cải tạo sẽ cần phải đầu tư cơ sở vật chất nhất định và bố trí thiết kế thích hợp các phòng làm việc riêng biệt của người bào chữa với khách hàng họ nhận bào chữa”.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa chính là rào cản lớn nhất, hạn chế sự tham gia của người bào chữa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng.

Trong các báo cáo đánh giá thực trạng hành nghề luật sư, tại các cuộc gặp với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Liên đoàn Luật sư VN kiên trì quan điểm đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư nhưng chưa được chấp thuận.

Mới đây vào tháng 8-2014, chánh án TAND tối cao cũng có văn bản kiến nghị với Quốc hội đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa và chuyển sang chế độ đăng ký có luật sư với cơ quan tố tụng như Liên đoàn Luật sư VN đề nghị.

Theo luật sư Ngô Ngọc Trai - Đoàn luật sư tỉnh Nam Định, thực trạng vô lý lâu nay là mặc dù Luật luật sư quy định giấy chứng nhận bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng nhưng thực tế cứ sau mỗi giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử, luật sư lại phải làm lại thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Để giải quyết tất cả vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư Trai cho rằng nên cân nhắc bỏ loại giấy này.

“Tôi rất tôn trọng hoạt động của luật sư”

Đó là ý kiến của ông Phạm Huy Thận - nguyên cục trưởng Cục Điều tra, nguyên vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ông Thận nói:

“Khi còn phụ trách công tác điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và điều tra trực tiếp, tôi rất tôn trọng hoạt động của các luật sư, luôn tạo điều kiện để các luật sư được tiếp xúc với bị can một cách dễ dàng. Bởi chúng tôi nhận thức được đó là quyền của bị can và cũng là quyền, nghĩa vụ của các luật sư. Việc tạo điều kiện cho các luật sư vào tiếp xúc với bị can không những là liều thuốc tinh thần, động viên các bị can mà còn thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Việc tạo điều kiện cho các luật sư được tiếp xúc với bị can ngay từ giai đoạn điều tra còn giúp cho việc điều tra thêm chặt chẽ, chống được bức cung nhục hình, giảm oan sai”.

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên