Cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai (Hà Nội) đã đóng cửa tạm thời, ngừng hoạt động từ chiều 26-10 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục xin giới thiệu bài viết của tác giả Lại Thị Ngọc Hạnh - giảng viên khoa lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên.
"Việc ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, thừa nhận 50% khăn lụa của thương hiệu này đang bán tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ. Gần 30 năm qua, ai cũng nghĩ thương hiệu Khaisilk hoàn toàn là "Made in Vietnam".
"Sự lừa dối của Khaisilk không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho bản thân thương hiệu này mà còn làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chân chính khác và nhất là những người sản xuất lụa truyền thống của Việt Nam".
Lại Thị Ngọc Hạnh
Vụ việc này đã gây ra một cơn bão trên mạng xã hội với rất nhiều bình luận lên án doanh nhân Hoàng Khải - người vốn xưa nay được gọi là Khải Silk.
Lời xin lỗi muộn màng của doanh nhân thành đạt này cũng chẳng thể nào xoa dịu được dư luận mà thậm chí càng làm cho sự bức xúc của đám đông, giận dữ càng tăng lên.
Mà không bức xúc sao được khi một chiếc khăn lụa vì có mác Khaisilk mà được bán với giá gấp vài chục lần so với giá trị thật của nó lại là một sản phẩm "Made in China" đã bị cắt mác và may thêm vào đó cái mác sang trọng "Khaisilk Made in Vietnam".
Không bức xúc sao được khi mấy chục năm nay bao nhiêu chiếc khăn lụa Khaisilk đã mang trên mình niềm tự hào lụa Việt Nam đi ra thế giới, được nâng niu như những món quà quý mà người Việt Nam trân trọng tặng bạn bè mình hóa ra lại không phải là lụa Việt.
Dù có hàng trăm ngàn lý do để biện minh thì về bản chất đó vẫn là sự lừa dối khách hàng.
Người tiêu dùng Việt Nam lại thêm một lần hoang mang vì không biết tin vào người bán nào nữa, vì đã hết cách để có thể làm một "người tiêu dùng thông thái".
Thêm một lần nữa người tiêu dùng lại bị đẩy vào ma trận hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng: từ mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng, xăng dầu, quần áo, điện thoại, đồng hồ… và nay thêm cả khăn lụa.
Khăn lụa mềm mại dù là giả nguồn gốc xuất xứ không gây chết người như thuốc giả nhưng lại giết chết lòng tin của người tiêu dùng vào những hàng hóa "made in Vietnam". Mà một khi lòng tin đã mất thì không phải dễ gì lấy lại được.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm, khẳng định tất cả các mặt hàng "made in Vietnam" đều là giả mạo nhưng thật sự thì tôi sẽ không bao giờ lựa chọn hàng hóa chỉ vì tin rằng nó được sản xuất ở Việt Nam nữa.
Cha ông ta từ xưa dù nhận thức được rằng "phi thương bất phú" nhưng lại luôn có thái độ dè chừng đối với những thương nhân, nghi ngờ họ là gian thương, thậm chí gọi họ là "con buôn" như một cách nói miệt thị.
Hơn 30 năm đổi mới, đất nước thay da đổi thịt và kéo theo đó là những tư tưởng cởi mở hơn được thay thế cho những quan niệm xưa cũ. Những người hoạt động kinh doanh đã được trân trọng gọi là doanh nhân và còn có hẳn một ngày dành cho họ: Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.
Tôi thật sự thấm thía với lời chia sẻ của ông Trần Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương): "Cái mất lớn nhất ở đây không phải giá trị vật chất. Xảy ra chuyện như thế này rất buồn, rất đáng trách, gây giảm sút niềm tin của nhân dân với thương hiệu Việt. Đó mới là cái tổn hại nhất".
Không biết ngoài Khaisilk ra còn bao nhiêu doanh nhân Việt đang âm thầm giết chết niềm tin của người tiêu dùng Việt và người tiêu dùng Việt còn phải chịu bị lừa dối thêm bao nhiêu lần nữa?".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Làm sao thương hiệu Việt không bị lấm lem bởi những hành động lừa dối khách hàng? Mời bạn hiến kế và chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận