Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM) tranh tài với trò chơi ném vòng cổ chai trong ngày khai trường - Ảnh tư liệu |
Có thể sẽ có những vụng về, lóng ngóng trong từng bước đi. Có những lời hát chưa đúng nhịp, những điệu múa vui ngẫu hứng. Hay những lời phát biểu dù còn ngô nghê nhưng xuất phát từ đáy lòng của chính các em chứ đâu cần bài viết thật bay bổng, mượt mà nhưng do thầy cô đạo diễn mà các em chỉ là những người đọc lại.
Kết thúc buổi lễ chung, học sinh được tập trung theo lớp nghe thầy cô chủ nhiệm dặn dò, nhắc nhở những điều cần thiết cho tuần học đầu tiên.
Thầy cô sẽ dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ, những yêu cầu mà các em học sinh của mình muốn đề đạt…
Và cuối cùng sẽ là tiệc liên hoan nhỏ, học sinh vừa ăn uống vừa hát ca trong lớp mà không sợ bị nắng và nóng.
Theo tôi, đó mới thật sự là ngày hội khai trường mà các em mong muốn.
Trong khi đó, với ngành giáo dục mọi hoạt động từ học tập đến phong trào thường được chỉ đạo từ cấp trên xuống. Dù muốn hay không các trường vẫn cứ phải tuân theo mà không trường nào dám làm khác.
Ngay như việc khai giảng, các trường học cũng sẽ nhận được kế hoạch tổ chức khai giảng của Phòng GD-ĐT gửi về.
Kế hoạch yêu cầu phần khung phải đảm bảo đủ những nội dung theo kiểu: văn nghệ, hiệu trưởng đọc diễn văn, đánh trống khai trường, phát biểu của lãnh đạo, đọc cảm nghĩ của học sinh và phát động phong trào thi đua…
Và lễ khai giảng năm nay thực hiện theo tinh thần ngắn gọn, tránh những diễn văn, những lời phát biểu dài lê thê.
Thay vì hằng năm thực hiện hơn ba tiếng, nay đã được rút ngắn còn một giờ nhưng các bước, các nội dung vẫn được giữ như mọi năm, chỉ có điều mọi thứ được rút gọn ngắn hơn.
Nhìn chung, một buổi lễ khai giảng vẫn đầy hình thức và cứng nhắc, không có gì mới để lấy được xúc cảm của các em học sinh vì nhiều lẽ.
Học sinh được vào học trước vài tuần, những bỡ ngỡ, hồi hộp, âu lo nhưng đầy háo hức của những đứa trẻ đầu cấp, những niềm vui sum họp của các cô cậu học trò cũ trong ngày gặp mặt đầu tiên sau hơn hai tháng hè xa cách cũng đã qua rồi.
Đã thế, trước lễ khai giảng một tuần, các em ngày nào chẳng được tập dượt từ cách đi đứng, cách chào, cách tặng và nhận hoa... nên ngày vào lễ chính cũng chỉ là làm lại những gì đã tập dượt mà thôi.
Trong khi học trò tiểu học và mẫu giáo lại quá nhỏ để ngồi nghe những bài diễn văn của hiệu trưởng dù đã được rút gọn, những phát biểu chỉ đạo phần lớn dành cho thầy cô giáo.
Rồi hồi trống trường gióng giả vang lên của hiệu trưởng tuyên bố năm học mới đã bắt đầu
... nhưng thật ra nó đã được bắt đầu trước đó vài tuần!
Ngày khai giảng vừa rồi của con em bạn diễn ra như thế nào, đã thật sự vì các em học sinh hay vẫn còn nặng tính hình thức? Buổi khai giảng nào từng để lại trong bạn những ấn tượng đẹp, kỷ niệm khó quên? Theo bạn, một buổi khai giảng như thế nào là thật sự dành cho các em học sinh? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận