23/07/2019 14:04 GMT+7

Khi làng võ Việt dậy sóng vì 'loạn đả' - Kỳ 2: Võ cổ truyền đâu thiếu thực chiến

H.ĐĂNG - T.PHÚC- K.XUÂN
H.ĐĂNG - T.PHÚC- K.XUÂN

TTO - Chứng kiến những phòng tập boxing, MMA rực rỡ ánh đèn và đông đảo học viên dù mức học phí đắt đỏ, nhiều võ sư cổ truyền Việt Nam không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại những lớp võ ngày càng vắng bóng của mình...

Khi làng võ Việt dậy sóng vì loạn đả - Kỳ 2: Võ cổ truyền đâu thiếu thực chiến - Ảnh 1.

Những trận đấu võ cổ truyền không thu hút nhiều khán giả vì mất đi một số đòn hiểm - Ảnh: NAM TRUNG

Là tinh hoa của võ thuật Việt Nam nhưng võ cổ truyền ngày càng lép vế khi đặt cạnh các môn võ nước ngoài phổ biến như taekwondo, judo, karate, boxing, muay Thái... Lý do chính phải chăng đến từ khả năng thực chiến?

Trong nỗi nhớ... chỏ và gối

"Có nhiều lý do để các bạn trẻ ngày nay ít chọn học võ cổ truyền. Và một trong những lý do chính là mọi người tin rằng võ cổ truyền Việt Nam ít tính thực chiến, hiệu quả nếu so với các môn võ nước ngoài. Nghĩ vậy cũng không hoàn toàn sai...", võ sư Hồ Tường của võ phái Tân Khánh Bà Trà chia sẻ.

Võ cổ truyền Việt Nam không thiếu những giải đấu dành cho võ sinh từ khắp các môn phái thượng đài tỉ thí. Nhưng thực tế, các giải đấu này luôn lèo tèo khán giả vì thiếu độ hấp dẫn, bắt mắt với những đòn thế quyết liệt. Nhiều người hâm mộ võ thuật truyền miệng: võ cổ truyền Việt Nam chỉ giỏi... múa chứ không có giá trị thực chiến.

Một thước đo khác là võ đài tự do MMA, nơi các võ sĩ có thể sử dụng hầu hết các kỹ năng chiến đấu. Trong MMA, những môn võ được sử dụng nhiều nhất gồm có đô vật kiểu Anh (hoặc Nga), boxing, BJJ (nhu thuật Brazil), muay Thai, karate, judo, taekwondo và tán thủ (wushu).

"Điều này một phần bắt nguồn từ việc Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam bắt bỏ các đòn thế sử dụng cùi chỏ và đầu gối. Từ đó, các trận đấu nhàm chán hẳn và võ cổ truyền cũng bị mang tiếng là ít tính thực chiến. Nếu bảo là để đảm bảo an toàn thì tại sao ngành thể thao lại cho muay Thái, rồi bây giờ là cả MMA, du nhập vào Việt Nam?", võ sư Hồ Tường nói.

Về chuyện này, ông Hoàng Vĩnh Giang - chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam - giải thích: "Từ trước đến giờ, chúng ta lấy an toàn là chính nên trong điều lệ của Tổng cục TDTT hiện nay thì không cho dùng chỏ và gối, phải dùng găng, có đội mũ bảo vệ và đeo giáp cho an toàn.

Tôi chưa thể trả lời được tương lai võ cổ truyền Việt Nam có "mở" hơn hay không nhưng sắp tới tại Bình Định có thử nghiệm một số trận cho đánh chỏ và gối".

Những màn so tài để đời

Khi luật cấm cùi chỏ và gối còn chưa được áp dụng, võ đài Việt Nam từng chứng kiến không ít cuộc đấu mãn nhãn giữa hai bên kẻ thách đấu - người nhận thách đấu. Dưới đây là một số trận tỉ thí đặc biệt gây tiếng vang trong giới võ cổ truyền Việt Nam:

1. Cao Thành Sang - Tiểu La Thành (diễn ra năm 1966):

Cả hai đều là những võ sư tên tuổi và sinh cùng thời, nhưng ông Cao Thành Sang đương thời được biết đến nhiều hơn với những hoạt động chiêu sinh rộng rãi. Năm 1966, võ sư Tiểu La Thành thách đấu ông Sang và chịu thua sau khi đấu đủ 3 hiệp.

2. Kid Dempsey - Nguyễn Xuân Bình (năm 1970):

Làng võ Việt Nam 50 năm trước không ai không biết đến cái tên Kid Dempsey (tên thật là Nguyễn Văn Phát). Ông Phát tập boxing và đoạt chức vô địch Đông Dương năm 1939. Nhiều năm sau đó, ông tiếp tục giành thêm nhiều chiến thắng vang dội ở trong lẫn ngoài nước và khiến cái tên "Kid Dempsey" được giới võ ngày ấy xếp vào hàng ngũ huyền thoại.

Khoảng năm 1970, võ sư Xuân Bình của làng võ Bình Định thách đấu ông Dempsey trong một cuộc đấu theo luật 5 hiệp. Nhưng mới sau hiệp 2, võ sư Xuân Bình tuyên bố nhận thua.

3. Trần Beo - Lý Xích Long (khoảng 1972):

Đây là một trong những cuộc đấu đáng nhớ nhất bởi độ ngông của người thách đấu - Lý Xích Long. Võ sĩ taekwondo tứ đẳng tuyên bố sẵn sàng đánh bại bất kỳ ai đồng hạng cân trong làng võ Việt Nam chịu thượng đài với ông.

Số lượng các võ sĩ của Sài Gòn đăng ký thượng đài sau đó đủ sắp thành một... hàng dài. Cuối cùng, võ sĩ Trần Beo của võ đường Trần Xil có số cân nặng đúng bằng Lý Xích Long được chọn.

Kết quả, cuộc đấu trở thành một trò cười trong giới võ miền Nam khi Trần Beo đánh gục Lý Xích Long với một cú đấm ngay quai hàm và knock-out đối thủ. Trận đấu kéo dài không đầy 1 hiệp này sau đó trở thành "tấm gương" cho những kẻ thách đấu ngang tàng.

4. Kinh Kha - Long Mouse (khoảng 1974):

Đây là cuộc đấu hiếm hoi mà người thách đấu giành chiến thắng - võ sĩ Long Mouse của Long Hổ Hội nổi danh khắp một dải Đông Dương. Người mà võ sĩ này thách đấu là võ sư Kinh Kha. Kết quả võ sĩ Long Mouse hạ gục Kinh Kha với một đòn giật cùi chỏ ngoạn mục.

Nhưng nhiều võ sư dày dạn kinh nghiệm kể trận đấu này thật ra võ sư Kinh Kha áp đảo hoàn toàn và việc ông dính đòn "hồi mã thương" của Long Mouse là do quá chủ quan. Điều đó cũng cho thấy tính thực chiến rất cao của võ cổ truyền Việt Nam với những đòn giật cùi chỏ.

Khi làng võ Việt dậy sóng vì

TTO - "Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị". Từ cổ chí kim, người luyện võ vốn thường mang trong mình ngạo khí "vô địch thiên hạ", vì vậy những màn thách đấu, luận võ là không hề hiếm trong làng võ thuật.

H.ĐĂNG - T.PHÚC- K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên