19/06/2010 04:29 GMT+7

Khi làng báo nhập công nghệ

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Gần đây, trên nhiều sạp báo xuất hiện những cuốn tạp chí nổi tiếng của nước ngoài nhưng nội dung hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đó là những tạp chí đầu tiên được VN mua bản quyền và đưa công nghệ làm báo nước ngoài vào Việt Nam.

W9WPPZBz.jpgPhóng to
Những tạp chí giải trí có mặt ngày càng nhiều trên các sạp báo - Ảnh: Xuân Trường

Không hẹn mà gặp, từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 có đến năm tạp chí giải trí có tiếng trên thế giới là: Stuff, OK, Cosmopolitan, Her World, Prince đã cùng lúc được phát hành trên các sạp báo ở VN, trong đó Công ty truyền thông Hoa Mặt Trời đã mua được bản quyền của tờ Her World Cosmopolitan.

Nhưng “Câu chuyện nghe suôn sẻ ấy thật ra đã thai nghén từ hơn mười năm trước” - bà Trần Nguyễn Thiên Hương, trưởng đại diện phía Nam báo Tiếp Thị & Gia đình, nhớ lại.

Hai thập kỷ thai nghén

Mốc thời gian “thai nghén” mà bà Thiên Hương nhớ lại ấy được bà Vũ Mai Quế - phó tổng biên tập tạp chí Thời Trang Trẻ, tạp chí đầu tiên của VN liên kết với nước ngoài - xác nhận: “Chính xác là chúng tôi đã chào đời được 17 năm, từ sự kết hợp với Tập đoàn Ringer (Thụy Sĩ)”. Tuy nhiên, “phần hùn” của Ringer ở tờ Thời Trang Trẻ chỉ dừng lại ở khâu trình bày, quảng cáo, còn thực tế nội dung tờ báo vẫn dán mác VN.

Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN (phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM):

Đó là một xu thế tất yếu!

Báo chí cũng như các thể loại, phương tiện văn hóa truyền thông khác cũng cần phải có sự hội nhập như xu thế chung của đất nước hiện nay. Vì thế việc có những tờ tạp chí nước ngoài được VN mua bản quyền, theo tôi, là điều đáng mừng, giúp báo chí trong nước đa dạng, phong phú hơn. Người làm báo có cơ hội được học tập, tiếp cận nhiều phong cách làm báo hơn và có sự cạnh tranh hơn, đồng thời minh chứng sự hội nhập của báo chí VN.

Tuy nhiên, theo tôi, nên có một “bộ lọc” tốt để lựa chọn được những thương hiệu báo chí tốt, phù hợp với độc giả VN và phải được quản lý chặt chẽ về nội dung. Bởi thị trường báo chí nước ngoài cũng tốt xấu lẫn lộn, chúng ta vừa phải tỉnh táo, vừa có cái tâm của người làm báo để chọn được những ấn phẩm tốt cho độc giả.

Câu chuyện hợp tác này được nối tiếp với tờ Thế Giới Tin Học cùng đối tác là tờ PC World (Mỹ), hay một số tạp chí ở dạng dịch thuật như Vịt Donald, Chuột Mickey vào giữa thập niên 1990. Tuy nhiên, chuyện làm báo thật sự không có nhiều thay đổi khi vì nhiều lý do các đối tác nước ngoài chưa đưa hết công nghệ vào những tạp chí này.

Sự trầm lắng ấy chỉ thật sự thay đổi vào cuối năm 1997 khi một tờ báo giải trí có cái tên khá dài là Thế Giới Phụ Nữ xuất hiện, ngay số đầu tiên đã bán hết veo 30.000 bản - con số mơ ước với một tờ tạp chí. Và phía sau sự thành công ấy là bóng dáng của một công nghệ làm báo mới lạ từ Tập đoàn Burda (Đức).

Đã hơn mười năm nhưng nhiều người trong làng báo, trong giới phát hành vẫn nhớ rõ câu chuyện làm báo từ Burda.

Bà Huỳnh Thị Kim Phụng, phó tổng thư ký Hiệp hội Phát hành báo chí VN, kể: “Chuyện tiếp thị, PR để bán báo lúc đó chưa ai nghĩ tới vì không ai nhìn nhận tờ báo cũng là hàng hóa. Nhưng Thế Giới Phụ Nữ đã làm và thành công”.

Thế Giới Phụ Nữ khoanh vùng đối tượng bạn đọc, chỉ viết cái mà đối tượng đó cần, làm những điều mà làng báo VN chưa ai làm là: phát tờ rơi, in poster dán đầy sạp báo, quảng cáo bốn spot mỗi đêm trên HTV, VTV và tặng kèm mỗi tờ tạp chí một hộp kem đánh răng... “Mới đầu thì nghe có vẻ khôi hài nhưng câu chuyện của Thế Giới Phụ Nữ đã ngộ ra một điều: báo chí cần phải có công nghệ tiếp thị” - bà Phụng nói.

Làn gió mới ấy nhanh chóng thổi vào làng báo. Êkip từng thực hiện Thế Giới Phụ Nữ sau đó đã tách ra và cho chào đời tờ Tiếp Thị & Gia Đình vào năm 2001 với công nghệ được hoàn thiện hơn và số bản phát hành có lúc lên đến 100.000 bản/kỳ.

Nhưng đó không còn là câu chuyện lạ nữa, những tờ tạp chí được in ấn bắt mắt, quảng bá rầm rộ và có phân khúc thị trường hẹp, phục vụ một đối tượng độc giả nhất định như: Thế Giới Văn Hóa, Phong Cách, Đẹp, Cẩm Nang Mua Sắm, B&F, Luxury, Sành Điệu, Gia Đình Trẻ... đã ra đời. Các tạp chí này thường xuất hiện chung theo nhóm, trực thuộc một công ty truyền thông và ngày càng nở rộ theo công nghệ được phôi thai từ hơn mười năm trước.

Bà Kim Phụng nói mới hơn mười năm nhưng bây giờ không thể đếm nổi trên thị trường hiện có bao nhiêu tạp chí giải trí thực hiện với công nghệ làm báo “ba chân”: nội dung, quảng cáo và phát hành đi cùng nhau như Thế Giới Phụ Nữ hay Tiếp Thị & Gia Đình đã làm. “Đó là một công nghệ làm báo đã làm thay đổi tư duy của nhiều người làm báo” - bà Phụng khẳng định.

Vẫn chỉ mới bắt đầu

Mới mẻ với độc giả VN nhưng với thế giới Stuff, OK hay Cosmopolitan là những tờ tạp chí rất quen thuộc. Cosmopolitan là tạp chí phụ nữ hàng đầu thế giới đã có mặt ở 60 quốc gia. Trong khi đó OK là tạp chí giải trí cũng đã phát hành tại 21 quốc gia trước khi đến VN. Còn Stuff, tạp chí về công nghệ với ấn bản phát hành toàn cầu có lúc lên đến 1,3 triệu bản, cũng từng rong ruổi qua 24 nước. Ngay cả tờ Her World, một tạp chí mua sắm của Singapore chỉ có tiếng trong khu vực Đông Nam Á, nhưng VN đã là quốc gia thứ sáu phát hành. Còn Elle, một tạp chí về thời trang vừa được chuyển bản quyền về VN, đã có mặt tại Pháp từ năm 1945.

Tuân thủ công nghệ và quy trình của những tờ tạp chí nguyên gốc, nhưng những tạp chí nổi tiếng với phiên bản tiếng Việt này có nội dung khá thuần Việt. Phần quan trọng nhất mà các đối tác nước ngoài yêu cầu tuân thủ khắt khe là trang bìa và cách thức trình bày, còn lại nội dung đều do êkip VN thực hiện. Đây chính là yếu tố khiến các tạp chí này đã dễ dàng tiếp cận sạp báo với số bản in khá lớn như Cosmopolitan 25.000 bản, Her World 19.000 bản...

Những tạp chí giải trí này đến VN rất muộn so với nhiều nước khác, dù vậy “chậm nhưng không thể không làm!” - ông Bùi Quốc Chính, giám đốc sản xuất của Công ty cổ phần truyền thông VN - nơi đang giữ bản quyền từ OK tại VN, nhận định. Lý do là hiện rất nhiều nhãn hàng về thời trang, công nghệ đã có mặt tại VN và họ chỉ chọn những tạp chí giải trí, mua sắm có thương hiệu trên thế giới để quảng cáo, các tạp chí giải trí trong nước chưa thể đủ thương hiệu thu hút.

Còn bà Thiên Hương cho biết quá trình xin giấy phép và việc phát hành các tạp chí này tại VN khá thuận lợi. “Điều khó nhất là ở chính những người thực hiện. Để có được bản quyền của Cosmopolitan, chúng tôi phải bỏ ra một khoản tiền lớn mà có thể sau năm năm vẫn chưa đủ hòa vốn. Nhưng nếu mình không làm thì sẽ mãi hụt hơi trong cả làm báo và kinh doanh” - bà Hương nói như để khẳng định gần hai thập kỷ “thai nghén”, nhập công nghệ làm báo vẫn chỉ là câu chuyện mới bắt đầu.

IY8TlgAU.jpgPhóng to
Phòng biên tập tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình - Ảnh: Xuân Trường

Chuyện tình đưa công nghệ của Burda vào VN

Nhiều người làm báo vẫn còn nhớ về đôi tình nhân Thiên Hương và Loan Brossmer khi tình yêu của họ đã góp sức cho việc đưa công nghệ làm báo nước ngoài vào VN. Khi đó Loan Brossmer, một Việt kiều Đức là đại diện Tập đoàn Burda tại VN, phụ trách phát hành và marketing, còn Thiên Hương phụ trách phần nội dung của tờ Thế Giới Phụ Nữ.

Đôi chân bị khuyết tật, Loan Brossmer đã được Thiên Hương đẩy đi trên xe lăn, lân la các sạp báo trong nhiều ngày trời để tìm hiểu thị hiếu đọc báo của người VN. Và sau đó, họ đã tìm đến một đơn vị phát hành để đặt hàng những yêu cầu “kỳ lạ” chuẩn bị cho tờ Thế Giới Phụ Nữ phát hành. Sự gắn bó của Thiên Hương và Loan Brossmer đã tạo nên một Thế Giới Phụ Nữ đình đám, góp phần tạo nên dòng tạp chí giải trí với ảnh hưởng công nghệ làm báo của Burda hiện nay.

Bây giờ thì bà Thiên Hương và Loan Brossmer đã mỗi người mỗi ngả, Tập đoàn Burda cũng chấm dứt việc kinh doanh ở VN. Nhưng bà Thiên Hương đang khá thành công với Tiếp Thị & Gia Đình cùng nhiều tạp chí giải trí khác. Còn Loan Brossmer sau một thời gian im hơi lặng tiếng đã trở lại TP.HCM và chuẩn bị cho sự ra đời một tờ tạp chí giải trí, dĩ nhiên vẫn với một công nghệ mới mẻ như hơn mười năm trước từng mang đến.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên