Sau thành công của các vở kịch xiếc như Mekong show, Ba Tư huyền bí, Bí ẩn nơi đảo hoang..., nhà hát tiếp tục ra mắt vở kịch xiếc Huyền sử Rồng Tiên (tức Cha Rồng mẹ Tiên) vào dịp lễ giỗ tổ năm nay.
Qua vài suất đầu còn chuệch choạc, vở bắt đầu gây chú ý bởi sự đầu tư lớn từ một câu chuyện kể về nguồn gốc tổ tiên của người Việt.
3 năm cho một huyền sử Việt
Câu chuyện về Lạc Long Quân - Âu Cơ đã được thể hiện thông qua một số loại hình nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu tiên được kể bằng nghệ thuật xiếc, đưa khán giả nhí trở về buổi đầu thành lập Nhà nước Văn Lang.
Kịch bản này được đạo diễn Phi Sơn - phó giám đốc nhà hát, đồng thời là tác giả kịch bản và tổng đạo diễn - ấp ủ 3 năm nay. Đề tài cũng từ đặt hàng của các trường học và phụ huynh, những người yêu nghệ thuật xiếc và mong muốn có những vở kịch xiếc mang màu sắc dân tộc, những câu chuyện lịch sử để lớp trẻ hiểu và yêu nguồn cội của mình.
Đạo diễn cho biết: "Tôi phóng tác từ câu chuyện trong sách giáo khoa lớp 6 để mong vở có sự gần gũi với thanh thiếu niên, các cháu dễ hiểu hơn".
Với kinh phí đầu tư cả tỉ đồng, đây là vở kịch xiếc nằm trong kế hoạch dàn dựng từ năm ngoái nhưng năm nay mới có thể hoàn thành bởi độ khó, đòi hỏi những kỹ thuật xiếc nâng cao. Lần đầu tiên đội ngũ nhân viên hậu trường có tới sáu người. Các diễn viên phải vừa diễn vừa tự chuyển cảnh.
Vì lực lượng diễn viên mỏng, chỉ có 22 người, nên để diễn những đại cảnh cực kỳ vất vả và còn hạn chế. Tất cả cùng nỗ lực để khán giả mãn nhãn với những tạo hình nhân vật cầu kỳ, những cảnh trí lớn, phức tạp như cảnh trí trong trận chiến giữa Lạc Long Quân với Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh.
Lấy kịch xiếc làm thế mạnh
Trước Huyền sử Rồng Tiên, vở kịch xiếc Bí ẩn nơi đảo hoang có thể kéo dài đến 50 suất và vẫn sẽ còn diễn tiếp trong hè này là điều đáng nể.
Ông Lê Diễn - giám đốc nhà hát - cho biết vở chỉ được đầu tư khoảng 100 triệu đồng nhưng đạt hiệu quả bất ngờ vì ê kíp sáng tạo đã tìm ra chìa khóa là diễn xiếc trên mặt nước. Đạo diễn Công Nguyễn đem nhiều kỹ thuật học hỏi từ việc dàn dựng các show diễn sự kiện áp dụng vào xiếc.
Bí ẩn nơi đảo hoang khiến người xem liên tục trầm trồ không chỉ vì sự độc đáo, mới lạ mà còn vì sự phối hợp, tương tác giữa xiếc với âm thanh, ánh sáng khiến nhiều cảnh trong vở đẹp như một bức tranh.
Ông Lê Diễn chia sẻ: "Từ sự thành công của Bí ẩn nơi đảo hoang, dự kiến năm sau nhà hát sẽ làm tiếp một vở kịch xiếc có sử dụng nước nhưng không dừng ở tả thực nước như chính nó. Còn trong năm nay, dự kiến 2-9 chúng tôi sẽ ra tiếp vở kịch xiếc mới mang tên Ầu ơ do Dương Thảo đạo diễn".
Ông Phi Sơn cho biết thêm việc phát triển mảng kịch xiếc cũng là cách nhà hát tập cho anh em quen để sắp tới khi nhà hát tiếp quản rạp xiếc đa năng Phú Thọ (dự kiến hoàn thành 2025) thì bộ phận sáng tạo sẽ biết vận dụng các kỹ thuật, kỹ xảo xử lý một chương trình xiếc cho hấp dẫn trong một nhà hát hứa hẹn mang tầm quốc tế.
Chuyển hướng và phá cách
Về sự chuyển hướng của Nhà hát Phương Nam khi đầu tư vào những vở kịch xiếc có câu chuyện trọn vẹn, theo ông Phi Sơn, là cũng do nhà hát đang thiếu những tiết mục tập thể hay, thiếu những diễn viên xiếc giỏi, thiếu mảng xiếc thú, xiếc hề... nên khá khó khăn để làm những chương trình xiếc tổng hợp hấp dẫn.
"Từ đây, chúng tôi nghiên cứu có những phá cách để các vở kịch xiếc mới mẻ, hấp dẫn khán giả hơn.
Ví dụ như trước đây thường đưa nguyên tiết mục xiếc vào vở thì giờ chúng tôi phá ra, chỉ làm trò khéo, nâng cao độ khó, chọn những kỹ thuật xiếc phù hợp để diễn tả một phân đoạn nào đó. Chẳng hạn cảnh Lạc Long Quân chiến đấu với Mộc tinh thì sử dụng kỹ thuật xiếc nhảy dây, vận dụng đạo cụ dây", ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận