1. Không chỉ đến khi Thành Lộc xác nhận thông tin này thì công chúng mới xôn xao. Mà trước đó, sau mỗi vở diễn, Thành Lộc thường có những dòng chia sẻ đầy tâm trạng, có khi anh đăng poster và ghi "kết thúc", một số đồng nghiệp cũng bày tỏ nỗi buồn.
Điều đó dấy lên nghi ngại về một sự rạn nứt, một cuộc chia tay. Và vở kịch Mưu bà Tú tối 13-5 được xem như cuộc chia tay kịch người lớn của Thành Lộc ở sân khấu kịch Idecaf.
Thật ra, đến và đi ở các sân khấu hay bất cứ đơn vị nào khác cũng là chuyện bình thường. Ở Idecaf đã từng có những cuộc rời đi của các nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Trung Dân, Thanh Thủy, Đại Nghĩa...
Nhưng có lẽ tuyên bố ngừng diễn kịch người lớn ở Idecaf của Thành Lộc là gây chú ý nhất.
Vì sao? Vì Thành Lộc và Huỳnh Anh Tuấn là hai người quan trọng dựng nên thương hiệu kịch Idecaf. Họ đã sát cánh bên nhau cũng đã 26 năm trời. Thành Lộc chỉ đạo nghệ thuật, chăm chút các vở diễn ở Idecaf.
Còn Huỳnh Anh Tuấn là người lo tất tần tật mọi khâu đầu tư, tổ chức biểu diễn, quảng bá và bán vé.
Có thể nói sân khấu kịch Idecaf như máu thịt của họ, hai người họ cùng nhiều nghệ sĩ trong sân khấu đã phải rất vất vả gầy dựng từ con số không để được như hôm nay, vì vậy, chuyện chia tay làm sao tránh khỏi tổn thương, đau đớn?
2. Nói về sự giã từ này, đạo diễn Lê Nguyên Đạt bày tỏ sự tiếc nuối: "Mô hình sân khấu kịch xã hội hóa ở Idecaf với tài làm bầu giỏi, năng động của anh Huỳnh Anh Tuấn, bên cạnh sự quán xuyến về mặt nghệ thuật của anh Thành Lộc tập trung được nhiều nghệ sĩ giỏi nghề là mô hình tiêu biểu để các sân khấu khác nhìn theo mà học hỏi.
Chính sự hợp lực đó đã tạo nên sức mạnh để sân khấu có thể tồn tại vững chắc đến ngày hôm nay, dù thời gian qua sân khấu xã hội hóa thành phố cực kỳ biến động.
Có sân khấu phải đóng cửa, có sân khấu phải diễn theo mùa, có sân khấu phải chấp nhận lỗ triền miên thì việc bươn bả qua được những khó khăn đó đều phải là những người có tâm, có tầm mới làm được.
Thế nên, nếu có sự chia tay quả là điều đáng tiếc!".
Cả Thành Lộc, cả ông Huỳnh Anh Tuấn đều là những người xuất sắc ở vị trí của mình. Thành Lộc là người đa tài, có thể ca hát, nhảy múa và vào được rất nhiều dạng vai.
Không chỉ dừng ở vai trò diễn viên, Thành Lộc còn là một người có tư duy đạo diễn.
Vì vậy anh biết cách kiến tạo vai diễn cho riêng mình, nên dù chỉ xuất hiện một lớp trong vở diễn, anh cũng đủ sức tỏa sáng. Có xem Thành Lộc diễn trong Dạ cổ hoài lang, Tía ơi má dìa, Ngàn năm tình sử, Bí mật vườn lệ chi hay gần nhất là vở nhạc kịch Tiên Nga thì mới thấy nội lực của anh là khủng khiếp.
Còn nhớ cảnh anh vào vai cụ Đồ Chiểu tiếp thêm tinh thần cho Kim Liên đối mặt với giặc Ô Qua trong vở Tiên Nga, từng lời thoại được nhấn nhá kỹ lưỡng, lúc đanh thép lúc đau đớn, khiến người xem cứ thế rùng mình và nước mắt cứ rơi trước tinh thần yêu nước của họ.
3. Còn Huỳnh Anh Tuấn trước khi mở sân khấu kịch Idecaf đã có đội rối Nụ Cười vào năm 1983, nghĩa là hành trình sân khấu của ông đã ngót 40 năm. Ngoài kịch Idecaf, hiện ông còn có Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, Nhà hát Nụ Cười, Nhà hát Thanh Niên.
Ông là người biết tính toán, khi sân khấu kịch người lớn khó khăn, ông dùng doanh thu từ chương trình Ngày xửa ngày xưa, từ Nhà hát Rồng Vàng đắp qua bù lỗ những mùa thấp điểm của sân khấu. NSND Kim Cương có lần từng đùa với ông Huỳnh Anh Tuấn: "Tui mà có quyền, tui cho ông huy chương vì sự nghiệp sân khấu".
Nếu Thành Lộc thực sự rời đi thì sân khấu kịch Idecaf có khó khăn không? Tất nhiên là có rồi, vì anh hiện đang giữ những vai diễn quan trọng trong khoảng 80% vở diễn ở đây.
Thành Lộc vẫn chưa tiết lộ kế hoạch sắp tới, nhưng để đi đến quyết định này, anh hẳn đã có sự chuẩn bị. Còn ông Huỳnh Anh Tuấn thì vẫn phải duy trì sân khấu thôi, bởi ông vẫn phải tiếp tục có trách nhiệm với mấy chục con người còn lại ở sân khấu kịch Idecaf.
Nhưng như một nghệ sĩ quan tâm đến Idecaf bày tỏ, mong sự đứt gãy này không làm suy yếu mà mỗi người với tài năng và lòng đam mê sân khấu sẽ gieo thêm hạt mầm tốt nào đó cho sân khấu TP.HCM.
Như nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như sau khi rời Idecaf đã thành lập một sân khấu tử tế như Hoàng Thái Thanh, như nghệ sĩ Minh Nhí cũng đang cố gắng duy trì và phát triển sân khấu Trương Hùng Minh.
Bản thân ông Huỳnh Anh Tuấn ngoài các dự án sân khấu riêng cũng đang hỗ trợ nghệ sĩ Bạch Long, anh trai nghệ sĩ Thành Lộc, gầy dựng lại đoàn cải lương tuồng cổ Đồng ấu Bạch Long tại Nhà hát Nón Lá. Khởi đầu hay kết thúc, suy cho cùng, là lựa chọn của mỗi người...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận