TTCT-Trong thế kỷ 21 này, “khuyến nông” không chỉ là chuyện nước, phân, cần, giống nữa, mà trước hết, là một bài toán tài chính phức tạp và đồng nghĩa với thúc đẩy người nông dân tham gia một thị trường toàn cầu. Cao su tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngã đổ trong cơn bão năm 2017. Ảnh: QUỐC NAMNhững ngày cuối năm, đến Cù Lao Dung, Sóc Trăng, người ta sẽ bắt gặp những biển hoa mía màu tím bạt ngàn. Những du khách lạc bước đến hòn cù lao sẽ mải mê ngắm nhìn trong sự ngạc nhiên: hầu hết họ chưa được thấy hoa mía bao giờ. Những cánh đồng mía trong sách vở, những cây mía được thu hoạch bày bên quầy nước mía ven đường, những ruộng mía xen canh thường thấy, chỉ có thân cây và lá còn xanh. Ở đây, mía ra hoa, tím một vùng trời.Vòng đời của thứ cây nông nghiệp ấy vốn không có giai đoạn trổ hoa. Đó là biểu tượng cho bi kịch của một vùng đất và của cả một ngành mía đường. Mía ra hoa vì bây giờ công chặt mía không bù nổi giá bán.15 năm trước, báo Tuổi Trẻ còn báo động tình trạng người dân ở Cù Lao Dung chặt mía quá sớm, khi chưa đủ chữ đường để bán vì giá cao. Nhưng đó cũng là lúc Việt Nam bắt đầu gỡ bỏ giấy phép nhập khẩu và sau đó là hạ thuế nhập khẩu đường với các nước ASEAN. Đường nhập khẩu rẻ hơn sản xuất trong nước. Mở cửa với ASEAN, thực chất là mở cửa với cường quốc mía đường hàng đầu thế giới, Thái Lan. Lỗ, phá sản, kêu cứu: ngành mía đường Việt Nam quanh quẩn với các từ khóa này suốt gần hai thập niên.Chính phủ và các tỉnh trong thời gian đó dùng nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành mía đường tồn tại; trong đó có một bộ chính sách dày “phát triển vùng nguyên liệu mía” - tức tiếp tục khuyến khích người nông dân trồng mía. Có thể dễ dàng tìm thấy các văn bản khuyến khích phát triển vùng trồng này ở mọi cấp, từ trung ương đến địa phương. Đơn cử, cho đến năm 2017, ở Cù Lao Dung, chính quyền vẫn hỗ trợ người dân tạo ra “cánh đồng mía mẫu”. Cây mía vẫn tồn tại trên hòn cù lao dù không còn phù hợp với quy luật thị trường suốt hơn 10 năm qua. Người dân cù lao kể, bây giờ muốn chuyển đổi cây trồng thì phải có vốn. Không có vốn, người người đóng cửa, xuất cư đi làm mướn.Từ khóa “khuyến khích” đã tồn tại trong nền nông nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế như một di sản bền vững từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Người nông dân luôn cần được “khuyến khích” bởi một quyền lực thứ ba, ngoài quan hệ thị trường của người mua và người bán, là Nhà nước. Đã có thời những khuyến khích đó trở thành chìa khóa thoát nghèo của mọi vùng đất; khi đất nước đói nghèo, người nông dân chỉ trồng cây lương thực, chưa bao giờ sản xuất hàng hóa, khi nền nông nghiệp đi từ số 0 lên số 1.Nhưng ở thế kỷ 21, “khuyến khích” đồng nghĩa với thúc đẩy người nông dân tham gia một thị trường toàn cầu. Không còn là chuyện xen canh trồng màu, cải thiện chất lượng dinh dưỡng, việc một người nông dân đầu tư gì xuống mảnh đất của họ giờ là một chuỗi các bài toán tài chính không hề đơn giản.Năm 1993, khi những cây cao su đầu tiên được đưa về miền Trung và khuyến khích người dân trồng, mục tiêu của đề án chỉ là phủ xanh đất trống đồi trọc. Tìm lại nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 1993 về thực hiện dự án trồng rừng, nhận ra sự quyết liệt trong việc thúc đẩy tiến độ, với thành quả tiên quyết đo bằng “hecta”. Việt Nam khi đó còn chưa có thị trường xuất khẩu, cây cao su chỉ được mô tả chung chung là “triển vọng tốt”. Không một ai, từ người trồng đến người khuyến khích, có khả năng nhận định về triển vọng của cây cao su ở thời đất nước còn chưa được dỡ bỏ cấm vận.Trong suốt thập kỷ qua, khi những cơn bão đổ vào miền Trung thỉnh thoảng quét đi hàng nghìn hecta cao su và để lại những người nông dân phá sản, cũng thỉnh thoảng lại thấy chính quyền các cấp “khuyến khích” người dân bám trụ. Số lượng người phá sản tăng lên. Các nhà khoa học đồng loạt tuyên bố việc khuyến khích trồng cao su ở miền Trung ngay từ đầu đã là sai lầm. Nhưng cũng giống “ngành mía đường” - canh bạc đã lớn đến mức không cách nào rút ra: thời gian đợi thu hoạch với cây cao su lên đến 10 năm, đòi hỏi người trồng đánh cược cả tuổi trẻ vào một cánh rừng.Cuộc khuyến khích diễn ra ngay cả ở chính quyền cấp xã, nơi tất nhiên không có bộ phận nghiên cứu thị trường và khoa học chuyên trách. Ở ngoại thành Hà Nội, có thể tìm thấy những ruộng rau điêu tàn: người dân thậm chí chẳng có tiền mà trả thủy lợi phí - họ tự đào giếng khoan để tưới.Giấc mơ “vùng chuyên canh rau sạch” do xã khởi xướng tan vỡ chỉ sau một hai lần khuyến khích nhầm, chọn sai đối tác. Giờ trên cánh đồng chỉ còn những người già không thể đi làm mướn; thanh niên đã đi làm công nhân hết, không còn ai tin vào triển vọng làm giàu trên những cánh đồng nữa.Sự khuyến khích nên đến theo hình thức nào? Làm thế nào để Nhà nước không can thiệp quá sâu vào các quy luật cung - cầu? Nhiệm vụ chính trị cần được giao ra sao, để chính quyền địa phương không hối hả “khuyên” người dân lao vào cuộc này cuộc khác, để rồi không thể chịu trách nhiệm cùng họ?Việc đặt ra một lằn ranh giữa “khuyến nông” và can thiệp trực tiếp vào thị trường - dùng các chính sách hỗ trợ để phát triển cụ thể cây A, cây B - không chỉ là để bảo vệ người nông dân, mà còn là bảo vệ uy tín của chính quyền. “Họ bảo đây là cây trồng rất tiềm năng” - chị Nguyễn Thị Khá ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, nhớ về ngày cắm những cây cao su đầu tiên xuống đất. Giờ chị đã mất hết sau những cơn bão. Và hai từ “họ bảo” không phải là cách diễn đạt hay của người dân về chính quyền của mình.■ Tags: Mía đườngTrồng câyCao suKhuyến nôngCây cao su
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh âm mưu kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?