Khi học sinh không biết viết...

PHAN XUÂN LOAN 17/07/2011 19:07 GMT+7

TTCT - Thế giới chúng ta đang sống thay đổi nhanh đến độ gần như nghịch lý, khi nơi này níu kéo, tôn vinh sách in và nơi kia chuẩn bị tống tiễn...

Phóng to
Hình ảnh từ hội chợ sách điện tử lớn nhất thế giới tại Tokyo - Ảnh: ebooks-expo.jp

1. Ngày 6-7, trang web vz.ru giới thiệu giải thưởng sách Runet, một giải thưởng hoàn toàn cho sách in, sẽ được bình chọn bởi độc giả trên các mạng xã hội và trao giải tại Hội chợ sách quốc tế Matxcơva diễn ra vào tháng 9 hằng năm. Người đứng đầu tổ chức sáng lập giải thưởng, giám đốc Ozon.ru Aleksei Kuzmenko trả lời câu hỏi vì sao trong thời đại Internet này lại đứng ra sáng lập và trao giải cho sách in, đã nói: “Còn quá sớm để nói về cái chết của sách in”.

Theo ông, những quyển sách với nội dung hay, trình bày đẹp vẫn là “những tác phẩm mỹ thuật giúp người đọc chiêm ngưỡng”.

Thừa nhận một thực tế ở Nga hiện nay: số người đọc sách đang giảm vì nhiều lý do như tình hình kinh tế khó khăn, sự phát triển các phương tiện truyền thông khác, dân số giảm trong khi giá sách tăng; ông Kuzmenko kêu gọi sự can thiệp của nhà nước, tổ chức “tuyên truyền cho việc đọc sách như một nhiệm vụ quốc gia” (*). Và việc nhiều tờ báo, doanh nghiệp phối hợp cho ra đời giải thưởng sách in này cũng là một phần của nỗ lực trên.

2. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sách ảo đang lên ngôi. Hội chợ sách điện tử lớn nhất thế giới vừa khai mạc ở Tokyo cuối tuần trước, nơi khách hàng không chỉ được giới thiệu các thiết bị hiện đại nhất để đọc sách điện tử mà còn tiếp cận nhiều dịch vụ tiện lợi giúp dễ dàng sở hữu chúng: các máy bán lẫn cho thuê sách ảo.

Trang web của hội chợ cho biết sách điện tử là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của hội chợ sách quốc tế, với thêm 150 công ty tham gia gian hàng trong năm nay. Khách tham quan đã tỏ ra thú vị trước các tiện ích công nghệ: chỉ cần bỏ một đồng tiền vào máy, gõ mã số điện tử trên điện thoại của họ là đã có thể tải về quyển tiểu thuyết mới nhất!

Danh mục sách mới ư? Đã có những trang web dành cho những “mọt sách điện tử” cũng được hội chợ này giới thiệu, nơi người ta có thể tư vấn cho nhau quyển nào đã số hóa, được đánh giá ra sao, mua ở đâu...

3. Cuối cùng là chuyện xảy ra ở bang Indiana của nước Mỹ. Theo tờ Time, từ mùa thu này, các học sinh lớp 4 trở đi của các trường học bang này sẽ không phải học viết chữ thảo nữa (**)! Thay vào đó, học sinh sẽ được dạy sử dụng thành thạo bàn phím máy tính. Sòng phẳng mà nói, điều này không có nghĩa là chấm dứt “kỷ nguyên chữ viết” ở Indiana vì các trường được trao quyền lựa chọn: hoặc bỏ hẳn dạy viết, hoặc dạy viết nhưng phải cùng với việc dạy gõ thành thạo bàn phím.

Nhân quyết định này của bang Indiana, Time đăng thống kê “mười thứ trẻ em thời nay có thể sẽ không bao giờ trải nghiệm”. Một trong mười thứ đó là “Những quyển sách thật” (Time dùng cụm từ “real books”, “physical books”, ý nói những quyển sách ta có thể cầm, cảm nhận).

Với sự xuất hiện của sách điện tử và sự thay đổi cách đọc, trẻ em thời nay có thể sẽ không bao giờ biết được cảm giác chờ đợi để cầm trên tay một quyển sách mình yêu thích ra sao. Có lẽ chúng cũng không bao giờ biết bụi phủ lên một quyển bách khoa toàn thư cho cảm giác thế nào, bởi iPad đang thách thức sách in, và Google Search có thể cho chúng mọi câu trả lời sơ đẳng nhất.

Nhân loại đang giàu có hơn lên hay đang nghèo đi? Tưởng là nghịch lý nhưng suy cho cùng mọi điều đâu phải vậy. Có thể trẻ em ngày nay vì không tập viết nên sẽ không biết cách ký tên mình, nhưng chúng có thể gõ bàn phím nhanh hơn người lớn (con trai tổng thống Gruzia Edward Saakshvili 15 tuổi đang nắm kỷ lục Guinness về tốc độ gõ bộ chữ cái tiếng Anh trên iPad: 5,26 giây (***).

Có lẽ điều đặt ra ở đây là ta đang mất gì khi chào đón những sáng tạo mới. Ý thức được những gì ta mất thì điều ta có hẳn sẽ giá trị hơn. Trong Văn minh vật chất của người Việt, tác giả Phan Cẩm Thượng nói cùng với việc mất đi những đồ đạc vật chất của quá khứ, chúng ta có thể đã đánh mất ý nghĩa văn minh của nó.

Tác giả Peru đoạt Nobel văn chương 2010 Mario Vargas Llosa từng lo ngại thế giới chữ nghĩa mà ông yêu quý sẽ bị cuộc cách mạng thông tin thay đổi nhanh chóng... Và việc một đứa trẻ thời toàn cầu hóa có thể sẽ không biết viết sắp là một thực tế.

Đó sẽ là một thế giới mà chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ em chúng ta bước vào.

__________

(*): http://vz.ru/culture/2011/7/6/505137.html
(**): http://newsfeed.time.com/2011/07/06/typing-beats-scribbling-indiana-schools-can-stop-teaching-cursive/
(***): http://hitech.newsru.com/article/05Jul2011/Edwardjripadrec

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận