03/02/2016 09:22 GMT+7

Khỉ hi sinh vì y học

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Nhờ sự tiến bộ của khoa học, ngày nay chúng ta biết được bộ gen của con người và tinh tinh có tới 99% giống nhau.

Nhờ sự cống hiến của giống khỉ vàng Macaca Mulatta, dịch bệnh bại liệt tại Việt Nam đã bị đẩy lùi - Ảnh: Đức Hiếu
Nhờ sự cống hiến của giống khỉ vàng Macaca Mulatta, dịch bệnh bại liệt tại Việt Nam đã bị đẩy lùi - Ảnh: Đức Hiếu

Nhờ bộ gen khá giống nhau nên phần lớn loài linh trưởng trở thành đối tượng của nhiều nghiên cứu y học, nhất là các thí nghiệm về bệnh lý ở người, như HIV, Parkinson, sốt rét...

Đối với loại thử nghiệm này, người ta sẽ tái tạo mô hình bệnh nhân trên các loài khỉ bằng cách sử dụng chất độc thần kinh để gây tổn thương cơ thể chúng y như một bệnh nhân thật, sau đó tiến hành thử nhiều loại thuốc nhằm chữa trị căn bệnh đó.

Vì lợi ích của con người

Ở Việt Nam, trên đảo Rều thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), các nhà khoa học đã dùng khỉ làm động vật thí nghiệm sản xuất văcxin cứu người. Năm 1962, đảo được Bộ Y tế đầu tư thành trại nuôi khỉ để nghiên cứu y học phục vụ sản xuất các loại văcxin phòng bại liệt, viêm gan A, thuốc phòng chống virút H5N1...

Người ta dùng tế bào thận của loài khỉ vàng Macaca Mulatta để điều chế các loại văcxin giúp nước ta khống chế nhiều bệnh tật truyền nhiễm nguy hiểm.

Ở nước ngoài, người ta dùng khỉ để thực hiện các thí nghiệm y học từ rất lâu. Tại Mỹ, câu chuyện về Britches là một điển hình. Britches là một con khỉ con bị tách khỏi mẹ ngay sau khi nó chào đời, sau đó bị đem đến Đại học California để làm sinh vật thí nghiệm. Dù Britches có một đôi mắt hoàn toàn bình thường nhưng nó bị sử dụng để thử nghiệm một loại thiết bị sóng âm hỗ trợ việc đi lại dành cho người mù.

Để giải quyết sự “bất hợp lý” này, các nhà nghiên cứu đã khâu cả hai mắt của Britches lại. Mãi lâu sau, Britches mới được giải thoát khỏi cuộc thí nghiệm kinh khủng này nhờ Mặt trận giải phóng động vật trong một cuộc đột kích vào năm 1985.

Rhesus cũng là một chú khỉ đã bị tách khỏi mẹ từ khi vừa mới chào đời, sau đó bị bỏ vào “hố tuyệt vọng” là chiếc lồng cùng với chỉ một chai nước uống. Mục đích của thí nghiệm này là nghiên cứu những ảnh hưởng từ sự cô lập trong suốt quá trình phát triển của trẻ em và căn bệnh trầm cảm sau này. Không ngạc nhiên khi chú khỉ con này trở nên chán nản, tuyệt vọng.

Rõ ràng những thí nghiệm như vậy đòi hỏi khỉ phải hi sinh vì lợi ích của con người. Tuy nhiên, việc sử dụng khỉ làm thí nghiệm đã gây ra những cuộc tranh cãi lớn về bảo vệ động vật hoang dã, dẫn đến việc vào năm 2007, Nghị viện châu Âu phải ra một tuyên bố chấm dứt sử dụng các loài khỉ lớn trong nghiên cứu y sinh học.

Năm 2011, Mỹ cũng cấm dùng tinh tinh (khỉ đột) trong các thí nghiệm y học, trừ hai ngành được phép dùng tinh tinh vì lý do bất khả kháng, đó là chuyên ngành nghiên cứu văcxin phòng bệnh viêm gan C và nghiên cứu trong lĩnh vực miễn dịch học.

Thế giới có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả để có thể dẫn tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng khỉ làm thực nghiệm khoa học. Trong tương lai, người ta sẽ còn phải “chung sống” với tình trạng khó khăn này.

Khỉ sử dụng một số cây cỏ để trị bệnh

Vì khỉ gần với con người nên hơn 30 năm qua có rất nhiều đoàn thám hiểm khoa học không ngại gian nan và nguy hiểm thường xuyên bám sát, theo dõi loài khỉ để nghiên cứu, quan sát, ghi nhận và tìm hiểu xem bằng cách nào chúng có thể tự chữa trị các bệnh trong thiên nhiên.

Trong một khu rừng ở Tanzania, nhà nhân chủng học Richard Wrangham, Đại học Harvard (Mỹ), nhận thấy các con khỉ thường nhấm nháp lá cây aspilia (thuộc họ hướng dương). Ông đem về phòng thí nghiệm phân tích thấy chứa nhiều chất thiarubrine A - một chất có tác dụng chống nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng. Khỉ nuốt cây aspilia để loại bỏ ký sinh trùng trong cơ thể.

Các con khỉ cũng được ghi nhận ăn một số loại cây bụi nhất định có độ nhám, có thể đóng vai trò như “giấy ráp” đánh bay các ký sinh trùng trong đường tiêu hóa của chúng. Ngoài ra, cây aspilia đã được ghi nhận trong nhiều dược điển của các quốc gia. Lá và rễ của bảy chủng loại cây aspilia được dùng sản xuất nhiều loại dược phẩm chữa trị vết thương, ho, sốt, đau dạ dày.

Michael Huffman, nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo, từng chứng kiến một con khỉ sắp chết đã lấy hết sức tàn để gặm liên tục một thân cây vernonia amygdalina, ngày hôm sau con khỉ đó đã khỏe hơn nhiều. Vì vậy, người Tanzania có truyền thống dùng cây này như một loại kháng sinh chữa các bệnh đường tiêu hóa.

Ở Việt Nam, người ta gọi cây vernonia amygdalina là cây lá đắng, thuộc họ cúc - Asteraceae. Ngoài ra, nó còn có nhiều tên khác như khổ diệp thụ, cúc ban cưu biển đào, cúc ban cưu. Bà con mình đã trồng được cây lá đắng chủ yếu bằng cách giâm cành.

Về thành phần các chất có trong lá cây lá đắng, theo nhiều tài liệu, trong lá của loài cây này có chứa các chất như sesquiterpene lactones, vernolide, vernodalol, vernolide A, trong đó hàm lượng chất chống oxy hóa (antioxidant) rất cao.

Nhà nghiên cứu Karen Strier nhận thấy giống khỉ cái ở Brazil biết cách hạn chế sinh đẻ, tránh thai bằng cách ăn một loại lá cây giàu isoflavonoides, một nhóm bao gồm nhiều hợp chất, trong đó có isoflavone có khả năng ức chế chức năng tuyến giáp dẫn đến ảnh hưởng khả năng sinh sản ở tất cả mọi loài động vật được nghiên cứu cho đến nay.

Ngoài ra, một số loài khỉ ở Costa Rica còn biết cách chọn sinh con đực hay cái theo ý muốn bằng cách hai vợ chồng khỉ tìm ăn những loại cây giàu chất kiềm, chất toan, phù hợp với một số sách hướng dẫn muốn sinh con gái thì mẹ nên ăn nhiều chất kiềm (âm tính) và muốn sinh con trai thì ăn nhiều chất toan (dương tính).

Nên yêu quý và bảo vệ loài khỉ

Khỉ giúp ích cho con người rất nhiều, vì vậy chúng ta nên yêu quý và bảo vệ loài khỉ. Các loài vật trong tự nhiên, khỉ nói riêng và các động vật hoang dã nói chung, không chỉ đơn thuần là các sinh vật vô tri, những khối xương, khối thịt để chúng ta ăn uống, hành hạ, thậm chí làm thuốc (cao khỉ, cốt khỉ, óc khỉ...). Mỗi một loài vật là các sản phẩm tuyệt vời của tự nhiên đã tồn tại và tiến hóa qua nhiều triệu năm.

Quan trọng không kém, bảo tồn các loài động vật hoang dã, trong đó có khỉ, còn để duy trì sự cân bằng của sinh thái, bảo vệ cuộc sống hiện tại cho mình và tương lai con cháu chúng ta.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên