Phóng to |
Người dân thành phố Amagasaki hát và tập các bài tập giảm béo - Ảnh: New York Times |
Được chính quyền thành phố Amagasaki gọi lên cách đây vài ngày, ông Minoru Nogiri, chủ cửa hàng bán hoa 45 tuổi, thấy mình cùng rất nhiều người khác đang đợi được đo eo. Đây là một phần trong kế hoạch toàn quốc của Nhật nhằm loại trừ tình trạng quá cân - hay người Nhật hiện nay còn gọi là metabo.
Theo một luật mới được thông qua cách đây hai tháng, các công ty và chính quyền địa phương giờ phải định kỳ tiến hành đo vòng eo của người dân trong độ tuổi từ 40-74 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ thường xuyên phải đo 56 triệu vòng eo, tương đương với 44% toàn bộ dân số - một con số có thể ghi vào kỷ lục Guinness.
Những người vượt quá hạn mức số đo vòng eo do chính phủ đặt ra - 85cm cho đàn ông và 90cm cho phụ nữ, tương đương với mức ngưỡng mà Hiệp hội Tiểu đường thế giới đặt ra cho người Nhật năm 2005 - sẽ bị xếp vào nhóm có nguy hiểm về sức khỏe. Những người có eo quá khổ này sẽ được cung cấp một hướng dẫn ăn uống riêng nếu sau ba tháng vẫn không giảm được cân. Trong trường hợp cần thiết, họ sẽ phải tham gia các khóa "cải tạo" riêng sau sáu tháng.
Phóng to |
Một poster tại phòng khám y tế công cộng ở Nhật với nội dung "Tạm biệt metabo" - Ảnh: New York Times |
Hầu hết người Nhật hiện được Chính phủ Nhật chi trả chi phí y tế thông qua các chương trình bảo hiểm. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đã bị Thượng viện khiển trách (lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1945 tới nay) chỉ vì có chương trình dự định buộc người trên 75 tuổi phải chi trả thêm chi phí y tế.
Kế hoạch mới tuy được coi là tốt nhưng vẫn có những người phê phán cho rằng qui định của chính phủ, đặc biệt về vòng eo của đàn ông, là quá chặt. Với cách tính này, theo họ, sẽ có đến hơn một nửa số nam giới bị coi là béo phì. Theo họ, cách này có thể dẫn đến tình trạng dùng thuốc quá nhiều và cuối cùng sẽ lại làm tăng thêm chi phí y tế.
GS Yoichi Ogushi tại Trường Dược của ĐH Tokai gần Tokyo cho rằng người Nhật không cần giảm cân chút nào. "Tôi không nghĩ chiến dịch này có hiệu quả tích cực. Nếu thực hiện chiến dịch này ở Mỹ thì có lẽ sẽ tốt hơn vì có rất nhiều người Mỹ nặng trên 100kg - ông nói - Người Nhật đã mảnh khảnh quá rồi và họ chẳng thể giảm cân được thêm".
Rất nhiều thành phố hiện đang tích cực triển khai chương trình này. Ở một số nơi, các thị trưởng thậm chí còn lập các chương trình chống metabo, lập ra các nhóm giảm cân. Tuy vậy, như một quan chức ở thành phố Amagasaki thừa nhận, chỉ cần đo được eo của 65% người dân từ 40-74 tuổi đã là "mục tiêu vô cùng khó”.
Chiến dịch này bắt đầu một vài năm trước khi Bộ Y tế Nhật cảnh báo về nguy cơ mắc hội chứng trao đổi chất (metabolic syndrome) và có thể gây ra các chứng bệnh như tiểu đường, các bệnh về động mạch, huyết áp, mỡ bụng, cholesterol trong máu... Dần dà thì từ metabo đã trở nên nổi tiếng và được coi là "biệt hiệu" của tình trạng quá cân ở Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận